Đào tạo biên kịch giỏi - chìa khóa cho nền giải trí thành công

Trà Giang/HNM| 24/05/2019 08:28

Những kỷ lục doanh thu phim chiếu rạp liên tục bị xô đổ, khán giả mặn mà hơn với phim Việt cả chiếu rạp lẫn truyền hình. Thậm chí, nhiều bộ phim đã được bán bản quyền cho những kênh phát hành lớn của thế giới, bán được cả kịch bản. Đó là những tín hiệu cho thấy điện ảnh Việt Nam đang giải quyết khá tốt bài toán kịch bản, vốn rơi vào khủng hoảng trong một thời gian dài trước đây.

Đào tạo cách cũ: Không còn phù hợp

Đạo diễn Lý Hải được xem là một trường hợp đặc biệt của điện ảnh Việt Nam. Từ một ca sĩ đang lên, anh quay ngoắt sang lĩnh vực phim ảnh, tự viết kịch bản và thành công liên tiếp với serie phim Lật mặt. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Lý Hải cho biết, đó là hoàn toàn nhờ vào việc tự học. Anh tự học viết kịch bản thông qua bạn bè, đặc biệt là mạng internet và dựa vào nhạy cảm của bản thân để biết thể loại phim nào, câu chuyện nào sẽ “ăn khách”. Tuy là trường hợp thành công đặc biệt, song việc tự mày mò để viết kịch bản như Lý Hải không phải là cá biệt bởi việc đào tạo biên kịch trong nước hiện nay vẫn rất yếu.

Có một giai đoạn khá dài điện ảnh Việt rơi vào cuộc khủng hoảng kịch bản tưởng như “vô phương cứu chữa”. Phương thức viết kịch bản theo lối cũ không còn phù hợp với khán giả, những câu chuyện theo mô-típ quen thuộc dựng thành phim không có khán giả. 

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn từng chia sẻ: “Trại sáng tác của Hội Điện ảnh mở ra bao năm nay nhưng số tác phẩm có thể làm phim chỉ chiếm 1/1.000. Hội Điện ảnh cũng từng mời nhiều nhà làm phim nước ngoài đến giảng dạy, nhưng các nhà làm phim của mình chỉ phóng xe đến điểm danh rồi ra quán cà phê ngồi. Thế nên những tác phẩm làm ra cứ nhợt nhạt như người thiếu máu”. 

Điều này vừa phản ánh nguyên nhân của việc khủng hoảng kịch bản hay, vừa cho thấy các phương thức vận động sáng tác hay đào tạo biên kịch theo kiểu lý thuyết có lẽ đã không còn phù hợp.

Cần nhiều hơn những tài năng


Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Tôi biết các bạn trẻ có rất nhiều ý tưởng hay, nhưng để ý tưởng ấy thành một bộ phim đòi hỏi nhiều yếu tố, điều đầu tiên là bạn phải viết ý tưởng ấy ra giấy”. Việc khó nhất chính là hiện thực hóa ý tưởng của mình thành kịch bản và nếu đi theo con đường tự mày mò, quá trình để thành công sẽ lâu hơn rất nhiều. Vậy, có cách nào rút ngắn được con đường đó và làm cho nó hiệu quả hơn? 

Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, mô hình lý tưởng nhất để đào tạo biên kịch giỏi hiện nay là cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” do đơn vị phát hành phim lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, hãng CGV tổ chức. Cuộc thi này được khởi xướng từ năm 2017, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới biên kịch cả nước, nhất là các bạn trẻ với lượng bài dự thi của hai mùa 2017 - 2018 lên đến gần 8.000 ý tưởng. 

Hội đồng thẩm định của cuộc thi là những đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch tên tuổi, bao gồm các đạo diễn Charlie Nguyễn, Lý Hải, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Quang Dũng, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và biên kịch Trần Khánh Hoàng. 

“Tôi cũng như CGV hay các đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch khác trong Hội đồng thẩm định đều tâm niệm là làm sao để sau cuộc thi có nhiều bạn trẻ bước chân vào nghề biên kịch và phải là nhà biên kịch tốt. Do đó, chúng tôi luôn sẵn lòng để hỗ trợ hết mình về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm giúp các bạn nhanh chóng thực hiện được kịch bản mơ ước của mình. Nếu như trở thành nhà biên kịch là một cái đích đến thì tôi tin rằng cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” chính là một con đường tốt và ngắn nhất dẫn các bạn đến cái đích đó”, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ.

Không chỉ là nơi để chia sẻ kinh nghiệm “rút ngắn con đường”, cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” còn mang đến bức tranh tổng thể về con đường trở thành nhà biên kịch của các bạn trẻ và cơ hội có thể biến ý tưởng thành kịch bản cũng như thực hiện một bộ phim hoàn chỉnh. Tại vòng cuối, ngoài việc nhận thưởng, các thí sinh xuất sắc còn được giới thiệu tác phẩm tới các nhà sản xuất và được CGV hỗ trợ một phần kinh phí để làm phim. 

Ngoài ra, 3 thí sinh xuất sắc nhất sẽ được tham gia khóa đào tạo ngắn hạn tại Hàn Quốc. Ông Sim Joon Beom, Tổng Giám đốc CGV nhận định: “2 năm không phải là khoảng thời gian dài nhưng qua mỗi mùa thi, chúng tôi lại thấy được nhiều sự thay đổi: Số lượng bài dự thi gửi về nhiều hơn và sự quan tâm của cộng đồng làm phim dành cho chương trình ngày một sâu sắc hơn. Cùng với đó, một vài thí sinh từ cuộc thi đã đạt được những thành tích nhất định. Đây là những tín hiệu đáng khích lệ để phát triển và làm giàu nguồn nhân lực cho nền điện ảnh Việt Nam ở giai đoạn phát triển rực rỡ như hiện nay”.

Điện ảnh Việt đang có những thay đổi tích cực, nhưng rất nhiều trường hợp thành công được đánh giá là mang tính ngẫu nhiên, cá biệt. Có những đạo diễn, biên kịch cũng ngỡ ngàng trước thành công của chính mình bởi con đường họ đang đi chủ yếu là tự mày mò.

Bởi vậy, công chúng yêu điện ảnh rất kỳ vọng vào những cuộc thi hay khóa học có thể chuẩn hóa được mô hình đào tạo biên kịch phù hợp với điện ảnh Việt Nam, tạo ra nhiều nhà biên kịch tài năng hơn nữa.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Nghệ thuật múa Hàn Quốc “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại”
    Các nghệ sĩ Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn múa “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại” tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (TP Huế).
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo biên kịch giỏi - chìa khóa cho nền giải trí thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO