Sân khấu - Điện ảnh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và tình yêu Hà Nội

Ths. Hoàng Dạ Vũ 20/02/2024 07:43

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh luôn được nhắc đến như một trong những tên tuổi hàng đầu của điện ảnh Việt Nam. Tuy xuất thân trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật (cha ông là Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ), lại không qua trường lớp đào tạo chính quy, nhưng ông đã nỗ lực tự tìm tòi sáng tạo, tìm ra con đường riêng dẫn tới thành công trong địa hạt điện ảnh.

nsnd-dang-nhat-minh-24-14-54-13.jpg
Ảnh: Nguồn Báo Nông nghiệp

Trong cuốn “Hồi ký điện ảnh”, Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Tôi đến với điện ảnh bắt đầu bằng một sự tình cờ, rồi tiếp theo là một chuỗi những sự tình cờ”. Những sự tình cờ may mắn ấy đã đưa đến cho ông các cơ hội để làm phim, rồi trở thành đạo diễn phim truyện. Nhưng để đạt được thành tựu đáng nể của một đạo diễn “có tầm cỡ quốc tế” thì Đặng Nhật Minh đã phải cống hiến hết tài năng, tâm sức của mình để làm nên những tác phẩm điện ảnh xuất sắc.
Các sáng tác của Đặng Nhật Minh không chỉ cho chúng ta thấy những vấn đề xã hội được phản ánh, mà đằng sau đó là thái độ, là quá trình phát triển tư tưởng của chính tác giả. Đặng Nhật Minh luôn theo sát, gắn chặt với những vấn đề thời sự, xã hội trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Vì thế, những chuyển biến của đất nước, của thời đại luôn được ông nắm bắt và phản ánh kịp thời, thậm chí là có tính cảnh báo, đi trước. Không kể hai bộ phim đầu tiên làm theo kịch bản của người khác, bắt đầu từ điểm mốc 1982 với phim “Thị xã trong tầm tay”, ông đã tìm cho mình “một cách tồn tại trong điện ảnh”: “Tôi chỉ làm những phim do tôi tự viết lấy kịch bản, nói về những điều mà tôi quan tâm, mà tôi rung động”. Chính vì đặc điểm đó, có thể thấy các tác phẩm của Đặng Nhật Minh đã phản ánh một cách chính xác và rõ rệt nhất những suy nghĩ, cảm nhận của ông trước cuộc đời - hay nói cách khác là “thế giới quan” của người nghệ sĩ.

Qua những bộ phim đầy trăn trở như “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Trở về”, “Mùa ổi”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Đừng đốt”…, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã nhìn thấy và phản ánh trong tác phẩm của mình những vấn đề còn ẩn giấu trong cuộc sống đời thường như việc đánh mất giá trị đạo đức, nhân cách; sự phai nhạt của lương tâm và tình người; nỗi bất công, thua thiệt của những con người nhỏ bé trong xã hội thời kinh tế thị trường... Những bộ phim giản dị, kể về những con người bình thường nhưng lại đề cập tới những vấn đề không nhỏ, có tầm khái quát lớn và tính cảnh báo, thức tỉnh sâu sắc. Mỗi tác phẩm của ông - dù làm về đề tài đương đại hay lịch sử, đều hàm chứa một lời nhắn nhủ tha thiết tới con người trong xã hội ngày nay, “là một lời tuyên ngôn của người nghệ sĩ trước cuộc đời”.

Đặng Nhật Minh không chỉ là một nhà tư tưởng của thời đại mình, mà còn là một nghệ sĩ không ngừng tìm tòi sáng tạo trong cách thể hiện nghệ thuật. Trong những bộ phim làm vào giai đoạn Đổi mới, ông đã hình thành nên một phong cách đặc trưng, nhất quán. Phong cách được toát lên qua cái chất của người đạo diễn, qua phương pháp thể hiện (cách kết cấu kịch bản, dàn cảnh...) và tập hợp các thủ pháp nghệ thuật gắn với những vấn đề mà tác giả đi vào.

