Để đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong thời kỳ mới

KTĐT| 10/10/2021 10:35

Trải qua hơn 70 năm (1954 - 2021) đô thị hóa và phát triển đô thị, đặc biệt giai đoạn hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, hệ thống đô thị nước ta ngày càng phát triển. Trong giai đoạn mới, để hệ thống đô thị có khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu, dịch bệnh… và phù hợp với xu thế phát triển bền vững rất cần sự đổi mới quyết liệt từ chính sách, tư duy quản trị, phương pháp luận quy hoạch đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn lập quy hoạch xây dựng đô thị...

1. Tính đến nay, chúng ta đã có 863 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt; 23 đô thị loại 1; 31 đô thị loại 2; 48 đô thị loại 4 và 672 đô thị loại 5 với tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%. Các đô thị đã, đang là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kinh tế lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế đô thị đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của từng địa phương, từng vùng, miền và của cả nước. Đã hình thành một số cực tăng trưởng chủ đạo ở các TP lớn, đặc biệt là hai đại đô thị là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, những bất cập, yếu kém, trong quá trình đô thị hóa cũng đã lộ diện. Cách đây 5 năm, trong báo cáo “Việt Nam 2035” do Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&ĐT thực hiện (World Bank Group-Ministry of Planning and Investment of Vietnam: Vietnam-2035-Toward Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy-2016), khi đánh giá thực trạng hệ thống đô thị Việt Nam cũng đã nhận xét: Hệ thống phân loại, nâng cấp và quy hoạch đô thị bất hợp lý, kích thích chính quyền địa phương chạy theo thành tích (thay vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững) mở rộng quy mô đô thị và đầu tư quá mức, bỏ qua các chỉ tiêu thực tế về mật độ dân số, về khả năng kết nối để kích thích tăng trưởng.
Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, dẫn đến sự dịch chuyển ồ ạt (mất kiểm soát) dân cư nông thôn vào TP tìm kiếm việc làm... tạo thêm áp lực cho đô thị về hệ thống dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, về chất lượng môi trường sống, về nhà ở cho người nghèo... tạo ra những thách thức (không lường trước) trong nền kinh tế đang phát triển.
Các đô thị Việt Nam chưa được liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống đồng bộ. Khác với thế giới, các đô thị Việt Nam thường hình thành với đô thị hạt nhân bao quanh là một vùng nông thôn rộng lớn mang nặng cơ cấu truyền thống văn hóa làng, xã với mặt bằng dân trí không cao (nếu không nói là thấp). Ngày càng có sự đối lập giữa các khu vực đô thị mới với các tòa chung cư cao tầng hiện đại, tiện nghi, sang trọng và các xóm nhà ở lụp xụp, tạm bợ của người nghèo và người nhập cư. Phân hóa giàu – nghèo trong đô thị và giữa đô thị với nông thôn ngày càng sâu sắc.Những đánh giá của báo cáo “Việt Nam 2035” có thể còn chưa thật sự đầy đủ, nhưng cũng cho ta một cái nhìn tổng quan khá đậm nét về bức tranh toàn cảnh hệ thống đô thị Việt Nam, giúp chúng ta soi chiếu làm rõ thêm định hướng về đô thị hóa, về phát triển đô thị của nước ta trong những năm tới.

2.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với tầm nhìn chiến lược cũng đã chỉ rõ trong những năm tới phải phát triển nước ta theo hướng bền vững lâu dài.
Để làm được điều đó, cần tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản pháp luật để tránh chồng chéo khi đã có Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Kiến trúc, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và tích hợp những nội dung quan trọng liên quan đến đô thị đã được Chính phủ phê duyệt và thực hiện, như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cần lựa chọn mô hình phát triển đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, lối sống… và tiềm năng kinh tế của từng địa phương, từng vùng, từng miền. Đây là điều rất quan trọng khi lập quy hoạch đô thị. Sự khác biệt này sẽ làm cho mỗi đô thị có bản sắc riêng, giá trị riêng tạo nên đô thị đáng sống.
Cần vận dụng sáng tạo các mô hình phát triển đô thị trên thế giới vào phát triển đô thị Việt Nam một cách linh hoạt, phù hợp với địa chính trị và tiềm năng của nước ta theo hướng phát triển bền vững, như đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị nén và cả lồng ghép một số yếu tố của đô thị “xốp” vào trong cải tạo các đô thị truyền thống, các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh. Cần đổi mới phương pháp luận quy hoạch và quản lý đô thị trong thời kỳ công nghệ số. Việc ra đời Luật Đô thị sẽ làm rõ hơn phân loại và nâng cấp đô thị, chấm dứt tình trạng “chạy” nâng cấp đô thị bằng việc xin “nợ”, hay “vay mượn” chỉ tiêu, để đáp ứng các tiêu chí nâng cấp đô thị theo quy định.Khi lập quy hoạch chung đô thị có quy mô lớn cần coi trọng phát triển các đô thị vệ tinh, như Hà Nội đã và đang thực hiện, để giảm mật độ dân số ở trung tâm nội đô, tạo điều kiện xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, nâng cao chất lượng sống.
Các đô thị cần tạo vành đai xanh là khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất cao, phục vụ cho đô thị và tham gia vào chuỗi du lịch sinh thái. Coi trọng nâng cao chất lượng đô thị hơn là phát triển về số lượng và quy mô đô thị (theo hướng mở rộng diện tích). Dành nguồn lực cần thiết để đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các đô thị để không bị đứt gãy sự liên thông, liên kết vùng, miền, địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nâng cao năng lực quản trị của chính quyền đô thị.
Chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền lực trong sử dụng đất đai gây thất thoát tài sản nhà nước; tùy tiện điều chỉnh quy hoạch đã được duyệt (không vì lợi ích của xã hội, của Nhân dân), dẫn đến tình trạng xây dựng sai phép, không phép kéo dài nhiều năm, diễn ra ở nhiều đô thị những năm qua, làm rối loạn kỷ cương, mất an toàn xã hội và làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Nhà nước.
Cần chấm dứt tình trạng lãng phí đất trong phát triển đô thị. Phải sử dụng đất đô thị đúng mục đích và hiệu quả nhất, coi đất đô thị là tài nguyên, là tiềm năng, là nguồn lực để phát triển kinh tế đô thị bền vững.

3. Những ngày này, cả nước đang quyết liệt phòng, chống đại dịch Covid-19, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa chiến thắng đại dịch, vừa phát triển kinh tế” mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Những thay đổi và thích ứng của xã hội trong quản lý, điều hành từ T.Ư đến các địa phương khi xảy ra dịch bệnh sẽ là kinh nghiệm quý giá rất cần được nghiên cứu, bổ sung cho dự thảo Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế T.Ư xây dựng, để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Một số chủ trương chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Và nếu được như vậy, tôi tin, sẽ có nhiều kịch bản, giải pháp cho đô thị hóa, cho quy hoạch phát triển đô thị bền vững trong những năm tới phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thực hiện thành công “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đưa nước ta phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Để đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong thời kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO