Giáo dục

“Điểm sáng” trường học an toàn, thân thiện, văn minh của Hà Nội

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 01/06/2023 09:16

Tại huyện Ba Vì (Thành phố Hà Nội), nhiều trường tiểu học thời gian qua đã triển khai mô hình “Cổng trường an toàn - văn minh”, đưa các trò chơi dân gian vào nhà trường. Qua đó góp sức cùng ngành giáo dục Thủ đô Hà Nội tạo lập môi trường học đường hạnh phúc, an toàn, thân thiện, văn minh.

Từ “Cổng trường an toàn - văn minh”...

Nhiều năm nay, mô hình “Cổng trường an toàn – văn minh” được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho triển khai ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Chúng tôi đến Trường Tiểu học Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) - trường "kiểu mẫu" của mô hình này vào giờ tan học buổi chiều, cuối năm học 2022 - 2023.

truong-hoc-bavi-2-.jpg
Trường tiểu học Phú Sơn được xem là "kiểu mẫu" của mô hình “Cổng trường an toàn – văn minh” tại huyện Ba Vì, Hà Nội.

Đúng như tìm hiểu, lúc tan học, phía ngoài cổng trường, các bậc phụ huynh dựng xe máy, xe đạp ngay ngắn, thẳng hàng trong vạch sơn trắng, mọi người vui vẻ trò chuyện trong khi chờ đón con về nhà. Con đường nhựa cách cổng trường hơn 10m, các phương tiện, người dân địa phương vẫn đi lại bình thường. Trong trường, hàng trăm học sinh ra về nhưng không có tình trạng chen lấn, xô đẩy mà đi theo hàng lối.

“Thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, nhiều năm học qua, chúng tôi đã triển khai mô hình “Cổng trường an toàn – văn minh” cô giáo Ngô Thị Lệ Hằng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn, chia sẻ. Khi mới triển khai, hàng ngày, các thầy cô giáo trong đội xung kích đứng trước cổng trường vào sáng sớm, trưa và chiều – thời điểm các phụ huynh đưa, đón con. Đội xung kích hướng dẫn phụ huynh để xe sát với bờ tường hai bên cổng trường theo vạch kẻ quy định. Nếu học sinh đi xe đạp đi học, đội tuyên truyền măng non của trường sẽ hướng dẫn các bạn xếp xe ngay ngắn tại khu vực nhà xe.

Thêm nữa, để không bị "vỡ trận", với khối lớp 1, nhà trường cho tan học trước 10 phút, lớp 2 tan học sau đó 5 phút và khối lớp 3, 4, 5 ra về sau cùng. Điều này giúp các bậc phụ huynh đón con em thuận tiện hơn, tránh được cảnh quá tải và lộn xộn cả trong và ngoài khu vực nhà trường.

img_0237(1).jpg
Cô giáo Ngô Thị Lệ Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Sơn.

Cô giáo Ngô Thị Lệ Hằng cho biết, khi mới triển khai mô hình “Cổng trường an toàn – văn minh”, cũng có một số phụ huynh do công việc cá nhân, việc gia đình nên để xe theo thói quen, có chút xô đẩy, chen lấn. Vậy là toàn thể cán bộ giáo viên, trong đó có cả Ban Giám hiệu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền từ ngay cổng trường đến những buổi họp phụ huynh, đến tuyên truyền qua các nhóm zalo của trường, lớp.

Các phụ huynh đã nhanh chóng thay đổi về nhận thức, hành vi và không lâu sau đó mọi thứ đã đi vào nề nếp. “Khu vực trước cổng trường không bao giờ xảy ra cảnh ùn tắc hoặc xảy ra va chạm, tai nạn giao thông vì cha mẹ các em đã chủ động, tự giác để phương tiện đúng nơi đúng chỗ khi đưa đón con ở trường”, cô Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Sơn, cho biết.

Di chuyển chừng 5km, chúng tôi đến Trường tiểu học Đồng Thái (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì), hình ảnh “Cổng trường an toàn – văn minh” tiếp tục hiện lên trước mắt. Hàng dài phụ huynh đón con em đi học về dựng xe máy hai bên lối vào trường theo đúng quy định, thẳng lối thẳng hàng. Thầy giáo Nguyễn Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Thái, cho chúng tôi biết nhà trường triển khai mô hình “Cổng trường an toàn – văn minh” từ năm 2021.

dong-thai.jpg
Phụ huynh học sinh xếp xe ngay ngắn, theo vạch kẻ quy định chờ đón con em trước cổng Trường tiểu học Đồng Thái.

Theo thầy Nguyễn Khôi, giờ tan lớp, các giáo viên cùng bảo vệ nhà trường ra trước cổng trường hướng dẫn phụ huynh học sinh để phương tiện vào hai bên lề đường đã được kẻ vạch sẵn. Nhà trường cũng có các buổi hướng dẫn các em học sinh về văn hóa giao thông, trong đó có nhắc nhở các em khi ra về không tụ tập trước cổng trường để tránh ùn tắc, không gây ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân và các phương tiện khác trên trục đường chính.

Được biết, ngành giáo dục huyện Ba Vì đã cho triển khai mô hình “Cổng trường an toàn - văn minh” tại nhiều trường học trên địa bàn. Từ thực tiễn, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì đánh giá, mô hình “Cổng trường an toàn - văn minh” tại địa phương đã góp phần xóa các điểm có nguy cơ mất an toàn, gây ùn tắc giao thông. Hơn nữa, đây là hoạt động giáo dục thiết thực cho học sinh và tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về ý thức tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng nhà trường thân thiện, an toàn.

...đến "Học mà chơi – chơi mà học" qua các trò chơi dân gian trong nhà trường

Ngoài thực hiện hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn - văn minh”, các trường tiểu học ở huyện Ba Vì mà hai trường kể trên, là những trường tiêu biểu đưa trò chơi dân gian đến với các em học sinh, giúp các em có thể "học mà chơi – chơi mà học".

img_0266.jpg
Thầy giáo Nguyễn Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Thái.

Thầy Nguyễn Khôi cho biết, nhà trường đã triển khai kế hoạch cho học sinh đến với các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, kéo co, nhảy dây… vào giờ ra chơi, trong các hoạt động văn nghệ - thể dục thể thao của nhà trường. Có lúc trò chơi “rồng rắn lên mây”, ban đầu chỉ có vài em học sinh tham gia, rồi cứ thế hàng trăm em vào hàng nối thành một "con rồng khổng lồ" đi quanh sân trường, quanh các gốc cây trông rất đẹp.

Tuy nhiên, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Đồng Thái cho biết phải chọn lọc các trò chơi dân gian để các em học sinh tham gia cho phù hợp. Chẳng hạn trò chơi đánh khăng, nếu không may con khăng vào người sẽ gây chấn thương, ảnh hưởng tới sức khỏe các em. Hay việc gấp máy bay, gấp thuyền sẽ không có ở Trường tiểu học Đồng Thái, vì theo thầy Nguyễn Khôi, nếu để các em tham gia trò chơi này thì vô tình khuyến khích các em xé sách, xé vở.

truong-hoc-bavi-1-.jpg
Học sinh nhiều trường tiểu học tại Ba Vì đã được tham gia các trò chơi dân gian trong giờ ra chơi, các hoạt động ngoại khóa.

Tương tự, cô giáo Ngô Thị Lệ Hằng hào hứng chia sẻ, Trường Tiểu học Phú Sơn đã đưa trò chơi dân gian vào giờ ra chơi, các hoạt động ngoại khóa. Khoảng 2 - 3 buổi/tuần, các thầy cô phụ trách công tác Đội sẽ tổ chức cho các em học sinh ca múa tập thể, hoặc chơi các trò kéo co, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống, mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê... Các dịp Nhà giáo Việt Nam (20/11), thành lập Đội (15/5)…, nhà trường đều tổ chức các cuộc thi với những trò chơi dân gian các em đã được tiếp cận, có trao giải thưởng để động viên, khuyến khích các em. Việc đưa trò chơi dân gian vào trường luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh, cũng như nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ các bậc phụ huynh.

Việc đưa các trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa, giờ ra chơi tại các trường học ở huyện Ba Vì, đã giúp các em học sinh có thêm kênh để phát triển trí tuệ, rèn luyện sức khỏe và gìn giữ nét văn hóa truyền thống, vừa giáo dục tính đoàn kết giữa các em nhỏ, nuôi dưỡng tâm hồn các em hướng đến giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Bởi công nghệ thông tin hiện nay đang bùng nổ, các em học sinh dễ bị cuốn vào những trò chơi điện tử, phim ảnh có phần bạo lực ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần là điều ai cũng nhận thấy rõ.

Và hơn hết, mô hình, các hoạt động nói trên ở huyện ngoại thành Ba Vì đã góp sức cùng ngành giáo dục Thành phố Hà Nội nói chung thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 1/6/ 2022 “Về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường” của Chính phủ; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Thủ đô Hà Nội./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
“Điểm sáng” trường học an toàn, thân thiện, văn minh của Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO