Đại biểu khao khát Quốc hội lưu tâm: Không nên đặt gánh nặng tăng trưởng lên đôi vai người lao động

Kinhtedothi| 24/10/2019 07:57

Nói về vấn đề mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa trong buổi thảo luận tại hội trường ngày 23/10, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị giữ khung giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành và có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Bà Ma Thị Thúy khẳng định: "Không có người lao động nào muốn làm thêm giờ nếu tiền lương từ giờ lao động bình thường đảm bảo được nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Người nào tự nguyện làm thêm là do thu nhập thực tế của họ quá thấp, không đảm bảo được nhu cầu cơ bản của cuộc sống, thậm chí có nhiều trường hợp không đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình."

Việc quy định nâng khung giờ làm thêm để bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất cho người sử dụng lao động, nhằm tạo sự linh hoạt tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực, tăng thêm thu nhập cho người lao động là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy cũng nhận định, việc xem xét tăng giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như thất nghiệp, sức khỏe của người lao động, an toàn lao động, các vấn đề xã hội và xu hướng của thế giới là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi.

Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, nhằm đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động. Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng tăng giờ làm thêm mà trả lương thấp, buộc người lao động không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải tự nguyện làm thêm giờ mới có thu nhập.

Chính vì thế, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị "Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cụ thể về việc người sử dụng lao động không được cắt giảm các khoản hỗ trợ khác đối với người lao động, khi người lao động không nhất trí làm thêm giờ."

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho biết, ông cảm thấy khó lý giải khi Quốc hội dự kiến thông qua dự luật này trên tinh thần đưa xã hội đến sự tiến bộ trong khi năm nay lại đẩy giờ làm thêm cao hơn Luật năm 2012. 

Đại biểu Bùi Văn Phương không đồng tình với ý kiến cho rằng, nếu không cho tăng giờ làm thêm thì sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Theo đại biểu đoàn Ninh Bình, cơ chế thị trường đào thải những yếu tố kém hiệu quả. Doanh nghiệp đầu tư mà chỉ tranh thủ công nhân giá rẻ, không đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, chủ doanh nghiệp và người lao động thì cơ chế thị trường sẽ đào thải mà chọn doanh nghiệp khác làm hiệu quả hơn, sử dụng khoa học công nghệ, không tăng trưởng bằng việc sử dụng kiệt sức người lao động.

Đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh: “Lao động cơ bản đang giữ nguyên 48 giờ, nhưng giờ đẩy thêm 100 giờ làm thêm tối đa thì không phù hợp với tinh thần. Đừng tiếp cận theo cách người lao động muốn làm thêm, chủ cũng muốn thế, họ tự nguyện và nói đó là nhân văn thì không phải."

"Cần phải tiếp cận theo cách vì sao người lao động muốn làm thêm. Vì họ quá khổ, điều kiện thiết yếu nhất của cuộc sống không đảm bảo được mà phải bán kiệt sức lao động của mình để lo cho con cái học hành. Nhiều vợ chồng đi làm, sinh con rồi gửi về quê và nhiều năm không về thăm con được.

Chúng ta phải tiếp cận hướng đến sự tiến bộ của xã hội. Tăng trưởng kinh tế đi cùng tiến bộ xã hội, phải thay đổi khoa học công nghệ, quản trị. Không thể chiều theo doanh nghiệp. Đất nước phát triển bền vững thì không thể duy trì mãi việc thu hút doanh nghiệp chỉ tận dụng nhân công giá rẻ” – đại biểu Văn Phương nhấn mạnh.

Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) đã có ý kiến về vấn đề tăng giờ làm thêm. Theo nữ đại biểu, dù nhu cầu hai phía là có thật và quy định pháp luật là "tự nguyện, tự thỏa thuận", nhưng nếu người lao động không chấp hành yêu cầu của doanh nghiệp làm thêm sẽ bị gây khó dễ, cắt thi đua, phụ cấp, thậm chí bị sa thải.

Bà Phùng Thị Thường cho rằng: "Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của xã hội. Do đó đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần; không tăng giờ làm thêm tối đa."

Với kinh nghiệm 10 năm làm việc ở doanh nghiệp có gần 5.000 lao động, đại biểu Phùng Thị Thường kể, bà đã chứng kiến đời sống của công nhân lao động vất vả, khó nhọc với những bữa ăn sáng tồi tàn, phải làm việc mỗi ngày từ 10 - 12 giờ trong nhà máy, không biết gì đến đời sống bên ngoài. Khi họ trở về nhà cũng là lúc con cái đã ngủ. Vì vậy, bà Phùng Thị Thường kiến nghị: “Chúng ta không nên đặt gánh nặng tăng trưởng lên đôi vai người lao động. Họ đã là những người yếu thế trong xã hội, do đó tôi khao khát Quốc hội lưu tâm."

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Vài cảm nhận về Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc 2024
    Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2024 nhận được nhiều sự quan tâm của các nghệ sĩ và người yêu nhiếp ảnh của 15 tỉnh gửi dự thi. Với số lượng ảnh khá lớn, trên 2.200 ảnh gồm cả ảnh đơn và bộ đã phần nào khái quát được mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội tại các địa phương miền núi phía Bắc.
  • Độc đáo cây Thị hơn 600 tuổi giữa làng cổ Phước Tích, thân rỗng được ví như “hang động”
    Cây thị hơn 600 tuổi ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) độc đáo với hệ thống “thạch nhũ” đẹp từ dưới gốc lên ngọn và rỗng thân giống như “hang động”. Trong chiến tranh không ít chiến sĩ cách mạng đã chui vào trong cây ẩn nấp, trốn thoát sự truy lùng của địch.
  • 17 ấn phẩm nhắc nhớ về một thời hoa lửa Điện Biên
    Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 ấn phẩm thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí, nhật kí, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
  • Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng
    Vừa qua, Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI),đại diện các Bộ ban ngành tổ chức buổi trao đổi về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.
  • Rạng Đông kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm nhà máy
    Ngày 27/4, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã long trọng tổ chức Lễ Báo công, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Công ty (28/4/1964 - 28/4/2024) và 20 năm thành lập Công ty Cổ phần (15/7/2004 - 15/7/2024) với chủ đề “Khát vọng Rạng Đông - 60 năm hành trình theo chân Bác”.
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu khao khát Quốc hội lưu tâm: Không nên đặt gánh nặng tăng trưởng lên đôi vai người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO