Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ điều gì đã làm nên thu Hà Nội đẹp đến vậy, thơ mộng đến vậy? Phải chăng là cái chất lãng đãng của phố phường thâm nghiêm, những con đường đẹp đến ngây người, những cảnh sắc đặc trưng của mùa thu? Hay bởi những người nhạc sĩ với tâm hồn lãng mạn, bay bổng, để rồi, thông qua những tuyệt phẩm thu như của Đoàn Chuẩn, khiến thu hiện lên vừa xốn xang, khắc khoải, vừa có điều gì bồn chồn, vừa như muốn bùng nổ lại vừa như muốn kìm nén.
Cảm nhận thu của Đoàn Chuẩn trong mỗi nhạc phẩm mỗi khác. Nếu như trong tuyệt phẩm “Thu quyến rũ” mở đầu bằng “Anh mong chờ mùa thu” như là sự mong nhớ thì với “Gửi gió trong mây ngàn bay”, ông thấy mùa thu tới cùng những tà áo dài xuất hiện trên phố: “Với bao tà áo xanh đây mùa thu”. Mùa đẹp vậy nhưng vẫn không khiến con người ta thoát ra khỏi cảm giác buồn man mác, có lẽ bởi những hiện tượng riêng có ở mùa thu: “Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ” rồi “Lá vàng từng cánh rơi từng cánh”...
Thu trong “Gửi gió cho mây ngàn bay” còn gợi nhớ về một cuộc tình đã quá xa xôi nhưng trong lòng vẫn còn luyến nhớ. “Đường trần quên lối cũ/ Người đời xa cách mãi/ Tình trần không hàn gắn thương lòng”. Tưởng đâu đó chỉ là cảm xúc tâm hồn trong tiết thu Hà Nội của Đoàn Chuẩn trong đồng điệu tình yêu thời thanh xuân, nhưng tới khi xuất hiện câu ca: “Đập gương xưa tìm bóng” thì đâu đó dường như đã thoát ra khỏi tà áo xanh và dẫn ta vào một lối khác, một cõi mơ khác, ở đó là câu chuyện tình của trai anh hùng với gái thuyền quyên trong những câu chuyện dã sử.
Thu Hà Nội vẫn thế, vẫn luôn có những xúc cảm say đắm lòng người, đủ mãnh lực đánh thức trái tim yêu của những người nhạc sĩ. Đoàn Chuẩn đã kịp khắc trong lòng người yêu Hà Nội một tà áo dài màu xanh in trên nền trời trong xa và những chuyển động nhè nhẹ, nhịp nhàng của đất trời Hà Nội vào thu.