Đình Hiệp - nét xưa bên dòng sông Đáy
Làng Hạ Hiệp (tên gọi cổ xưa là kẻ Hiệp), xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ là một trong số ít những ngôi làng Việt cổ nằm bên hữu ngạn sông Đáy còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của xứ Đoài nói riêng và của đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Trong đó nổi bật là ngôi đình cổ kính, linh thiêng thờ Thành hoàng Hoàng Đạo - một danh tướng nổi tiếng của Hai Bà Trưng.
![1b.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2024/12/16/1b.jpg)
Tương truyền, Hoàng Đạo tướng quân có tên là Đỗ Năng Đạo. Người kẻ Hiệp vẫn kể cho nhau nghe về Thành hoàng làng có cha là người họ Đỗ ở Nghệ An đến Hạ Hiệp lập nghiệp và kết duyên với một người họ Phùng. Hai ông bà muộn con nên đưa nhau lên núi chùa Thầy cầu tự. Một đêm, bà vợ nằm mơ thấy dải hoàng vân bay ngang qua mình rồi mang thai. Sau chín tháng mười ngày, bà sinh hạ một cậu bé khôi ngô. Nhớ lại giấc mơ, hai ông bà liền gọi con bằng cái tên Hoàng Đạo.
Vào những năm bốn mươi sau Công nguyên, nhà Đông Hán xâm lược nước ta, chúng thi hành nhiều chính sách tàn bạo để vơ vét của cải. Trong hoàn cảnh đó, Hoàng Đạo đã chiêu tập dân binh ba thôn Hạ Hiệp, Hiệp Lộc, Yên Dục để tập luyện võ nghệ nhằm chống lại quân Hán. Khi Hai Bà Trưng nổi dậy khởi nghĩa, Hoàng Đạo đã đưa dân binh của mình hưởng ứng và trở thành một danh tướng. Sau ba năm nước nhà được độc lập, đến năm 42, vua Hán sai Mã Viện đem hai vạn quân sang xâm lược nước ta lần nữa.
Hai Bà Trưng cùng các bộ tướng dũng cảm chống trả nhưng thế lực không cân nên đã thất trận, tuẫn tiết ở cửa sông Đáy. Hoàng Đạo phải đưa quân theo hạ lưu sông Đáy về lập căn cứ ở Hạ Hiệp nhằm tiếp tục kháng chiến. Rồi đến ngày mười hai tháng ba, ông đã hi sinh ở ngoài bãi sông Đáy, làng Hạ Hiệp. Sau này, kẻ Hiệp dựng thành quán thờ ông nằm ngay chỗ ông mất, gọi là quán Hiệp. Và ba làng Hạ Hiệp, Hiệp Lộc, Yên Dục đều tôn thờ ông làm Thành hoàng. Ngoài nơi thờ chính ở quán Hiệp, kẻ Hiệp còn dựng đình (đình Hạ Hiệp) để thờ vọng. Hằng năm, nhằm ngày ngài hóa, dân làng Hạ Hiệp mở hội long trọng để tưởng nhớ công đức của ngài.
Đình Hạ Hiệp nằm ở giữa làng, tọa lạc trên một khu đất đẹp, rộng khoảng ba nghìn mét vuông, nhìn về hướng Tây Nam. Ngôi đình này có từ lâu đời nhưng căn cứ vào phong cách nghệ thuật trên những đường nét kiến trúc cùng các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, người ta có thể xác định các hạng mục công trình đang tồn tại được làm vào khoảng từ thế kỷ XVII trở về trước. Nhìn tổng thể đình Hạ Hiệp có đầy đủ các hạng mục tiêu biểu của một ngôi đình làng Việt cổ ở Bắc Bộ như: Nghi môn (có hai Nghi môn: một ở trước tòa Tiền tế, cửa này mang ý nghĩa tượng trưng bởi đường qua lại đã bị bịt kín; một nằm phía bên trái Đại đình); Tả vu, Hữu vu (hai nhà nhỏ ở bên sân, vây quanh khu đình) Tiền tế (hình chữ nhật, ba gian hai chái, hai tầng tám mái kiểu chồng diềm, dựng trên bốn hàng chân cột hình vuông, hai hàng cột cái bằng gỗ, hai hàng cột quân bằng đá); Đại đình (có ba gian hai chái nhưng mỗi chái có kích thước lớn như một gian, dựng trên nền nhà hình chữ nhất, xưa vốn là đình sàn, nay không còn sàn nhưng dấu vết các lỗ mộng đỡ các thanh xà để lát ván sàn vẫn còn hiện diện trên các thân cột gỗ lim); Hậu cung (nơi đặt bài vị Thành hoàng, có hai gian, làm vuông góc với Đại đình tạo thành chữ Đinh, xây kiểu tường hồi bít đốc). Ngoài ra, đình còn có hồ bán nguyệt và hai bể cảnh bằng đá, thân bể chạm nổi các hình long cuốn thủy, hoa sen, sóng nước..., bể có ghi niên đại Gia Long XV (1816).
