Định hình một ngòi bút phê bình văn học

Vũ Nho| 25/03/2020 09:37

Theo dõi danh sách kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội, của Hội Nhà văn Việt Nam hàng chục năm qua có thể thấy hội viên ngành phê bình văn học chỉ một hai người so với bốn năm mươi người ở ngành thơ và văn xuôi. Điều đó cho thấy trở thành một người viết phê bình chuyên tâm, có tác phẩm là chuyện không đơn giản và không mấy hấp dẫn với người viết. Vì vậy chúng ta thật sự vui mừng khi bắt gặp tập phê bình văn học khá dày dặn của Xuân Hùng.

Định hình một ngòi bút phê bình văn học

Xuân Hùng là người viết truyện và kịch ngắn. Anh công tác ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Việc tiếp xúc thường xuyên với bản thảo của các tác giả in sách ở nhà xuất bản nơi anh công tác đã tạo điều kiện, kích thích ngòi bút của anh hướng về phía phê bình. Chắc chắn việc biên tập và thẩm định đã vừa bắt buộc, vừa tạo cơ hội cho anh viết. Không ngạc nhiên khi các bài phê bình được xếp vào ba mảng  “Chúng tôi - những người chiến sĩ” (9 bài), “Muôn màu cuộc sống” (9 bài), “Nốt trầm văn hóa miền sơn cước” (6 bài), phần lớn (16/24) đều là bài viết về các tập sách in ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Là người viết truyện ngắn và kịch, nhưng sang lĩnh vực phê bình, ngòi bút của Xuân Hùng tỏ ra đa dạng và tung tẩy hơn. Hầu hết các thể loại văn học đều được anh động bút từ truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, tản văn đến thơ, trường ca, khảo cứu.

Có thể nói Xuân Hùng là người viết phê bình đã định hình chủ yếu ở lĩnh vực tác phẩm viết về đời sống bộ đội trong thời chiến, thời bình và tác phẩm viết về đời sống các dân tộc ít người trong cộng đồng các dân tộc của nước ta. Anh là một người viết trẻ, có phải vì thế chăng mà trong không gian phê bình của mình, anh dành một phần rộng đáng kể để viết về những cây bút trẻ và bút mới như: Lê Mạnh Thường, Minh Hương, Tống  Ngọc Hân, Chu Thị Minh Huệ, Hạnh Trần, Nông Quang Khiêm, H’Siêu, H’Phi La. Và cách tiếp cận tác phẩm của cây bút phê bình căn bản là cách tiếp cận văn hóa, một xu hướng không mới, nhưng rất thịnh hành trong những năm gần đây.

Bất cứ tác giả nào, dù là người lính cầm bút có thâm niên hay một bạn viết trẻ mới có thành tựu bước đầu, nhưng tác phẩm của họ đều được Xuân Hùng đọc và viết với tinh thần nâng niu, trân trọng. Bởi có lẽ là người viết, anh thấm thía nỗi vất vả, nhọc nhằn mang nặng đẻ đau của người sáng tác. Mặt khác, anh là người nhiệt thành, nhiệt tâm khi quan niệm “Bất kì viết về cái gì, nhà văn cũng thâm nhập vào đối tượng với một con tim nóng hổi, chuyển hóa cái đối tượng khách quan thành đối tượng chủ quan đến mức tưởng như chính mình sinh ra cái khách quan ấy. Nhà văn luôn luôn mang một tấm lòng rộng mở, biết ngạc nhiên dù là đối với một vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, rất nhạy cảm với những đổi thay xung quanh” (trang 221). Đó là suy ngẫm của anh về đồng nghiệp và cũng chính là cách ứng xử của bản thân mình.

Dù chưa in tập thơ nào, nhưng bài viết về thơ của Nguyễn Hồng Minh “Một chữ “tình” trong thơ người lính”, Xuân Hùng thể hiện sự tâm đắc và bắt đúng mạch cảm hứng xuyên suốt 2 tập thơ của tác giả. Những lời phân tích, bình giải khá thuyết phục. Nói về chữ “tình”, người viết đã dẫn ra chữ “tình” trong thơ chống Mỹ của những nhà thơ nổi tiếng, những người đồng đội với Nguyễn Hồng Minh và khẳng định “Theo tôi, chữ “tình” ở đây không đơn thuần chỉ là thứ tình yêu trai gái, mà nó mang nặng tâm thế của một thời lửa đạn sục sôi. Chữ “tình” như một điều gì đó vừa thiêng liêng, cao cả lại vừa chất chứa vẻ bình dị. Nó là sự hun đúc của tâm hồn người chiến sĩ cầm bút”. Và nhà phê bình dẫn ra những câu thơ mộc mạc, giản dị mà gần gũi: “Điều anh muốn nói với em/ Không ba lô nào chứa nổi… Mang nỗi nhớ cồn cào nỗi nhớ/ Ở hai đầu ta gửi cho nhau” (trang 31). Viết về tập thơ của nhà thơ trẻ Ngô Bá Hòa, Xuân Hùng không giấu niềm cảm mến, mặc dù cũng có những nhắc nhở, phê bình nhẹ nhàng thân ái. Chính vì thế người viết mới nhìn “Cánh đồng cỏ úa” (nhan đề tập thơ) thành “Cánh đồng mọc ước mơ” (nhan đề bài viết về tập thơ). Những câu thơ được trích dẫn là những câu thơ đẹp, gợi cảm của Ngô Bá Hòa: 

“Tuổi thơ tôi thơm mùi cánh đồng/ úa vàng nỗi đau bỏ ngỏ/ trên mi mắt cha buồn/ mẹ vẫn về theo từng ngọn gió…”.

“Váy em lóa cả bình minh/ mắt em đựng mùa xuân chất ngất”

“Những đứa trẻ lớn trong màu xanh/ Có ánh mắt thấu đại ngàn/ Có đôi tai lắng trăm ngàn núi/ Và nụ cười vỡ ánh hoàng hôn”.

Tôi từng đồng tình với nhiều nhà thơ và nhà phê bình rằng, một bài giới thiệu tập thơ thành công, trước hết là trích được những câu thơ đáng trích của tác giả.

Là người viết truyện ngắn, nên những bài phê bình truyện ngắn (một truyện, một chùm truyện, một tập truyện) của Xuân Hùng tỏ ra chắc chắn và đáng tin cậy, thành công hơn cả. Anh phát hiện sự thành công của Lê Mạnh Thường trong tập truyện ngắn “Biển khóc” vì chất thực được thể hiện khá mới, bi tráng và xúc động: “Trong những truyện ngắn này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những câu chuyện rất đời thực, gần gũi, nhưng với giọng kể hơi ồn ào, pha chút mặn mòi, mạnh mẽ như những làn sóng biển của Lê Mạnh Thường đã tạo nên những cái gì đó rất mới, rất bi tráng và xúc động, khiến cho người đọc không thể kìm nén được lòng mình” (trang 23). Bình luận về chùm ba truyện ngắn của ba người lính đăng trên báo Văn nghệ, tác giả với tư cách là “người đọc trẻ” đã khẳng định đầy tin tưởng rằng “Trận đánh cuối cùng của người lính” không phải là những trận đánh bằng súng đạn khi giáp mặt với quân thù, mà chính là trận đánh của số phận với những dư âm, kỉ niệm chiến tranh; của bản lĩnh những con người từng đi qua chiến tranh với cuộc sống xã hội luôn biến đổi từng ngày xung quanh họ” (trang 46).

Với truyện ngắn “Chín vía” của Nguyễn Thị Ngọc Hà, tác giả đã viết một bài dài, thậm chí dài hơn cả mấy bài viết về nguyên một tập nhiều truyện ngắn. Cũng thỏa đáng thôi vì người viết thú nhận ngay từ đầu bài viết “Tôi như bị thôi miên khi chạm vào Chín vía” (trang 95). Tác giả đã phân tích kĩ lưỡng truyện ngắn này với ba tiểu mục: 1. Ngôn ngữ đặc tả trong xây dựng nhân vật điển hình; 2. Mượn tâm linh để mê hoặc người đọc;  3. Phút cuồng nộ nội tâm và giá trị thực của tình người. Có vẻ như người viết say sưa hơi thái quá một chút trong giọng điệu ngợi ca (mặc dù đã sử dụng từ nghi vấn “hình như”), nhưng người viết cũng đủ bình tĩnh và tỉnh táo để khẳng định “Nguyễn Thị Ngọc Hà chỉ có ý  mượn cái gọi là Vía để phục vụ cho mục đích dựng truyện của mình chứ không bị sa vào ma mị của thế giới tâm linh” (trang 101).

Hầu như viết về tác phẩm hay tác giả nào, người viết cũng gắng khám phá những nét riêng, nét độc đáo của họ. Điều này thật không dễ. Ví như với Lê Văn Vọng thì “giọng văn thật thà, nhè nhẹ, nhưng ẩn chưa bên trong là sự len lỏi, hâm nóng cảm xúc cho người đọc”. Còn Nguyễn Hiền Lương chỉ “miêu tả những khoảnh khắc đẹp nhất của tình yêu người lính”. Nguyễn Trọng Văn “kể chuyện rất thật, rất gần, rất từ tốn” (Đâu sẽ là “trận đánh cuối cùng” của người lính?). “Phạm Minh Hà không giỏi trong cách miêu tả tình tiết, nhưng ông lại có cái hay trong cách dựng chuyện” (Giản dị khi người lính cầm bút). Hà Nguyên Huyến thì “sẽ không bao giờ vượt khỏi ngưỡng cái cổng làng lịch sử của quê hương. Bởi chỉ có ở đó, chỉ có ở làng Việt cổ Đường Lâm thì ngòi bút của ông mới thực sự biến ảo, nhảy múa và cuốn hút người đọc” (Hành trình độc đáo của đá ong). Còn Tống Ngọc Hân, một cây bút nữ “đổi mới liên tục trong tư duy sáng tác, về nghệ thuật dựng truyện và đặc biệt là chất liệu sống mà không phải người viết trẻ nào cũng có được” (Khi chạm vào “vỉa tầng” của sự nhạy cảm).

Bám sát văn bản tác phẩm, mạnh dạn trình bày những suy nghĩ, cảm nhận; không giấu những cảm xúc cá nhân khi tiếp nhận; trình bày những hiểu biết, cảm nhận của mình bằng một  giọng văn chân thành, nồng nhiệt. Chính điều đó đã làm cho người viết thành công khi viết về các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau bất kể là tác phẩm viết về người lính mà anh thông thuộc hay viết về mảng văn hóa các dân tộc mà anh bước đầu làm quen, bước đầu đi sâu và cảm mến.

Tất nhiên, đây là cuốn sách đầu tay, nên không tránh khỏi những chỗ này chỗ khác còn chưa được như ý. Nhưng rõ ràng Xuân Hùng đã bắt đầu định hình một ngòi bút phê bình văn học có giọng điệu riêng, có cách tiếp cận riêng. Anh còn nhiều đất viết và còn nhiều thời gian để khẳng định mình trong lĩnh vực phê bình văn học. Chúng ta có đủ căn cứ để tin tưởng và hi vọng.
(0) Bình luận
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
  • Tình già
    Gió rít từng cơn rải những hạt mưa to rào rào vào cái vách lá dừa nhà ông già Tám làm cho con Lu đang khoanh tròn trong bếp tro giật mình ngái ngủ. Cơn giông cuối ngày làm cho đám cây mì trước nhà lúc la lúc lắc như uống từng giọt mưa sau những ngày nắng hạn kéo dài héo rũ.
  • Bầu Trời và Mặt Đất
    Ngày xửa ngày xưa, đã từ rất lâu, Bầu Trời và Mặt Đất là hai người bạn. Họ thân với nhau lắm. Ngày ngày họ cùng chơi đùa, nói chuyện, chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn cho nhau.
  • Mùa hoa biên giới
    Sau những ngày vất vả ngược xuôi với các vụ việc, hôm nay Ban mới có một ngày rảnh rỗi. Nhớ tới lời hứa với Hoa, nhớ tới lũ trẻ trên điểm trường ở Nậm Mo Phí, Sín Thầu, nơi Hoa dạy. Ban mua một ba lô quà bánh, ít mì tôm, thịt hộp cho lũ trẻ và đặc biệt mua cho Hoa một tấm áo mới.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Định hình một ngòi bút phê bình văn học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO