Dự án cũng tổ chức đào tạo 25 giảng viên nguồn là những giảng viên cao cấp, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy CTXH; tổ chức năm khóa đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý CTXH của ngành.
Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn 1, ngày 25-10, hai bên tiếp tục ký kết chương trình hợp tác. Theo đó, sẽ có 700 cán bộ được đào tạo quản lý cấp cao và 300 thạc sĩ khoa học về CTXH. Như vậy, tính cả hai giai đoạn, sẽ có 1.000 cán bộ quản lý của ngành lao động, thương binh và xã hội có chứng chỉ đào tạo quản trị CTXH và 500 cán bộ có bằng thạc sĩ CTXH. Đây là lực lượng quan trọng giúp đẩy mạnh giáo dục CTXH và các dịch vụ xã hội trong cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và CFSI trong việc phát triển nguồn nhân lực CTXH cho đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương. Chương trình thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao kỹ năng cho các cán bộ CTXH, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời giúp phát triển nghề CTXH một cách chuyên nghiệp, thông qua hệ thống đào tạo cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CTXH; đào tạo các giảng viên nguồn, những giảng viên cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy CTXH.
Theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số lượng người có nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH hiện chiếm khoảng hơn 25% dân số. Từ tháng 3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Qua một thời gian triển khai, Đề án đã hỗ trợ cho khoảng 40 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình Trung tâm CTXH, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH hiện nay lên 418 cơ sở, với tổng số cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở và tại mạng lưới cấp xã là 30 nghìn người. Các trung tâm CTXH cung cấp dịch vụ cho hàng chục nghìn lượt đối tượng có nhu cầu và giúp cho các tỉnh, thành phố nghiên cứu để chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ CTXH đối với người cao tuổi, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Trong công tác đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các trường đại học xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng nghề CTXH. Đề án 32 của Chính phủ đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hoàn thiện kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo CTXH hệ cử nhân ở 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH; có ba trường đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ CTXH. Hằng năm, đào tạo và dạy nghề cho khoảng 3.000 người, đào tạo CTXH hệ vừa làm, vừa học cho khoảng 3.000 lượt chỉ tiêu/năm.