![3.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2024/12/16/3.jpg)
![6.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2024/12/16/6.jpg)
![4.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2024/12/16/4.jpg)
Đến với ngôi đình này, ngoài được ngắm nhìn các công trình cổ kính với những mái ngói, đầu đao vút cong, uyển chuyển như hàng trăm ngôi đình khác ở đồng bằng Bắc bộ, chúng ta còn được chiêm ngưỡng một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc dân gian với nhiều tác phẩm thuộc các đề tài khác nhau rất sống động, qua đó hiểu thêm về cuộc sống lao động cùng những triết mỹ của ông cha thời trước. Những tác phẩm nghệ thuật ở đình Hạ Hiệp được tập trung nổi bật trong các hình ảnh đắp bằng vôi vữa và chạm khắc bằng gỗ. Thế giới nghệ thuật bằng vôi vữa là những hình chim phượng, những con nghê, đèn lồng trên các trụ hoa biểu ở Nghi môn. Ngắm nhìn chim phượng với chiếc đuôi uốn lượn bay bổng lên không trung người ta như thấy một bầu trời cao rộng mênh mông. Chiêm ngưỡng cặp nghê chầu gắn những mảnh sứ rất đẹp người ta nghĩ đến những loài linh vật vừa trung thành vừa uy lực.
Nếu như nghệ thuật trang trí bồi đắp bằng vôi vữa được thể hiện tập trung trên các Nghi môn thì nghệ thuật đục chạm được hiện hình trên các bức cốn, cây kẻ, đầu dư, xà nách, giá chiêng, ván gió, ván nong, con rường, vì nóc… bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng, chạm kênh bong… rất đặc sắc. Trong thế giới điêu khắc này người ta thấy có ba đề tài: đề tài về động vật, đề tài cây cối và đề tài về con người.
Đề tài về động vật có những hình ảnh tứ linh (long, ly, quy, phượng) và hình ảnh các con vật thường thấy trong cuộc sống hằng ngày (voi, ngựa, trâu, gà, thạch sùng, cá, lợn, ngựa, hổ…). Ở những đề tài này, nổi bật lên là những con rồng được chạm khắc công phu, theo một phong cách rất độc đáo: có con mình trơn hoặc mình vảy với chiếc miệng há rộng để lộ hai hàm răng lớn; có con đang cuộn mình; có con oai vệ giơ hai chân trước ra nắm lấy bộ râu; có con lại đưa hai chân sau tỳ vào cây cột như muốn vươn mình bay ra; có con miệng loe ra, môi rất dày, mắt tròn lồi to, đao mác, đuôi cá chép, thân tròn, cuộn khúc như vẫn đang trong tư thế bơi dưới nước; có con đầu lớn, tai thú, cằm bạnh ra, miệng rộng, mắt lồi; có con con rồng lớn cùng bầy rồng nhỏ và những con thạch sùng làm thành rồng ổ.
Ngoài chạm khắc rồng còn có chạm khắc chọi trâu với hình ảnh con trâu mập mạp đang cúi xuống, ngoắc đầu giao chiến với vẻ dữ tợn; chạm khắc cưỡi voi với những cặp ngà dài, vòi to; chạm khắc hai con hổ được đục trong tư thế như đang rình mồi với bắp thịt cuộn lên, nằm ép sát đất, hai chân trước co lại trước ngực vừa như đang phủ phục vừa như đang sẵn sàng tấn công.
Đề tài về thực vật không nhiều, nổi bật lên là hình ảnh hoa sen trong bức chạm thiếu nữ tắm hồ sen và một vài bông hoa cúc hướng dương tượng trưng cho mặt trời được đục chạm thủng trên vì nóc.
Sinh động nhất có lẽ là những tác phẩm điêu khắc về người. Đó là hình ảnh mười hai vũ nữ thiên thần gợi lên bóng dáng của các cô thôn nữ với khuôn mặt bầu bĩnh, thân hình uyển chuyển, thon thả; chạm khắc “mả táng hàm rồng” với hình ảnh người nông dân mình trần, đóng khố, tay trái vanh hàm trên con rồng lớn, tay phải đẩy một cỗ quan tài vào; chạm khắc “người cưỡi hổ” với hình ảnh người đàn ông miệng rộng, tai lớn, đôi chân kẹp chặt mạng sườn con hổ; chạm khắc “đấu vật” với cảnh người mình trần, đóng khố, khuôn mặt tươi tỉnh đang múa võ; chạm “uống rượu” với hình ảnh hai đàn ông vận áo dài, đầu đội mũ tròn ôm sát đầu đang ngồi đối ẩm bên mâm bồng cao; chạm khắc “đánh cờ” với hình ảnh hai người đàn ông vận áo dài, ống tay áo rộng, đội mũ che kín tai và gáy như thể không màng tới thế sự; chạm khắc “cưỡi ngựa” với những hoạt cảnh vinh quy bái tổ hay cảnh hai người đàn ông đang cưỡi ngựa phi nước đại; chạm khắc “ôm gà đi chọi” với hình ảnh ba người đàn ông ôm một chú gà đang xếp hàng để đi vào xới, phía sau họ là một tốp người đang hò reo, cổ vũ rất vui.
Có thể nói, thông qua nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, các nghệ nhân không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ trong xã hội mà còn thể hiện những khát vọng về mưa thuận gió hòa, cuộc sống may mắn. Ngoài các giá trị về nghệ thuật, đình Hạ Hiệp là một trong số ít những ngôi đình còn bảo tồn được khá đầy đủ các hiện vật cổ xưa như: kiệu gỗ, hòm sớ, sắc phong, bia đá, đồ thờ... Đây là những cổ vật rất có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa của dân tộc.
Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, năm 2000, ngôi đình duyên dáng với những nét xưa bên bờ sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt./.