“Cò khám nhanh” vẫn tung hoành ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư

theo laodong.com.vn | 19/06/2017 08:46

Nắm bắt tâm lý người bệnh không muốn mệt mỏi vì phải xếp hàng chờ lâu để được khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (T.Ư) ở 43 Tràng Thi, P.Hàng Bông, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), bên trong bệnh viện và ở phía ngoài cổng chính xuất hiện rất nhiều các đối tượng cò mồi nhằm chèo kéo bệnh nhân làm thủ tục nhanh gọn, gặp trực tiếp bác sĩ tư vấn, không cần xếp sổ như quy định…


“Cò khám nhanh” vẫn tung hoành ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư

Chân dung "cò khám nhanh" đã giúp PV tiếp cận bác sĩ Q một cách nhanh chóng.
Ảnh P.V


Nhan nhản “cò”

Những ngày đầu tháng 6.2017, có mặt tại khu vực cổng chính Bệnh viện Phụ sản T.Ư, theo ghi nhận của nhóm PV Báo Lao Động, mỗi khi có người vào bệnh viện (BV) để khám-chữa bệnh hoặc từ trong BV trở ra thì đều có khoảng 4-5 đối tượng lạ mặt sáp vào hỏi han nhu cầu. Theo lời những “cò” này, do có quan hệ thân thiết với các bác sĩ phía trong nên họ có thể giúp người bệnh được thăm khám nhanh hơn, tỉ mỉ hơn và đặc biệt không phải xếp hàng lấy số…

Qua tìm hiểu, phần lớn những đối tượng nói trên đều hành nghề xe ôm kiêm “dịch vụ tư vấn”. Địa bàn hoạt động thường là khu vực nhà A gần cổng chính BV hoặc khu vực phía trước nhà thuốc. Ban đầu, những cò mồi này dò hỏi người nhà và bệnh nhân có nhu cầu đi xe ôm, liền sau đó mời chào các dịch vụ khám, bảo hiểm…

Nhằm tìm hiểu rõ hơn thông tin phản ánh, nhóm PV đã vào vai người bệnh đi khám và tận thấy hoạt động nhộn nhịp của đội ngũ “cò” tại đây. Theo đó, khi vừa ngồi đợi tại khu vực nhà thuốc BV được khoảng 5 phút, lập tức một người đàn ông bước tới hỏi thăm nhu cầu khám bệnh. Qua một số thông tin ban đầu, chúng tôi cung cấp về bệnh tình của người nhà là ung thư cổ tử cung, người đàn ông này liền giới thiệu mình có quen biết với bác sĩ Trưởng khoa của BV. Nếu muốn khám nhanh, cần phải mổ, tư vấn như thế nào thì sẽ được giới thiệu trực tiếp tới gặp bác sĩ.

Khi được hỏi tại sao lại có thể quen các bác sĩ trong bệnh viện làm cầu nối tư vấn thì người này tiết lộ rằng bác sĩ trong BV Phụ sản Trung ương là em mình. Hơn thế nữa, để tăng sức thuyết phục, “cò” này cho biết nếu gặp bác sĩ thì sẽ được tư vấn, khám chữa đàng hoàng. PV tiếp tục “vẽ” thêm câu chuyện về vợ sắp sinh, người này cũng lập tức bẻ lái câu chuyện sang vấn đề sinh nở... Sau quá trình trò chuyện và trao đổi về toàn bộ nội dung cần tư vấn, giúp đỡ, chúng tôi được người này gợi ý trả công 100.000 đồng gọi là “cho cốc nước” và trao đổi số điện thoại để khi cần thì gọi.

Xe ôm tháng (?!)

Để tiếp tục công việc của mình và tạo độ tin tưởng cho chúng tôi, đến khoảng 10h trưa người đàn ông này hồ hởi gọi trực tiếp cho một bác sĩ tên Q trong bệnh viện và dẫn chúng tôi đến tầng 5 toà nhà C-B mới của BV này và được các nhân viên bảo vệ cho vào một cách nhanh chóng. Mặc dù, nếu muốn vào thăm bệnh nhân và sản phụ thì người nhà phải đăng ký và mặc áo vàng (áo cấp cho người thân bệnh nhân).

Theo như lời của người đàn ông đã nói như trên, chúng tôi được dẫn tới gặp trực tiếp bác sĩ Q. Bác sĩ xem toàn bộ thông tin về bệnh tình và có hướng tư vấn điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, vị bác sĩ cũng hứa hẹn với PV sau khi khám nghiệm bệnh tình của người thân có đầy đủ kết quả của BV thì mang giấy tờ tới gặp trực tiếp bác sĩ để được tư vấn những phương pháp điều trị phù hợp.

Đáng chú ý hơn, phía bên trong BV và ngoài phía cổng chính BV đều đã dựng biển cảnh báo người dân về những trường hợp cò mồi, lừa đảo nêu trên. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà chính các bác sĩ trong BV lại móc nối với những đối tượng cò mồi để tư vấn “ưu tiên” cho bệnh nhân một cách dễ dàng như vậy?

Liên quan đến vụ việc này, sáng 13.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư - thừa nhận tình trạng cò mồi dụ dỗ người bệnh đã có từ lâu mặc dù BV này đã chủ động tìm nhiều cách để ngăn chặn, phòng ngừa. “Hiện tường “cò” nhan nhản. Chúng tôi đã kiên quyết chống “cò”, không tiếp tay cho “cò”. Chúng tôi đã phát loa, dán ảnh những đối tượng cò mồi để cảnh báo người dân nhưng rồi do người dân không để ý hoặc có nhu cầu nên vẫn bị các đối tượng này lợi dụng. Kể cả khi công an vào cuộc, bắt các đối tượng lên đồn thì cũng chỉ được vài tiếng lại phải thả nó ra thôi chứ mình không thể làm gì được…”.

Cũng theo ông Quyết, khi nắm được thông tin phản ánh về mối quan hệ giữa bác sĩ Q và một “cò”, phía BV đã gọi vị bác sĩ Q lên lập bản tường trình. Theo nội dung tường trình, vị bác sĩ cho biết người đàn ông này thực chất là… xe ôm hằng tháng quen nên người ta nhờ vả chứ không hề có móc nối gì. “Ở mỗi cuộc họp giao ban thì chúng tôi cũng nhắc nhở các cán bộ công chức không được tiếp tay cho “cò”, tư vấn cho người dân. Còn vụ việc vừa mới xảy ra đây thì nếu cơ quan công an vào cuộc xem bản tường trình đúng hay sai thì chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của bệnh viện và của pháp luật” - ông Quyết nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
“Cò khám nhanh” vẫn tung hoành ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO