Cũng rồi từ đấy dã quỳ đã được người xứ ngàn hoa đón về dùng làm đồ “trang sức” cho những khu biệt thự trên những con dốc quanh co giữa những đồi thông cao vút hay xung quanh vườn nhà.
Và cũng chẳng biết từ bao giờ, người Tây Nguyên lại thổi vào loài hoa dại ấy một câu chuyện tình bi thương của nàng H’Linh và chàng K’Lang để giải thích cho sự có mặt của nó trên thế gian này. Sở dĩ phải kể lại hành trình di trú của loài thảo hoa ấy để phần nào cho ta thấy được sự hội nhập và sức sống mãnh liệt của hoa dã quỳ ở vùng đất mới trên cả hai phương diện tự nhiên và xã hội.
Bên hoa Dã quỳ
Chẳng biết ở nơi dã quỳ sinh ra người ta sống với nó ra sao nhưng những gì nó đang cuốn hút, quyến rũ làm ma mị bao nam thanh nữ tú người Việt trên cao nguyên Đà Lạt, cao nguyên Mộc Châu hay ở Ba Vì và nhiều nơi khác nữa thì xem ra là một kết thúc có hậu so với buổi đầu nhập gia, một kết thúc đẹp như chuyện cổ tích vậy.
Từ cao nguyên Langbiang chẳng biết cơ duyên nào đã đưa dã quỳ về với núi Tổ (non Tản) ở Ba Vì để làm duyên làm dáng cho đất trời thủ đô trong mỗi độ giao mùa khi thu qua đông về. Từ cốt 400 lên cốt 700, giữa đại ngàn xanh biếc của vườn quốc gia Ba Vì, rừng hoa dã quỳ hiển lộ từng thảm vàng rực rỡ phủ kín các sườn non.
Trên con đường ngoằn nghoèo với những khúc cua tay áo lên đền Thượng muôn vàn bông dã quỳ gối đầu lên nhau rực rỡ như thể làm cho cái nắng cuối thu thêm phần no nê thanh sắc. Sắc màu và dáng hình của dã quỳ trên non Tản dường như biến ảo theo từng cao độ. Ở dưới thấp, trong nắng vàng hanh hao cuối thu bông dã quỳ có vẻ rực rỡ vàng tươi hơn nhưng càng lên trên cao, hòa vào sương mù và những làn mây trắng huyền ảo cố hữu của non Đoài, sắc vàng của dã quỳ tuy không phai màu nhưng có vẻ e ấp, ẩn hiện giữa màu xanh của cành lá.
Dã quỳ non Tản có nét duyên thầm riêng đủ để hút hồn và gây nghiện cho những người ngắm xem. So với dã quỳ Mộc Châu, hương nồng của dã quỳ non Tản có vẻ thanh hơn và mát dịu, còn ai tinh tế thì có thể nhận ra một mùi thơm ngai ngái dịu nhẹ phảng phất.
So với dã quỳ Đà Lạt, rừng hoa Ba Vì không mênh mông bằng nhưng bông hoa và cánh hoa có vẻ to hơn và đậm sắc. Màu hoa như màu nắng, tươi tắn rực rỡ tựa như hoa mướp khi cuối hạ đầu thu. Cái màu vàng mê mải của những thảm hoa hai bên đường trên những khúc cua đã làm cho những người bạn Hàn Quốc hay Nhật Bản ngang qua mà cứ ngỡ như đang đi trên con đường ngân hạnh giữa mùa thu trên đảo Nami (Hàn Quốc) hay trong công viên Showa Kinen (Nhật Bản). Ngắm nhìn rừng hoa dã quỳ giữa bồng bềnh mây trắng trong gió thoảng se lạnh của mùa heo may ta thấy triền núi Ba Vì giống như một biển vàng lao xao sóng gợn mà không khỏi xốn xang, nao lòng thích thú.
Cái màu vàng mê mải của những triền dã quỳ trên núi Tản ấy cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những tay mê ảnh và cũng là nơi lưu giữ những khoảnh khắc xuân thì cho không ít thiếu nữ. Rừng hoa ấy có thể làm ngẩn ngơ người xem bất kì lúc nào dưới ánh mặt trời nhưng hút hồn nhất phải là những buổi sớm mai.
Khi ấy, những giọt sương long lanh trên muôn ngàn hoa lá cùng ánh dương vừa lên như thể đang tiếp sức cho rừng hoa dã quỳ khoe sắc. Những bông dã quỳ căng tràn sức sống như thể xua tan những cơn gió lạnh; khoác cho chốn rừng già thâm u một chiếc áo mới rực rỡ sắc vàng làm bừng sáng cả không gian.
Dã quỳ núi Tản là thế đấy. Cánh hoa mong manh nhưng vị hoa sâu đậm, sắc hoa tươi tắn. Chẳng đài các, vương giả như hoa lan, hoa mai; không kiêu sa, lộng như hoa hồng, hoa sen nhưng dã quỳ lại tiềm tàng một sức sống hoang dại của đại ngàn sơn cước với sắc vàng miên man, mê mải như một chút duyên thầm của người sơn nữ đủ để bỏ bùa mê cho những ai lỡ nhìn, dù mới chỉ một lần.
Cùng nhau đi giữa rừng hoa Dã quỳ non Tản
Giống như kẻ phải lòng mặt, cứ mỗi độ tàn thu, nhất là những ngày cuối tuần, đã có không ít dòng người từ khắp mọi nơi ồ ạt đổ về non Tản để thỏa sức “bung lụa” cùng với hương sắc vàng tươi lộng lẫy của dã quỳ. Xem ra những nơi “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” của công viên giữa chốn thị thành lại chẳng có sức quyến rũ bằng cái giống thảo hoa “không tên không tuổi” giữa nơi “sơn lâm, bóng cả, cây già”.