Đề xuất không sắp xếp đơn vị hành chính đối với quận Hoàn Kiếm do yếu tố đặc thù
Kỳ họp Chuyên đề (kỳ họp thứ 16) HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ diễn ra trong buổi sáng ngày 15/5. Tại Kỳ họp này, HĐND Thành phố dự kiến xem xét, thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 – 2025. Đáng chú ý, quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp nhưng vì yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp.
Dự kiến, UBND Thành phố sẽ có Tờ trình về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của Thành phố tại Kỳ họp Chuyên đề (kỳ họp thứ 16) của HĐND Thành phố.
Theo Tờ trình của UBND Thành phố Hà Nội, hiện trạng số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện của Thành phố là 30, trong đó gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp là 1 đơn vị (quận Hoàn Kiếm). Số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: 1 đơn vị (quận Hoàn Kiếm).
UBND Thành phố Hà Nội lý giải việc quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện sắp xếp vì quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của thành phố Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ bao gồm: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Cửa Đông, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ gắn với lịch sử hình thành lâu đời của khu 36 phố phường, có 5 cửa Ô từ đầu thế kỷ XX.
Quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc được chia ra làm 3 khu vực chính: khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ đã giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay. Từ năm 1995, Trung ương và Thành phố đã phê duyệt 04 Đề án quy hoạch dành riêng cho khu vực này (01 quy hoạch của Bộ Xây dựng; 01 quy hoạch của Thành phố; 01 Quy chế quản lý và 01 quy hoạch phân khu) để khẳng định tầm quan trọng vị trí đặc biệt cần bảo tồn, gìn giữ đối với khu phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm.
“Nếu thực hiện sắp xếp quận sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới”, theo nội dung Tờ trình về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp; không có ĐVHC cấp huyện liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Hà Nội có 1 quận thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp. Ngoài việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện theo Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội hiện đang thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội với nhiệm vụ “Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 01 - 02 huyện phát triển thành quận”, xây dựng đồng thời các đề án, cụ thể:
Thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 04/07/2023. Thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 22/9/2023. Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Gia Lâm sẽ được thực hiện trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hà Nội. Các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đang triển khai công tác xây dựng đề án thành lập quận và các phường thuộc quận.
UBND Thành phố Hà Nội cho biết thêm, số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp, cụ thể: ĐVHC cấp huyện: 30 đơn vị, (12 quận, 17 huyện, 1 thị xã); ĐVHC cấp xã: 518 đơn vị, gồm: 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn. Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã giảm do sắp xếp: ĐVHC cấp huyện là 0 đơn vị; ĐVHC cấp xã 61 đơn vị, gồm: 46 xã, 15 phường, 0 thị trấn./.
Ngoài việc xem xét, thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, dự kiến Kỳ họp Chuyên đề thứ 16 của HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ xem xét, thông qua các nội dung quan trọng khác: Quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định và và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn thành phố Hà Nội; Hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID;
3. Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng; Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội; Phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.
Tại Kỳ họp Chuyên đề lần này, HĐND Thành phố Hà Nội cũng xem xét nội dung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024; Phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội và kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của ADB và EU./.