Y tế - Giáo dục

Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Bảo Trâm 28/01/2024 21:48

Ngày 28/1, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi.

ttt1.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ.

Chương trình Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi được triển khai từ ngày 19/11/2023. Sau 2 tháng triển khai liên tục, chương trình có sự tham gia của 25 bệnh viện trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố với 4 đợt khám bệnh tại cộng đồn

Sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thầy thuốc trẻ năm 2024, thực hiện chủ đề công tác năm thầy thuốc trẻ tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện, thiết thực triển khai Quyết định 89/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Lễ sơ kết có sự tham dự của GS.TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn; TS. BS Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo bộ ngành trung ương, các tỉnh, TP triển khai chương trình, ban lãnh đạo các bệnh viện tham gia chương trình.

Được sự đồng ý của Bộ Y tế và UBND các tỉnh/ TP, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai Kế hoạch số 422-KH/TWH ngày 17/10/2023 tổ chức chương trình “Vì là phối khỏe” khám, sàng lọc bệnh ung thư phổi và các bệnh lý về phổi tại TP Hồ Chí Minh năm 2023, và ban hành kế hoạch sửa đổi số 432-KH/TWH ngày 1/12/2023 về tổ chức chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi” khám, sàng lọc bệnh ung thư phổi và các bệnh lý về phổi tại TP Hà Nội, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện nay, các bệnh không truyền nhiễm (tim mạch, tiểu đường, ung thư…) đang có xu hướng gia tăng. Tính riêng ung thư, tại Việt Nam có trên 183.000 ca mới mắc, trên 122.000 ca tử vong do ung thư. Trong đó, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trong nam giới trên toàn cầu. Nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là tỉ lệ hút thuốc lá gia tăng. Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo hiện nay xu hướng người trẻ hút thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang gia tăng. “Đây là điều chúng ta hết sức cảnh giác trong thời gian tới, vì theo tuyên truyền thì thuốc lá này không gây hại sức khỏe, nhưng bằng chứng khoa học lại cho thấy rằng nó không những gây hại mà còn nguy hiểm” - ông Thuấn nói.

ttt3.jpg
Lễ ký kết giữa Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam chương trình hợp tác kéo dài 5 năm.

Tại chương trình cũng diễn ra lễ ký kết giữa Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam chương trình hợp tác kéo dài 5 năm, từ 2024 - 2029, theo đó Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phát triển hợp tác song phương về y tế trong những lĩnh vực: đổi mới sáng tạo trong y tế và chuyển đổi số; Nghiên cứu khoa học về y tế; Nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế; Phòng và kiểm soát bệnh tật; Phát triển hệ thống y tế bền vững, trong đó có thể bao gồm những nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế

Trong đó, năm 2024, sẽ triển khai 2 chương trình: chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” - nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, và quản lý bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi thông qua việc triển khai các công cụ kỹ thuật số (quản lý tổn thương dạng nốt ở phổi phát hiện tình cờ bằng X-quang hoặc CT lồng ngực có hỗ trợ của AI; đo chức năng hô hấp kỹ thuật số) và thí điểm các giải pháp chuyển đổi số trong theo dõi bệnh nhằm hỗ trợ dự đoán nguy cơ, phòng ngừa và quản lý các bệnh lý này (như telemonitoring).

ttt2.jpg
Ban Tổ chức tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn I của chương trình Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi.

Thứ hai là chương trình Chăm sóc sức khỏe Tim mạch - Thận - Chuyển hóa “CAREME” nhằm mục tiêu củng cố và làm bền vững hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe Tim mạch – Thận – Chuyển hóa thông qua những giải pháp phát hiện bệnh sớm và cải thiện chuẩn chất lượng trong quản lý bệnh, giúp cải thiện kết quả lâm sàng và giảm gánh nặng y tế tại Việt Nam.

Dịp này, Ban bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tặng bằng khen cho 4 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn I của chương trình.

ttt4.jpg
Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Hà Anh Đức phát biểu tại buổi lễ.

Theo TS. BS. Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, trong 3 năm đối phó với đại dịch Covid-19, các bác sĩ cũng đã làm quen và cũng hiểu rõ hơn vai trò dùng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh và việc chuyển đổi số, thay đổi phương thức cũ sang mới. Với các chương trình như “Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” và chương trình “Chăm sóc sức khỏe Tim mạch - Thận - Chuyển hóa “CAREME”, nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, và quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua việc triển khai các công cụ kỹ thuật số. Hướng tới một nền y tế bền vững, cùng nhau, chúng ta có thể và sẽ làm nên sự khác biệt. Hãy hành động ngay hôm nay vì một nền y tế đổi mới và sáng tạo, vì một Việt Nam khỏe mạnh./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO