Đám cưới ở làng tôi

Arttime| 29/06/2022 22:50

Đám cưới ở quê bây giờ xem ra không khác xa Hà Nội là mấy. Đồ lễ, cỗ bàn na ná như trên tỉnh. Chú rể cũng complet. Cô dâu mặc váy cưới, có thợ make up đàng hoàng, ôm bó nhỏ hoa màu sắc. Phông bạt, loa đài, âm thanh, ánh sáng đủ đầy, ảnh cô dâu chú rể phóng to đặt ở trung tâm phòng cưới. Song, đám cưới quê thì cỗ bàn tự nấu tại nhà, toàn ăn vào cữ 9, 10 giờ sáng, chứ không đặt ở nhà hàng, khách sạn và ăn vào trưa, chiều tối như trên tỉnh, thủ đô.

Năm 2020, tôi về làng Duy Dương, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, dự liền mấy đám cưới các cháu. Làng tôi thường gọi là làng Họ. "Họ" nghĩa là dừng lại, tương truyền rằng ngày xưa đội quân của đức Thánh Trần Hưng Đạo có lần đã dừng chân tại đây để nghỉ ngơi.

Bây giờ ít nhà mổ lợn, lại sẵn máy móc nên không thấy tiếng giã giò rộn ràng, chí chát. Theo cô em dâu tôi, người ta thường ra chợ mua thịt, mua giò vì lợn bây giờ to lắm, tới vài tạ mà sức ăn của bà con lại không như xưa. Cỗ cưới ăn vào 3 ngày: ngày ăn hỏi, bữa dựng rạp và hôm rước dâu. Các món tuy không cầu kỳ bằng, nhưng sêm sêm như phố thị.

Đám cưới ở làng tôi - 1

Cả việc đi lại cũng vậy. Đường lát gạch nghiêng giờ đã được bê tông hóa, rộng rãi khang trang, nên trừ những đôi ở làng lấy nhau, còn hầu như các cô dâu đều được lên xe hoa. Ngoài ra, còn có một xe chở các cụ lớn tuổi và các thím, các mợ, các bà áo dài tha thướt. Đám thanh niên váy áo xênh xang thì đèo nhau bằng xe máy.

Chủ hôn là một thanh niên quần áo bắt mắt, ăn nói lợi khẩu. Đội văn nghệ trong làng biểu diễn khá chuyên nghiệp. Các tiết mục phong phú: đơn ca, song ca, tốp ca. Có người thì hát nhạc beat có người thì hát theo hình thức karaoke...

Đúng là khác xa đám cưới của thế hệ 5X chúng tôi những năm 79 - 80 thế kỷ trước. Nếu trong chiến tranh, giữa cái sống và cái chết, được về quê làm đám cưới đã là mơ ước nên người ta dường như hồn nhiên quên đi sự thiếu thốn về vật chất, hồn nhiên đón nhận niềm hạnh phúc giản dị, thiêng liêng mà biết bao ấm áp: "Chú rể là bộ đội/ Về phép rồi đi xa/ Cô dâu bằng lòng cưới/ Má ửng lên thẹn thò…/ Các cụ ông say thuốc/ Các cụ bà say trầu/ Còn con trai con gái/ Chỉ nhìn mà say nhau (Đám cưới giữa ngày mùa, Phan Thị Thanh Nhàn).

Đám cưới ở làng tôi - 2

Đám cưới năm 1977

Đám cưới ở làng tôi - 3Đám cưới thời hiện đại

Nhưng năm sau chiến tranh, đất nước bị cấm vận, con người mới cảm nhận hết sự đáng sợ của thiếu thốn khó khăn: “Năm 80 gạo 80/ Người xứ Nghệ mắt vàng như nghệ”.

Cái làng quê thuộc vùng đồng chiêm trũng thóc gạo thì ít rau rong thì nhiều của tôi càng nghèo vì thế, cái khó ló cái khôn. Để kéo giỗ làm chạp, việc cưới xin phải tập trung chủ yếu vào đoạn sau mùa gặt và nhất là dịp Tết. Ngày mùng 1 và mùng 3 kiêng, do đó đám cưới thường tổ chức vào mùng 2 và mùng 4 Tết, nên có hiện tượng đám cưới cứ chồng chéo lên nhau.

Vì nghèo nên đám cưới hết sức giản tiện. Hai họ đến chạm ngõ chỉ có cơi trầu đặt trong một tráp quả màu đỏ cũ kỹ. Ăn hỏi có buồng cau vườn nhà hoặc của anh em họ mạc tặng, hai chai rượu, một cân chè, một tút thuốc. Nhà ai khá giả có thêm vài chục bánh nướng khô khổng, loại của mậu dịch bán phân phối. Dẫn cưới thì có thêm con gà trống và mấy bơ gạo nếp cho nhà gái làm lễ gia tiên. Không có tiết mục trao nhẫn cưới, trao của hồi môn và chụp ảnh. Nếu ai thích thì sau đó lên phố Phủ (phố trung tâm huyện Bình Lục) làm một pô trắng đen. Cô dâu chú rể không có trang phục cưới, họ chỉ mặc bộ quần áo tươm tất nhất của mình.

Đám cưới tôi tiến hành vào ngày 2 Tết năm Kỷ Mùi (1979). Lúc này chiến tranh biên giới đang rậm rịch nổ ra. Hôm ấy, làng Họ có 3 đám: một đôi người làng, một đôi lấy vợ ở huyện khác, vợ chồng tôi người cùng xã. Theo tục lệ, nếu trong làng có nhiều đám cưới thì đôi nào đón dâu về sớm hơn sẽ được nhiều phúc lộc hơn nên mẹ chồng tôi cứ giục đón dâu sớm để lấy may.

Biết rằng dù thế nào cũng cô dâu cũng không thể về trước đôi người làng, cha tôi bảo: thôi gấp sách và quyết định chọn đón dâu vào giờ Tị (9-11 giờ). Cô dâu lúc ấy mặt mộc, không trang điểm, mặc áo sơ mi trắng, quần sa - tanh đen, đi dép lê, ôm bó lay - ơn trắng. Khi sắp đến giờ đón dâu, vẫn thấy tôi diện bộ cánh này, anh Toàn ở cơ quan về dự đám cưới cứ giục tôi đi thay đồ vì anh nghĩ, cô dâu phải mặc áo dài. Là người thành phố, anh đâu biết với những cô gái quê áo dài chỉ có trong mơ.

Thực ra, 6 năm trước (1973), khi học lớp 10 trường cấp 3 Bình Lục, trong kỳ hội diễn tháng Năm có tên gọi Bài ca dâng Bác, tôi đã được mặc áo dài rồi. Đấy là áo cưới của vợ thầy Long dạy Văn, người Hà Nội. Do yêu văn nghệ và thích giọng hát của tôi nên thầy đã mang chiếc áo về cho tôi mặc. Trời phú cho tôi có giọng hát khá hay. Có lần đi bắt cua về, trên đoạn đường quốc lộ 21 (nối Phủ Lý - Nam Định), vừa đi vừa nghêu ngao bài Tự hào là em các anh của nhạc sỹ Phạm Tuyên, chú Trưởng Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hà Nam Ninh đã xuống xe, hỏi tôi có muốn đi văn công thì chú sẽ nói với bố mẹ tôi. Nhưng tôi rất ngượng, đã lí nhí nói không và lỡ mất vận may.

Hội diễn năm ấy, tôi đạt giải nhất đơn ca bài Miền Nam nhớ mãi ơn Người của Lưu Cầu. Sau này khi lên đại học Sư phạm (học Khoa Ngữ văn K23, khóa 1973 - 1977, cùng lớp với vợ chồng nhà thơ Trần Hòa Bình - Quỳnh Liên, họ kết hôn sau khi ra trường ít năm và tôi cùng Trần Hòa Bình về dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, gắn bó suốt đời), tôi mới có dịp được mặc áo dài thêm nhiều lần nữa. Lúc đó, nhà trường may cho đội văn nghệ 20 áo dài: 10 chiếc hoa xanh, 10 chiếc hoa đỏ. Người gày như tôi phải khâu bớt vào cho đỡ lùng thùng.

Đám cưới làng tôi ngày ấy, cô dâu khi về nhà chồng không thể thiếu chiếc nón. Theo dân gian: Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng, nên để tránh mâu thuẫn, mẹ chồng không đi đón dâu nhưng khi cô dâu về tới cổng, mẹ chồng sẽ ra đỡ chiếc nón và cất đi. Đón dâu thường chỉ có bố chồng và ông bác trưởng đoàn cầm hương đi đầu, rồi đến các cụ cao tuổi và anh chị em bè bạn.

Lúc đó, ngôi nhà 5 gian tường đất lợp rạ, có cánh cửa bức bàn của bố mẹ tôi đã bị Mỹ bom cháy. Gia đình chỉ có căn nhà 3 gian nhỏ xíu. Rạp được bắc ở ngoài sân, mái che là một cái dù màu trắng - chiến lợi phẩm do ông anh đi bộ đội mang về. Nhà tôi cách nhà chồng 3km, không đủ xe đạp để chở nhau nên đoàn đón dâu đi bộ. Cô dâu ôm bó lay - ơn trắng đi cạnh chú rể mặc bộ complet mượn của anh bạn. Trẻ con rồng rắn đi theo hát: Cô dâu chú rể / Đội rế lên đầu/ Đi qua đầu cầu/ Đánh rơi mất rế...

Khi về đến đầu ngõ nhà trai, pháo nổ, khói bay mù mịt, xác pháo bay đầy ngõ. Trẻ con hò nhau nhặt pháo xịt. Sau này bà nội đùa rằng, Thanh Vân -con gái nhỏ 3, 4 tuổi đầu lòng của tôi cũng có mặt trong đám trẻ nhặt pháo hôm đó. Nó cứ tưởng thật, làm mọi người bật cười thích thú.

Đám cưới tôi, không có MC. Chủ hôn thường là một người có tuổi trong họ, tướng mạo đẹp đẽ, có tài ăn nói, gia đình hòa thuận, sinh con có trai có gái. Hội hôn, bao giờ cũng bắt đầu bằng một câu kinh điển: Kính thưa quan viên hai họ, kính thưa các cụ các ông các bà, hôm nay ngày lành tháng tốt... Rồi đến các vị đại diện hai họ lên phát biểu trao dâu, nhận rể. Sau đó là một chương trình văn nghệ tạp kỹ cây nhà lá vườn mà mọi người háo hức mong đợi. Nào ngâm thơ, đọc thơ, lẩy Kiều, hát chèo, quan họ, nhạc đỏ đủ cả. Những bài được hát nhiều nhất là: Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu), Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du), Gửi em ở cuối sông Hồng (nhạc Thuận Yến, thơ Dương Soái)…

Làng tôi có ông Tư Giấy là cán bộ bưu điện của xã, rất hay đọc bài tấu hài, nhan đề là là Râu: Hôn vợ vợ ngỡ là bàn chải/ Hôn con con tưởng lấy rơm chùi. Mọi người cười chảy nước mắt. Chị Vân công nhân làm đường hay hát bài Địu con đi nhà trẻ: “Con thương ơi con mến ơi! Mẹ địu con đi nhà gửi trẻ/ Nhà trẻ đó trên cao này…”

Trong khi ấy, hai họ uống nước chè tươi, ăn trầu, hút thuốc và cùng nhau trò chuyện. Nhà nào sang thì uống chè mạn, hút thuốc lá bao loại Tam Đảo, hay Trường Sơn, thêm chút bánh kẹo, loại quy gai quy xốp do cô dâu chú rể tự mang bột mì, trứng, đường sữa đến các cơ sở gia công đặt làm. Nhà ai nghèo thì chỉ thuốc cuộn, ăn trầu, uống nước chè tươi.

Đám cưới ở làng tôi - 4

Vợ chồng TS. Đặng Văn Thuận - Trần Thị Trâm 42 năm sau ngày cưới chụp tại Vinpearl Hạ Long (Ảnh: NVCC)

Ngày ấy, đám cưới hầu như không mừng phong bì mà chủ yếu là vật phẩm. Người đi công tác hay tặng nhau nồi nhôm, xoong nấu bột, chậu men, đôi dép nhựa, bộ đồ trẻ sơ sinh… Tất cả được gói giấy hồng điều hoặc giấy báo, đặt ngay ngắn trên bàn. Người quê mừng đám cưới là mấy bơ gạo, buồng cau, can rượu trắng… Phòng cô dâu chú rể giản dị, màn gió treo ở cửa buồng. Uyên ương không có tuần trăng mật, nhưng đêm tân hôn đầy thiêng liêng.

Trước khi cưới, mọi cặp đôi đều phải đăng ký kết hôn ở Ủy ban Nhân dân xã. Nhắc chuyện cưới hơn 40 năm trước vừa buồn cười pha chút tủi thân. Nhưng cả xã hội khổ, đâu riêng mình. Tôi về nhà chồng không có giường cưới. Vợ chồng trẻ lên Hà Nội lúc đầu nằm hai giường đơn ghép lại. Sau một tuần ổn định, mới đem đăng ký kết hôn ra mậu dịch mua giường.

Kèm theo giấy kết hôn, đôi vợ chồng trẻ được mua một giường đôi gỗ xoan với thang và giát gỗ tạp, một màn, một đôi chiếu, một tút thuốc và một kg kẹo. Thường là loại kẹo cứng, không giấy gói, gọi nôm na là kẹo "cởi truồng".

Khác lớp trẻ thời nay, con người thời đó thường rất nghiêm túc, không sống thử. Yêu là yêu chay, hãn hữu lắm mới có người ăn cơm trước kẻng nên đứa con đầu lòng của các cặp vợ chồng những năm 80 phần lớn được sinh vào những tháng cuối năm.

Đám cưới ở làng tôi - 5

Đám cưới ngày nay

Hơn 40 năm trôi qua, hầu hết các cặp đôi cưới cùng đợt với tôi mùa Xuân ấy vẫn sống yên ổn bên nhau, gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt. Nhớ có lần trả lời phỏng vấn của đài truyền hình về sự khác biệt giữa thế hệ chúng tôi và lớp trẻ hôm nay, tôi nói rằng: con người đạo đức và con người cộng đồng, thế hệ chúng tôi giàu đức hy sinh hơn, giàu khả năng chịu đựng hơn và cũng lãng mạn hơn. Còn các em thuộc mô hình con người cá nhân và con người kinh tế, lại sống trong thời đại toàn cầu nên thông minh, tự tin, thành đạt sớm hơn, giỏi giang, xinh đẹp hơn nhưng tiếc rằng các cặp đôi lại ly hôn nhiều hơn.

Phải chăng, muốn ăn đời ở kiếp thì phải biết nhẫn nhịn, biết giảm bớt cái tôi của mỗi người.

Vì không có ảnh cưới, nên tôi gửi ảnh của bạn gái tôi mới tặng khi tôi viết bài này, bạn đồng hương học cùng trường Sư phạm, cưới trước tôi ít hôm. Hơn 40 năm ảnh đã mờ nhòe.

(0) Bình luận
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Đám cưới ở làng tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO