Dấu ấn đời lính, dấu ấn cuộc đời
Hiếm có người nào gần như dành trọn cả cuộc đời mình một cách can trường, quả cảm, làm nên một “biên niên sử” bằng thơ - cũng là “biên niên sử” cuộc đời như Nguyễn Văn Á.

Đó là nét đáng quý, đáng trân trọng từ ông mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Ông, chứ không phải là ai khác, đã cất lên tiếng thơ từ đời sống theo cách trung thực, gần gũi, gắn bó nhất của cuộc đời mình. Bằng thơ, ông đã đã để lại dấu ấn cá nhân và dấu ấn thời cuộc. “Anh là ai?”, “Thời đại anh sống là thời đại nào?” - hai câu hỏi này như là hai đòi hỏi lớn nhất của thơ nói riêng và văn chương nói chung đã được Nguyễn Văn Á trả lời rõ ràng và rành mạch.
Thơ Nguyễn Văn Á là hành trình đi, hành trình sống, hành trình viết và tất cả như gói trong trong một chữ “đi”. Trong đó, hành trình đi là quan trọng hơn cả, đó là một quá trình chuyển động, tiếp nối không ngừng nghỉ và trải nghiệm của ông cứ dày lên mãi. Trong hành trình này, những dấu ấn của tình yêu bắt đầu tái hiện. “Cả năm tháng bước chân lỗi hẹn/ Cứ phập phồng tuổi bắt đầu yêu”, “Thôi đành mang trên vai/ Bông hoa màu mực ấy/ Qua bao nhiêu tháng ngày/ Gọi tình yêu thức dậy”, “Đi đánh giặc mất, còn nào ai biết/ Còn yêu nhau còn hát “Đợi anh về” - đó là những câu thơ dễ rung động, đi vào lòng người nhưng cũng đầy băn khoăn, ngẫm ngợi thuở đất nước còn chiến tranh, những lứa đôi còn cách xa nhau đằng đẵng được trích ra từ “Tuổi bắt đầu yêu”, “Có một lần em ơi” và “Tuổi chúng mình”.
Trong những bài thơ viết về tình yêu hoặc có liên quan đến tình yêu, “Dại khờ” là một tứ thơ lạ, như để chỉ ra bản chất đích thực của tình yêu: “Cùng tháng năm da diết/ Yêu em trong dại khờ”. Còn “Lặng im” và “Ngọn gió vu vơ” để lại bốn câu thơ gây ấn tượng rất đáng kể: “Sợi tơ tình giăng mắc/ Rút ruột tằm trong anh”, “Hoa chanh giăng mắc nỗi niềm/ Tím đêm mong đợi tình riêng một người”. Còn đây là những câu thơ mang sắc màu của tâm trạng, nỗi cô đơn khôn cùng của tình yêu và tác động ghê gớm của nỗi niềm xa vắng: “Đêm buồn tênh nghe tiếng vạc kêu/ Tìm gọi bạn phương trời xa lắc/ Anh vẫn biết chiếc cầu kiều đang bắc/ Chỉ mình qua trong năm tháng độc hành” (Trốn chạy) và “Sông quê chiều ấy mưa tuôn/ Em đi nhuốm cả nỗi buồn chiều đông” (Bến sông cổ tích).
Trong hành trình này, dấu ấn đời lính và dấu ấn những năm chiến trận cũng được tái hiện. Ngày ấy, đối với lính, những ngày nghỉ phép thật đáng quý, đến nỗi: “Phút gần nhau như món hàng xa xỉ”, nhưng “Phép hết rồi, Tổ quốc gọi anh đi” (Vợ lính). Đó là một hiện thực và một tâm thế có thật. Đó cũng là tình yêu và trách nhiệm của một người lính thời chiến, trong lòng lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm: “Tổ quốc trên hết”. Còn đây là sự ngậm ngùi không thể tránh khỏi khi số phận của tình yêu đặt trong điều kiện thời bấy giờ.
Người lính chỉ còn biết chấp nhận một tình yêu thật đẹp nhưng cũng thật buồn, như là bản chất của tình yêu vốn thế: “Tình yêu nối hai phương trời/ Mong đợi hao gầy con mắt/ Vỗ vào trái tim khoan nhặt/ Cung thương, cung nhớ không lời” (Em ơi năm tháng), “Thôi đành nhặt cánh hoa rơi/ Nhốt vào kỷ niệm nhớ thời đã yêu/ Rượu tình còn lại bấy nhiêu/ Mà hương thầm mãi nhắc điều xót xa” (Hoa bưởi).
