Thơ

Chùm 3 bài thơ tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7 của tác giả Chiến Văn

Chiến Văn 27/07/2024 17:15

Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả chùm thơ của tác giả Chiến Văn nhân kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).

Lời nhắn từ biển sâu

(Kính tặng hương hồn các liệt sĩ hy sinh trong vụ rơi máy bay huấn luyện năm 2016)

Khuya rồi

Sao mẹ còn chưa ngủ?

Đừng chờ con nữa

Con không về đâu

Mẹ ơi!

Con ở đây có đồng đội rồi

Biển mùa này cũng ấm

Dưới đáy đại dương sâu thẳm

Con chỉ mong mẹ bớt buồn đau.

Con biết, mẹ sẽ chẳng trách con đâu

Tội bất hiếu bỏ cha mẹ già đi trước

Lá vàng xin đừng thêm gầy guộc

Dưới đáy biển sâu lá xanh lại đau hơn.

Cha mẹ sinh ra con

Nhưng thân thể con lại thuộc về nơi khác

Đời binh nghiệp có sá chi tên bay đạn lạc

Con có ngã xuống cũng vì ước mong đất nước thanh bình.

Kìa em

Ngủ đi chứ vợ ngoan của anh

Bát cơm kia sao em bớt lại?

Từ lần này anh ra đi mãi mãi

Mỗi lần bưng mâm ra

Em đừng cố ngồi chờ.

Đừng chong mắt đợi anh cả trong những giấc mơ

Khi con nhìn

em hãy cố giấu mặt đi nơi khác.

Em có nhớ lần đầu ta gặp

Anh từng nói vui

Phi công các anh là những "người trời".

Nên giờ anh không về thì đừng khóc em ơi

Hãy chăm sóc bố mẹ và dạy con nên người em nhé

Anh tin em sẽ luôn mạnh mẽ

Vợ lính mà. Can trường có kém ai?

Ngủ đi

các con yêu của bố ơi

Chỗ bố nằm ngày xưa giờ con không cần chừa ra nữa

Con cũng đừng để cửa

Bố không về được nữa rồi!

Khi nghe tiếng phi cơ rền vang

Con hãy nhìn lên trời

Có bố, các chú, các anh đang dõi theo con đó

Hãy nghe trong tiếng gió

Những lời yêu thương bố gửi các thiên thần.

Hãy bản lĩnh bước đi bằng bước chân của người con quân nhân

Và viết tiếp trang sử vẻ vang cho quê hương đất nước.

Không có bố ở bên

Nhưng bố tin các con sẽ thực hiện được

Những ước mơ của bố

dở dang...

(Tháng 6-2016)

Dậy đi - Đồng đội ơi..!

( Kính tặng các hương hồn liệt sĩ)

Dậy đi nào! Dậy đi đồng đội ơi

Tớ đến thăm rồi đây, dù muộn hơn lời hứa

Nhưng bù lại tớ mang thêm cây ghi ta nữa

Dậy đi anh em ta cùng đàn hát bập bùng.

Cậu giọng trầm, thích nhạc tiền chiến phải không?

Nào dậy đi tớ chọn tông cho cậu hát nhé

Hay tớ chọn một bài giọng khỏe

Mình hát song ca cho khí thế, hào hùng.

Nhớ ngày xưa cậu chê tớ đánh đàn như ông lão bật bông.

Làm tớ tự ái luyện ngày luyện tối

Cứ ngưng tiếng súng là ôm ghi ta tập vội

Giờ tiếng đàn cất lên đã ngọt hơn nhiều.

Ơ kìa! Dậy đi chứ đồng đội thân yêu

Nhớ mẹ, nhớ bạn gái hay sao mà nằm im mãi thế?

À, hôm trước tớ qua nhà thăm mẹ

Mẹ ôm tớ hồi lâu mới biết là nhầm với con trai mình.

Mẹ vẫn chưa tin là cậu đã hi sinh

Còn bạn gái cậu cũng ở vậy không thương ai nữa

Một già một trẻ dựa vào nhau nương tựa

Thấy tiếng chân ai qua lại ngỡ cậu về.

Ơ! Cậu này! Dậy đi chứ! Dậy đi!

À nhớ rồi tớ quên chưa châm thuốc

Giờ hút thỏa thích muốn bao nhiêu cũng được

Tớ mang theo cả cây. Không như xưa phải chia nhau đến hơi rít cuối cùng.

