Với vai trò là đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong 6 tháng đầu năm 2019, Công đoàn Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong việc tuyên truyền vận động, giáo dục người lao động học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Phóng viên báo Người Hà Nộ
Thạc sĩ Đào Ngọc Thịnh, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ LĐTB & XH
Phóng viên: Thưa ông, được biết trong 6 tháng đầu năm 2019, Công đoàn Bộ LĐTB&XH đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Xin ông vui lòng cho biết một số thành tích nổi bật trong thời gian qua của Công đoàn Bộ?
Ông Đào Ngọc Thịnh: Dưới sự chỉ đạo của Công đoàn viên chức Việt Nam và Đảng bộ Bộ LĐTB&XH, Công đoàn Bộ LĐTB&XH đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch 6 tháng đầu năm 2019, với chủ đề “Nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở”, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và 25 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam:
Thứ nhất, Công đoàn Bộ và các công đoàn trực thuộc đã làm tốt việc chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên: trong Hội nghị cán bộ công chức viên chức, mọi đoàn viên đều được thảo luận, góp ý vào Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế thi đua khen thưởng và Quy chế chi tiêu nội bộ. Đây là những quy chế liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên. Đoàn viên được làm việc trong môi trường dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch, tôn trọng lẫn nhau, họ sẽ tích cực, hứng thú, say mê làm việc, khi đó sáng tạo mới nảy sinh, và hiệu quả công việc chắc chắn sẽ cao.
Thứ hai, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, công đoàn các cấp đã làm tốt việc thăm hỏi, động viên đoàn viên thuộc đối tượng chính sách và đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền động viên đoàn viên thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đảm bảo vui tết tiết kiệm và an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau…
Thứ ba, công đoàn các cấp thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đoàn viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng đơn vị đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tổ chức các phong trào thi đua: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả”... gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành, Trách nhiệm, Liêm chính, Sáng tạo”; xây dựng cơ quan, đơn vị theo phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả”.
Thứ tư, Công đoàn đã làm tốt chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên: công đoàn các cấp chủ động phối hợp với thủ trưởng đơn vị tổ chức cho đoàn viên và gia đình tham gia giao lưu, thể dục, thể thao, du xuân, tham quan trong các ngày nghỉ và ngày lễ. Công đoàn các cấp tích cực tham gia Giải Cờ tướng đầu xuân và Giải tennis chào mừng Ngày Thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Công đoàn Bộ tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Hòa nhịp yêu thương”, đồng thời phối hợp nhà tài trợ tặng quà cho khoảng 300 đoàn viên nữ. Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, 100% Công đoàn trực thuộc đã tổ chức tặng quà cho trẻ em dưới 16 tuổi là con của đoàn viên.
Thứ năm, nhân Tháng Công nhân, dưới sự chỉ đạo của Công đoàn viên chức Việt Nam, Công đoàn các cấp đã quan tâm động viên tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, riêng Công đoàn Bộ cùng Công đoàn viên chức Việt Nam tặng quà cho 10 đoàn viên, mỗi suất trị giá 1.500.000 đồng. Món quà của công đoàn các cấp tuy nhỏ bé, nhưng thông qua hoạt động này, đã động viên người lao động càng cố gắng hơn, phấn đấu hết mình vì công việc chung.
Phóng viên: Thưa ông, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân chủ trong công tác hoạt động, ông có nhắc đến tính dân chủ trong hoạt động Công đoàn, vậy ông có thể phân tích cụ thể hơn về vấn đề này?
Ông Đào Ngọc Thịnh: Bác Hồ đã dạy: dân chủ tức là dân là chủ, và dân làm chủ, nghĩa là dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra về mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt về những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. So với nhiệm vụ chức năng của các tổ chức chính trị xã hội, thì tổ chức Công đoàn được ghi rõ trong điều 10, Hiến pháp 2013 “…Công đoàn Việt Nam… đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…”. Như vậy, chức năng của công đoàn phù hợp với khái niệm về dân chủ. Điều đó khẳng định rằng nói về thực hiện dân chủ tại cơ sở là nói đến chức năng và nhiệm vụ của Công đoàn.
Nói về dân chủ trong cơ quan thì có 10 nội dung về dân chủ trực tiếp và 5 nội dung về dân chủ gián tiếp. Dân chủ trực tiếp dưới 10 hình thức: Công đoàn phối hợp với thủ trưởng đơn vị tổ chức tốt Hội nghị CBCCVC (Hội nghị người lao động đối với doanh nghiệp); Góp ý trong các cuộc họp giao ban, tổng kết cơ quan…; Kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong họp định kỳ và cuối năm; Tham gia đối thoại chất vấn định kỳ; Trực tiếp tham gia góp ý vào các văn bản liên quan đến người lao động, được góp ý vào các quy chế của cơ quan đơn vị; Được cung cấp thông tin qua văn bản, bản tin nội bộ, mạng internet, ấn phẩm…; Những điều công khai được biết theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP và Nghị định 149/2018/NĐ-CP; Thông qua tiếp đoàn viên và người lao động; Trả lời qua đơn thư khiếu nại tố cáo, thông qua Hòm thư góp ý; Thông qua trưng cầu dân ý… Dân chủ đại diện (gián tiếp) thông qua 5 hình thức: Thông qua Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban đối thoại (đối với doanh nghiệp); Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn được tham gia các hội đồng cùng cấp (Hội đồng thi đua, khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, kỷ luật…); Cán bộ công đoàn được thu thập ý kiến của đoàn viên để trao đổi với người sử dụng lao động; Công tác kiểm tra giám sát hàng năm của Công đoàn; Thông qua người được bầu bằng lá phiếu của người lao động.
Phóng viên: Với cương vị là Chủ tịch Công đoàn của Bộ LĐTB&XH, ông đề xuất gì để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn hiện nay?
Ông Đào Ngọc Thịnh: Chúng ta đều biết, một tổ chức công đoàn chịu sự lãnh đạo của hai tổ chức, một là Tổ chức Đảng cùng cấp, hai là Công đoàn cấp trên. Ngoài các chỉ thị nghị quyết của Đảng, thì có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động của tổ chức công đoàn (ngoài Điều 10, Hiến pháp 2013 thì có khoảng 5 luật, 12 Nghị định, 10 Thông tư và nhiều văn bản của Tổng Liên đoàn và của Công đoàn Viên chức Việt Nam). Bên cạnh đó thường xuyên cập nhật văn bản mới về tổ chức công đoàn. Trách nhiệm của công đoàn cấp trên phải tập huấn nâng cao năng lực (kiến thức, kỹ năng và thái độ) cho cán bộ công đoàn cấp dưới. Vậy, để đồng bộ trong chỉ đạo hoạt động công đoàn thì rất cần tổ chức Đảng cùng cấp, cũng phải được cập nhật cho đồng bộ, nhưng nội dung tập huấn này được làm ở đâu, ai chịu trách nhiệm thì chưa rõ và chưa đầy đủ? Bên cạnh đó Thủ trưởng đơn vị là người phối hợp với công đoàn cũng phải được cập nhật, nhưng ai tập huấn, cập nhật cho Thủ trưởng? Khi đã cùng cập nhật, đã được bổ sung đầy đủ thì trong chỉ đạo điều hành và trong phối hợp mới hiệu quả. Giống như trong giáo dục gia đình hiện nay, bố mẹ phải được bổ sung kiến thức mới, mang tính thời đại mới đủ sức thuyết phục, giáo dục và định hướng cho con cái, ngược lại nếu áp đặt chủ quan, thì hoặc các con chẳng làm gì, hoặc làm một cách chống đối không hiệu quả…
Tôi đề xuất, trong tập huấn công tác Đảng hàng năm nên bổ sung một nội dung cụ thể về Công tác chỉ đạo của Đảng đối với các hoạt động của tổ chức chính trị xã hội, trong đó có tổ chức công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, tập huấn cho cán bộ cấp Trung ương, Công đoàn Viên chức Việt Nam phối hợp Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương tập huấn cho cán bộ Đảng ủy các Bộ ngành, Công đoàn Bộ ngành phối hợp với Đảng ủy Bộ ngành tập huấn cho cấp ủy cơ sở. Các địa phương cũng có các lớp tương tự. Phải tập huấn bởi vì, các văn bản mới, đa số cán bộ được học tập, triển khai, nhưng sau vài năm, có văn bản vẫn còn hiệu lực, có văn bản đã thay thế mà nếu không có người tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách bài bản thì khó mà nắm được.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!