Bi kịch của tình yêu cũng được đẩy thành đỉnh điểm khi:
Chị đã sống hút tầm thương nhớ
Về phương trời súng nổ phía anh đi
(Giọt sương bên cửa sổ)
và:
Làm Vọng Phu chị chưa hề hóa đá
Mà mưa rơi đất nghẹn nuốt bao lời
(Người gieo hạt)
Với người lính ở Thành cổ Quảng Trị ngày ấy, Thạch Hãn là nỗi mất mát lớn lao nhất. Bởi “Có ai ngờ Thạch Hãn một màu xanh/ Trong phút chốc biến thành dòng sông máu/ Bao người lính qua đây nằm lại/ Làm mái chèo khuấy động mãi niềm đau”; Bởi “Những linh hồn chưa một nấm mồ chôn”. Đó là năm câu thơ trong “Thạch Hãn chiều nay” và “Tháng bảy về”. Bài thơ “Con xin ở lại nơi này” được viết ra như để “ghi xương khắc cốt”, để tri ân những đồng đội đã nằm lại chiến trường. Thật cảm động và thật đáng trân trọng khi tác giả không quên ai trong đơn vị mình đã hy sinh và trước khi nằm xuống, vẫn chung một lời nhắn gửi sau cùng với mẹ: “Mẹ ơi vì nước vì non/ Mất con nhưng Tổ quốc còn hôm nay”. Và khổ đầu của bài thơ là lời da diết nhất, gan ruột nhất:
Thế là con đã ra đi
Núi sông Quảng Trị còn ghi tháng ngày
Dòng sông nọ, ngọn núi này
Con xin ở lại lấy đây là nhà
Ngoài phần 1 và phần 2 (“Giọt sương bên cửa sổ” và “Khúc giao mùa”), trong tập thơ này còn có phần 3: “Hoài niệm”. Phần “Hoài niệm” cho thấy tác giả không quên cội nguồn cùng với những người thân yêu ruột thịt của mình. Với Nguyễn Văn Á, nói như nhà thơ lớn người Đức B. Brecht thì “Không nơi đâu thánh thiện/ Bằng chính quê hương mình”. “Có một miền Trung bão lụt trong tôi” cũng như có một miền Trung bão lụt trong lòng Nguyễn Văn Á luôn “có tiếng trẻ gào trong đêm mưa giông”, đến nỗi “súc vật gia cầm chẳng còn nơi trú ngụ/ cứ vật vờ biết phiêu dạt về đâu”, đến nỗi “Chiếc quan tài treo giữa nhà cô quạnh” và nhiều thứ khác nữa “Sẽ suốt đời ám ảnh cuộc đời con”, sẽ ám ảnh suốt cuộc đời Nguyễn Văn Á. Và nỗi no đói ăn ngày giáp hạt cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi đến mức: “Ì ầm tiếng ếch tháng ba/ Gào cho cây lúa chóng ra làm đòng”.

Trong phần “Hoài niệm”, tác giả khắc họa nhiều nhân vật trong gia đình mình: “Cha tôi”, “Mẹ tôi”, “Anh cả”, “Anh hai”, “Em tôi”... rất chân thực và cảm động. Đây là hai dòng thơ viết về người anh cả là thương binh rất đúng và rất trúng: “Anh tự hát bài ca ngày ra trận/ Đo cuộc đời bằng bước thấp bước cao”. Còn đây là một vài nét chấm phá tự họa của người cha của chính tác giả và chính tác giả đầy thương cảm: “Thương biết mấy những tháng năm lầm lũi/ Cha một mình cảnh vợ góa, con côi/ Hai bảy năm tôi khoác màu áo trận/ Ba chiến trường làm nước mắt cha rơi”. Tác giả cũng không quên thân phận xấu số của một người em mình với nỗi ngậm ngùi khôn tả: “Anh xin khắc bài thơ buồn lên mộ/ Ru hồn em phiêu lãng ở niết bàn/ Cho anh thắp nén hương lòng cháy đỏ/ Khóc một thời mang phận trẻ mồ côi”.
Trong “Giọt sương bên cửa sổ” có hai bài thơ mang nỗi buồn lớn có dấu ấn thời cuộc lớn. Ở thế kỷ 20, có bài “Con xin ở lại nơi này”, viết về những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Ở thế kỷ 21, có bài “Cuộc hồi hương thế kỷ”, viết về những ngày cả nước bị Covid -19 tàn phá. Đây là cuộc trở về lớn lao của cộng đồng người Việt. Họ cứ “Lầm lũi bò trên nỗi tai ương” ngay “Trong hành trình trốn dịch”, trong nỗi đau buồn thảm khốc “Nắm xương thiêu đựng trong bình tro cốt/ Lặng náu mình vào các nghĩa trang/ Chôn chặt những cuộc đời bất hạnh”. Trước tình thế: “Chẳng còn cách nào đâu/ Những phận người trốn dịch/ Cứ quẩn quanh trong bước đường cùng” trong lời nhắn nhủ nhau đau đớn đến tận cùng: “Về quê thôi/ Chẳng có cách nào đâu/ Dù đường xa nghìn trùng cách trở/ Dù con thơ khát sữa/ Nhưng quê hương đang vẫy gọi ta về”.
Đi qua ba cuộc chiến tranh, sống qua những ngày gian khó nhất của đất nước, có ý thức làm thơ và phải bao nhiêu năm mới gom lại xuất bản một tập thơ đầu tay - đó là bản lĩnh đời, bản lĩnh thơ làm nên từ máu và nước mắt đáng nể của Nguyễn Văn Á./.