Dậy đi nào mình nâng chén rượu chung

Lại ngồi dựa vào nhau hát bài ca đồng đội

Dậy đi. Hình như trời sắp tối

Khi đêm sang cậu lại về thế giới khác mất rồi.

Dậy đi. Tớ dạo đàn rồi này...

Hát đi chứ…

Đồng đội ơi...!!!

(17-2-2019)


Tự khóc!

Hôm nay con về thăm mẹ không còn khóc nữa

Mẹ khóc mấy chục năm, nước mắt đã cạn rồi

Mẹ nhìn con mắt trôi về nơi khác

"Hồi ông ấy hy sinh, còn trẻ hơn cả mày. Con ơi!".

Hôm nay em về thăm mắt anh không còn đỏ

Anh khoe đêm qua được gặp Bố lần đầu

Anh nức nở gọi trong mơ thỏa thích

Bởi đã bao giờ anh được gọi Bố đâu?!?

Hôm nay về thăm cháu gái không còn ríu rít

Chỉ lên di ảnh khoe ông đi công tác dài ngày

Không còn chờ ông về mua kẹo nữa

Ông hy sinh khi bố chưa chào đời, mà giờ cháu nội mới hay.

Hôm nay tôi về cả nhà không ai khóc

Trên khung tranh người Liệt sĩ mỉm cười

Tôi - hậu bối, chỉ biết ông qua lời kể

Mà sao mọi người cười

Tôi lại rơi nước mắt.

Hả tôi..!?!

( Kính tặng gia đình Liệt sĩ Lương Xuân Bẩm, nguyên Biên tập viên Tạp chí Hậu cần Quân đội, Tổng cục Hậu cần).

Tác giả chùm thơ là Thượng tá Nguyễn Văn Chiến.
Bút danh: Chiến Văn.
Quê quán: Hàm Tử - Khoái Châu - Hưng Yên; trú tại tổ 6, phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Tác giả hiện đang là Phóng viên Phòng Biên tập Quốc phòng - An ninh, Báo Quân đội nhân dân. Đã từng có thơ in chung với nhiều tác giả. Chùm thơ này là cảm xúc, là sự tri ân của tác giả đối với những thân nhân gia đình liệt sĩ mà anh được trực tiếp gặp hoặc đọc được thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng.

Bài liên quan
  • Khóc thương anh Công Minh
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ của tác giả Ngô Phạm Lợi nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Khơi dậy tình yêu lịch sử qua trải nghiệm tour di sản sáng tạo
    Qua 4 mùa tổ chức, lần đầu tiên Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 (từ 9 - 17/11) thí điểm thêm những lựa chọn hình thức trải nghiệm theo tour di sản sáng tạo, giúp nhân dân khám phá và tiếp cận những công trình di sản theo cách vừa mới lạ vừa gần gũi hơn, từ đó khuyến khích nhân dân biến những vốn di sản tinh hoa của thành phố này thành vốn tri thức và sáng tạo của chính mình và cộng đồng.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Từ chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu văn học…
    Hè năm 1989, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội chiêu sinh lớp hướng dẫn sáng tác văn học khóa I do nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn phụ trách. Lớp hướng dẫn sáng tác này đã nuôi dưỡng những hạt mầm văn chương, chắp cánh cho những ước mơ văn chương ngày một bay cao, bay xa. Cũng từ đây, CLB Văn học trẻ Hà Nội trực thuộc hội Văn học Hà Nội (nay là Hội Nhà văn Hà Nội) đã được ra đời.
  • Những hoạt động, dịch vụ hấp dẫn tại Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe - Wellness Tourism Weekend
    Trong khuôn khổ “Mùa Đông xứ Huế” của Festival Huế sẽ diễn ra “Tuần du lịch Chăm sóc sức khỏe - Wellness Tourism Weekend” từ ngày 22 - 24/11/2024 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế (số 23 - 25 Lê Lợi, TP Huế).
  • Đại học Huế trên đường phát triển thành Đại học Quốc gia
    Sau khi tổ chức lại vào năm 1994, Đại học Huế trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Hiện nay đang triển khai thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Chùm 3 bài thơ tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7 của tác giả Chiến Văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO