Chương trình nghệ thuật tuyên truyền lưu động chào mừng 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12
Tối ngày 15/12, tại UBND xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, Trung tâm Thông tin Triển lãm Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) tổ chức chương trình nghệ thuật tuyên truyền lưu động nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12) và 51 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (18-12).
Tham dự Chương trình có các đồng chí: Trần Văn Hà – Giám đốc Trung tâm Thông tin Triển lãm Hà Nội, Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội).
Về phía chính quyền địa phương có các đồng chí: Nguyễn Đức Nam – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quốc Oai; Bùi Tiến Linh – Chủ tịch UBND xã Đông Xuân.
Theo Ban Tổ chức, chương trình là hoạt động thiết thực nhằm triển khai kế hoạch số 741/KH-SVHTT ngày 30/10/2023 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc tổ chức thông tin, trang trí tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhân dân trên địa bàn Thủ đô nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/19444-22/12/2023), 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2023) và 51 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (18/12/1972-18/12/2023).
Theo đó, nhân dịp này, chương trình tuyên truyền lưu động sẽ diễn ra tại 4 điểm trên địa bàn Thành phố, bao gồm: UBND xã Đông Xuân (Quốc Oai), xã Đốc Tín (Mỹ Đức), xã Vạn Thái (Ứng Hòa) và xã Tự Nhiên (Thường Tín).
Chương trình mở đầu với Màn hát múa “Ca ngợi Tổ quốc”, sáng tác của tác giả Hồ Bắc đã đem đến không khí sôi động, hào hùng về với xã miền núi của huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống Quyết chiến Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ một đội quân chỉ có ít người, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7 tháng 5 năm 1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, đồng thời tạo nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày vui chiến thắng rực rỡ cờ hoa. Màu đỏ trên lá cờ như nhắc nhở những dấu mốc lịch sử trọng đại đất nước, để chúng ta lại được sống trong không khí tự hào về quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng… Chương trình nghệ thuật với những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ; về bộ đội, kháng chiến … một lần nữa cùng bà con nhân dân ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cùng với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; ca ngợi hình ảnh người lính anh hùng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đồng chí Bùi Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân chia sẻ trước khi diễn ra chương trình rằng: “ Đối với một xã miền núi với 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường như xã Đông Xuân, chương trình có ý nghĩa đặc biệt. Chương trình đã mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con và đồng bào nơi đây. Sau khi nhận được kế hoạch tổ chức biểu diễn tuyên truyền lưu động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội,từ cách đây một tuần, xã đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tuyên truyền liên tục về chương trình trên hệ thống phát phát thanh và trên trang fanpage của các hội đoàn thể, các đồng chí trưởng thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân biết và tham dự chương trình tối ngày hôm nay”.
Còn với chị Quách Thị Hương sống ở Đồng Âm, Đông Xuân cho biết, chị biết đến chương trình qua hệ thống đài phát thanh địa phương. Ngay lúc này chị cảm thấy rất xúc động, phấn khởi. Bản thân chị và bà con cũng chưa có dịp biết và hiểu ý nghĩa sâu xa của ngày 22-12-1944. Chị mong muốn Thành phố và các cấp chính quyền địa phương tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của bà con nhân dân trong xã thông qua nhiều hoạt động biểu diễn tuyên truyền văn nghệ lưu động như thế này.
Thông qua chương trình tuyên truyền nghệ thuật lưu động lần này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mong muốn góp phần tuyên truyền giáo dục về truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; giáo dục tuổi trẻ Thủ đô hôm nay về tình yêu quê hương đất nước nói chung và thêm yêu Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố sáng tạo, Thành phố vì hòa bình nói riêng./.