Đặng Nhật Minh thường không lộ bàn tay đạo diễn trong phim mà hay ẩn đi, để người xem tự hiểu bằng những gợi mở khéo léo của mình. Phim của ông ẩn chứa nhiều suy tưởng, gợi lên cảm xúc và liên tưởng cho người xem bằng những hình ảnh và tình tiết tưởng như ngẫu hứng nhưng lại được tính toán, cài đặt cẩn thận. Kết cấu kịch bản trong các phim như “Trở về”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”... có vẻ tự do, cách tung sự kiện không theo logic cuộc sống mà “tùy hứng” theo ý đồ biểu đạt của tác giả. Các nhân vật trong những phim đó dường như cũng không gắn với nhau theo một đường dây cốt truyện chặt chẽ. Nhưng tất cả những điều đó, chính là cách dẫn dắt tự nhiên, ngọt ngào của đạo diễn, đưa người xem vào câu chuyện bằng cảm xúc, bằng những sợi dây tình cảm vô hình giữa các nhân vật trong phim.

Bộ phim “Hoa nhài” được đạo diễn Đặng Nhật Minh coi là tác phẩm tâm huyết lúc cuối đời của ông. Vị đạo diễn gạo cội đã hơn 80 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng vẫn đam mê với từng khuôn hình, từng góc máy. Như nhiều bộ phim trước đó của ông, bộ phim này vẫn mang phong cách dung dị, không tập trung vào những yếu tố kịch tính, hấp dẫn mà đi sâu vào mối quan hệ giữa các nhân vật. Đạo diễn đã chủ đích lựa chọn phong cách tối giản mà ông thừa nhận là học hỏi theo cách của điện ảnh Iran.

13f0e5eb7684a0daf995.jpg

“Hoa nhài” được đạo diễn Đặng Nhật Minh viết kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn của chính ông. Lấy cảm hứng từ câu ca dao quen thuộc “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, đạo diễn đã dành tình yêu trân trọng cho mảnh đất Thủ đô với những con người bình dị mà mang vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, hướng thiện. Xoay quanh hai nhân vật chính là cậu bé đánh giày và ông thợ cắt tóc, bộ phim dẫn dắt người xem bằng cảm xúc với những chi tiết đời thường, có thể bắt gặp đâu đó hằng ngày ở Hà Nội. Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Tôi đã sống ở Hà Nội hơn 60 năm và những gì trên phim là những quan sát hằng ngày của tôi, do đó bộ phim rất giản dị, đời thường không có gì ngoài tình người. Trong con người Hà Nội bây giờ vẫn còn cái chất “hoa nhài”.
Có thể cảm nhận rõ cái nhìn hồn hậu, nhân văn của tác giả về những con người Hà Nội - “những người lao động từ các nơi đổ về Hà Nội, sinh sống và lập nghiệp nơi đây” tạo nên bức tranh chân thực và ấm áp, dù đây đó vẫn còn những hiện tượng tiêu cực. Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định: “Tôi luôn luôn quan niệm làm phim là để khẳng định cái đẹp. Có nói đến mặt tiêu cực là để tôn lên mặt tích cực, đặc biệt là tính nhân ái, tôi rất quan tâm. Trong phim của tôi ít có nhân vật ác, phần nhiều là những người thiện, những người trong sáng cao thượng”.

Trong sự nghiệp điện ảnh với hơn mười bộ phim truyện dài của mình, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh dành khá nhiều tình cảm và sự quan tâm cho Thủ đô Hà Nội. Từ bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” (1997) khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng quân dân Thủ đô trong thời khắc lịch sử “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, rồi phim “Mùa ổi” với những con người thuần khiết, tượng trưng cho cái thiện, bản năng thiện; đến phim “Đừng đốt” về liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội gốc dịu dàng, vị tha, kiên cường… Trong dòng chảy sáng tác ấy, bộ phim “Hoa nhài” lắng đọng những tình cảm thân thương, trân trọng của vị đạo diễn tài hoa dành tặng cho mảnh đất ông đã gắn bó gần cả cuộc đời, gửi gắm niềm tin tưởng vào nét đẹp tâm hồn của con người Hà Nội.

Năm 2023, đạo diễn Đặng Nhật Minh vinh dự được trao Giải thưởng Lớn - Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến và cả tình yêu với Hà Nội mà ông đã chuyển tải qua những tác phẩm điện ảnh và văn học thấm đẫm giá trị lịch sử, nhân văn./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • UNESCO trao Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn
    Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then của người Tày, Nùng, Thái...
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh và tình yêu Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO