Khi đất nước bước vào cuộc chiến, cánh thanh niên chúng tôi ai ai cũng háo hức được khoác súng lên đường đánh Pháp. Đợt ấy địa phương có cuộc vận động mọi người trẻ, khỏe tham gia phục vụ chiến dịch. Số ít chúng tôi được gọi vào TNXP thấy đã vui - dù ước ao lớn nhất vẫn là được trực tiếp cầm súng đánh giặc, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ thì oai biết chừng nào...
Đoàn xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ
Đến nơi tập trung, ban chỉ huy giao cho chúng tôi mỗi người một chiếc xe đạp. Ai cũng tự hỏi, tại sao tự nhiên lại được cấp trên giao xe đạp? Cũng vì những chiếc xe đạp giao cho chúng tôi thời ấy, là cả một gia tài lớn của một gia đình. Bởi ngày ấy ở tại những xóm làng có người tham gia dân công hỏa tuyến, hay nhập đoàn TNXP còn nghèo khó lắm, ít khi nhìn thấy được chiếc xe đạp. Vả lại thời năm 1953 - 1954 đời sống dân ta chưa dư giả, tài sản phương tiện chả có gì, xe đạp dùng rất hạn chế.
Sơ sơ chưa rõ nhiệm vụ cụ thể, nhưng ai cũng được ban chỉ huy giao cho một tài sản rất lớn, vui lắm! Thôi thì quên cả ăn uống, anh nào, anh ấy miệt mài tập xe. Bước đầu làm quen với chiếc xe hai bánh, nó không theo ý mình, mỗi người chúng tôi mải mê nào đạp, nào lái thẳng, rồi lại vòng tròn... Cái lưng uốn éo theo xe, khi xe cong cong lượn vòng, mồm chụm lại chữ O. Mắt nhìn chăm chăm vào đường, lúc nhìn vào bánh xe bon... cứ nhìn vào bánh xe bon là loạng choạng ngay, tiếng cười, tiếng la rộ lên... Một hai buổi tập là ai cũng biết đi xe.
Vì lý do bí mật thời chiến, bí mật phục vụ chiến dịch, chúng tôi được mấy anh chỉ huy đầu đội mũ nan, bọc vải căng lưới ngụy trang, đính những mảnh vải bằng dù, phổ biến ngắn gọn: các anh được biên chế thành các đơn vị xe thồ, phục vụ chiến dịch. Cứ hai người một xe, yêu cầu mọi người phải gia cố xe cho vững chắc, nào là cọc thồ, tay ngai để lái (đoạn tre nối dài ghi đông). Để nâng cao sức chở được nhiều hàng, đảm bảo an toàn, vững chắc, mỗi xe phải làm thanh gỗ chắc, chống khung xe đặt vào giữa khung ngang, làm quang thồ thật chắc chắn và dài, rộng vừa phải để tránh va quyệt. Quan trọng nhất mỗi xe phải có chân chống thồ (hình dáng là ba chân gắn trái chiều nhau, dưới một thanh gỗ ngang hay tre thật chắc, dùng để khi dừng nghỉ, đỡ cho xe khỏi đổ). Rồi đến các việc tập vá săm, chữa xe, bơm xe, tra dầu. Việc này phải dùng cờ lê, mỏ lết, nhựa vá... thời ấy nó phức tạp lắm, nó không quen như đường cày, xá bừa đâu. Còn bao nhiêu điều quy định đi đường, đảm bảo bí mật, phòng tránh máy bay, lúc lên dốc, lúc xuống dốc, ngày nghỉ, đêm đi, rồi khi mệt mỏi thay lái xe, đẩy xe... Bao nhiêu điều rắc rối xảy ra, ngay cả chủ xe bị cảm sốt, ốm đau dọc đường xử lý thế nào đều được mấy anh cán bộ phổ biến hết. Ai cũng tự thấy mình lớn lên, có trách nhiệm hẳn hoi. Cuộc sống đã thay đổi từ hôm đến đây là hòa vào cuộc sống tập thể, không còn sống cảnh người nông dân sống cá thể riêng lẻ ở vùng quê. Ai cũng được tham gia vào việc phục vụ chiến dịch, có trách nhiệm tập thể, được tham gia đánh giặc cứu nước, lại nhờ ơn kháng chiến vừa qua, đã chia cho mấy sào ruộng ở quê, thông qua cuộc phát động giảm tô, như thôi thúc, làm chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Ngày ngày, từng cặp đôi TNXP chăm chút cho những chiếc xe của mình, ai cũng tự giác gia cố cho chiếc xe đạp thồ khỏe thêm, chắc chắn để chuyên chở được nhiều hàng, nhiều đạn dược, nhiều lương thực cho quân ta mà mặt trận, chiến dịch đang yêu cầu. Việc đầu tiên là tập thồ có hàng nặng, tay lái nào cũng cố gắng tập luyện, xe nào cũng tìm cách chằng buộc hàng thồ, chắc chắn, chở được nhiều hàng. Xe này thi đua thồ được nhiều hàng hơn xe kia. Tập luyện một hai ngày tay lái cứng cáp hẳn, xe xếp đầy hàng thồ mà điều khiển xe đi không đổ, không nghiêng bên này, nghiêng bên kia. Không khí rộn ràng, trở thành một phong trào thi đua, trong đoàn vận tải thô sơ. Không khí thi đua chở tăng hàng, tăng chuyến được phát động, kéo dài hết cả chiến dịch.
Một buổi chiều hôm ấy, nhìn vẻ mây trời cao hơn, song khí trời còn rét lắm ở xứ Thanh này. Các đơn vị xe thồ không động cơ bước vào chiến dịch. Các kho hậu cần của quân ta nhộn nhịp, hàng vài trăm xe nhận hàng. Từng cặp TNXP, từng đoàn dân công hỏa tuyến - chủ nhân của mỗi chiếc xe phục vụ chiến dịch - bê bốc xếp hàng, chằng buộc. Xe nào cũng có lá ngụy trang che kín bao hàng. Mỗi phụ xe, lái xe trên người trở thành những cây thưa lá rung rinh theo bánh xe lăn. Hàng trăm xe sốt ruột, chờ khởi lệnh bước vào cuộc hành quân. Cả b•i nhận hàng chuẩn bị giờ hành tiến, đợt chiến dịch vận tải phục vụ cho trận đánh nay mai.
Đoàn xe thồ ra trận có đủ chủng loại xe, đủ các hãng sản xuất xe đạp của nước Pháp, toàn loại xe tốt như hãng Pergeot, xe Sisteninr, xe Parskers... Có lẽ, cả bộ máy chiến tranh của thực dân Pháp không ngờ tới Việt Minh khéo tổ chức, có nhiều đoàn quân binh khác nhau đánh lại thực dân Pháp, chống lại xe tăng, đại bác, máy bay, trong đó tổ chức cả những binh đoàn xe thồ xung trận.
Đoàn vận tải ngày nghỉ đêm đi. Cứ đến bốn năm giờ chiều là tất cả dân công, TNXP đủ mọi tầng lớp nam, nữ, lứa tuổi thanh niên tràn ra mặt đường, đi phục vụ chiến dịch. Không khí phục vụ chiến dịch nhộn nhịp. Lượng người đông như đi trẩy hội, mọi người đi chiến dịch đều phải ngụy trang che bằng lá cây, hay mảnh vải dù loang lổ... Chỉ có điều đoàn dân công trên vai, ai cũng gánh gọn hai sọt hàng, rung rung lá ngụy trang theo nhịp bước. Đoàn xe thồ đi thành hàng dài dịch chuyển về hướng Tây Bắc. Mỗi nhóm, mỗi tổ thi đua thể hiện ngay cả lời nói, giọng hát, điệu hò đối đáp... Trên vai gánh, tay đẩy xe, bước chân dịch chuyển, trên mũ nón đều đính băng khẩu hiệu... Không khí vui lắm. Giọng xứ Nghệ, gặp giọng xứ Thanh. Càng đi càng giáp mặt trận. Đoàn xe thồ, đoàn dân công hỏa tuyến, hòa vào các đoàn từ hướng Việt Bắc sang, đoàn từ đồng bằng sông Hồng lên, gộp lại thành tuyến người chuyển động suốt đêm, trên những con đường xuyên qua cánh rừng, qua đồng lúa.
Đoàn xe thồ cứ người đẩy, người lái... Những chiếc xe đạp chất đầy, sức thồ hàng được nâng lên cho mỗi xe, từ 200kg ban đầu sau nâng lên nhờ những tay lái điêu luyện, thồ được từ 250kg - 300kg. Đôi bánh xe tròn thon nhỏ, khung xe được gia cố khỏe chắc, cứ bon nhẹ nhàng đi trong đêm, đi trong sương mù, đi trong mọi điều kiện, mọi cung đường. Nó trông như những con chiến mã, hướng đi về phía mặt trận. Khi lên dốc xe cần thêm người phía sau đẩy giúp, lúc xuống dốc phải kéo xe lại. Dốc càng sâu, càng dài thì mỗi xe buộc thêm một thân cây, hay cành cây để hỗ trợ làm phanh cho xe xuôi dốc. Đấy là một sáng kiến của đoàn xe thồ. Và, xe đạp thồ luôn được nâng niu, giữ gìn. Khi xe nghỉ, người điều khiển chiếc xe không nghỉ. Cánh lái xe không động cơ kiểm tra, tra dầu, bơm hơi, có xe được thay chiếc săm mới khi phát hiện chiếc săm cũ có nguy cơ sắp hỏng. Xe được lót lốp, gia cố cho xe thêm vững chắc. Mọi người yêu xe, quý xe như yêu quý một vật gì thiêng liêng lắm.
Chiến dịch này sử dụng xe đạp thồ nhiều lắm. Xe đạp ở các tuyến vận tải có hàng vài trăm chiếc, cộng lại tất cả các tuyến số lượng xe lên đến con số hàng mấy chục ngàn chiếc. Tất cả ngày đêm cặm cụi, kiên nhẫn thồ hàng phục vụ cho chiến dịch.
***
Nhấp trà, ông Quang Phục kể liền một mạch về thời ông điều khiển chiếc xe thồ hàng đi phục vụ chiến dịch. Ông cũng láy đi, láy lại rằng chiếc xe đạp thồ tiếp tục được phát huy tác dụng trong kháng chiến đánh Mỹ. Thời ấy cũng có hàng vạn chiếc xe thồ hàng trên đường Trường Sơn, trên các nẻo đường khu Bốn ác liệt, do dân công hỏa tuyến, do TNXP thời đánh Mỹ điều khiển, sử dụng... Mấy người trẻ chúng tôi ngồi nghe ông Quang Phục kể như bị thôi miên, bởi chiếc xe đạp bình thường vậy mà đã lập nên công trạng lớn trong kháng chiến. Rồi ông Quang Phục điềm nhiên kết luận: “Chúng tôi rất thán phục lớp trẻ tham gia TNXP, dân công hỏa tuyến thời ấy, các anh có biết không? Những tay lái xe thồ ngày ấy nay người còn, người mất, nhưng đã góp vào một kỳ tích, có một không hai trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Có xe đã phá kỷ lục chở hàng khi thồ đến 352kg. Đấy là chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng ở Thanh Lâu, Thanh Ba, Phú Thọ. Chiếc xe thồ nổi tiếng phục vụ chiến dịch lịch sử ấy hiện được lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.