Cục Di sản Văn hóa chỉ đạo khắc phục vụ cháy chùa Vẽ
Liên quan đến vụ cháy chùa Vẽ 300 năm tuổi, vào chiều 10/2, Cục Di sản văn hoá đã đề nghị Sở VHTT&DL Bắc Giang phối hợp để có ngay biện pháp bảo vệ, đánh giá thiệt hại và đề xuất phương án xử lý ngay lập tức.
![chay-chua_ve_bac_gia.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/11/chay-chua_ve_bac_gia.jpg)
Sáng 10/2, chùa Vẽ - ngôi chùa 300 tuổi thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) bất ngờ bốc cháy; gian tiền đường và hậu cung bị thiêu rụi. Vụ cháy không gây thiệt hại về người và chính quyền địa phương đang kiểm đếm về thiệt hại, đặc biệt là về số cổ vật đang để ở trong chùa.
Chiều 10/2, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL) tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra thực tế tại di tích, có ngay biện pháp bảo vệ di tích, đồng thời đánh giá mức độ thiệt hại.
Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang được yêu cầu đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ VHTTDL trước 10h ngày 11.2.
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 1h sáng ngày 10/2. Đến 1h15 phút, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bắc Giang nhận được tin báo và nhanh chóng điều động bốn xe chữa cháy cùng 30 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Công tác chữa cháy được triển khai ngay lập tức với sự phối hợp của Công an TP Bắc Giang. Tuy nhiên, do thời điểm xảy ra cháy vào ban đêm và được phát hiện muộn, ngọn lửa đã bùng phát mạnh, khiến việc khống chế gặp nhiều khó khăn.
Khoảng 1h35 phút, đám cháy cơ bản được dập tắt, nhưng gian tiền đường và hậu cung của chùa đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác điều tra, đồng thời rà soát, kiểm kê thiệt hại về hiện vật và cấu trúc kiến trúc của di tích./.
Chùa Vẽ được xây dựng từ thế kỷ XVII, mang kiến trúc "nội công, ngoại quốc" độc đáo với hệ thống thờ tự thuộc dòng Lâm tế Bắc tông. Ngôi chùa là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo, đặc biệt là các pho tượng Phật có lớp sơn son thếp vàng rực rỡ, dù trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên giá trị. Ngoài ra, trong chùa còn có quả chuông lớn đúc từ thời Lê Cảnh Hưng (thế kỷ XVIII), cao 1,5m, đường kính 66cm, được đánh giá là một trong những cổ vật quan trọng của di tích.