Cùng với các hoạt động giới thiệu văn hóa và con người vùng đất Gia Lai, các em thiếu nhi còn được xem những màn múa lân sôi động; được trải nghiệm làm đồ chơi dân gian đặc trưng trong dịp Tết Trung thu (ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, hoa quả bột…); được khám phá các trò chơi dân gian ở Tây Nguyên như: đứng tượng, trộm dưa leo, húc trâu, đá gỗ, cọp ốm… đồng thời còn được hiểu thêm về ý nghĩa mâm cỗ truyền thống và cách bày cỗ trong dịp Tết trông trăng qua các cuộc trò chuyện với nghệ nhân.
Đáng chú ý, dịp này Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn phối hợp với Học viện Khám phá tổ chức hoạt động Trải nghiệm khoa học qua đồ chơi dân gian: mượn gió đẩy diều và chuyển động bí ẩn của đèn kéo quân. Thông qua các thí nghiệm khoa học liên quan đến sức gió và đối lưu khí, các em sẽ hiểu tại sao diều bay cao và trục đèn kéo quân chuyển động được. Đây là cơ hội để các nghệ nhân trực tiếp giới thiệu tri thức dân gian gắn với kiến thức khoa học qua cách làm đồ chơi, từ đó kích thích trí tò mò khám phá khoa học của các bạn nhỏ.
Với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mong muốn qua chương trình sẽ góp phần tích cực trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cha ông trong bối cảnh hội nhập.