Khớp cắn có vai trò tối quan trọng trong chỉnh nha (niềng răng) để đảm bảo bệnh nhân ăn nhai tốt và không tái phát sau khi điều trị. Là người có hơn 10 năm gắn bó với công việc chỉnh nha bác sĩ Trần Thị Phương Thảo - Nha khoa Smile Care luôn giữ nguyên tắc làm nghề là đảm bảo sự hòa hợp giữa yếu tố thẩm mỹ, chức năng ăn nhai và sức khỏe của khách hàng.
PV: Với khách hàng chỉnh nha, chị ưu tiên điều gì?
Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo: Nếu để điều trị tận gốc các vấn đề về răng thì chúng ta cần nói kỹ hơn đến chuyện khớp cắn. Cụ thể, khớp cắn là sự tương quan giữa hai hàm và răng trên - dưới, bao gồm cả tỉ lệ cân xứng và diện tích tiếp xúc với nhau ở trạng thái nghỉ và khi ăn nhai của răng cũng như của xương hàm. Thông thường, hàm răng phải đạt tiêu chuẩn cân đối và đều đẹp giữa hai hàm mới được coi là khớp cắn chuẩn. Phần lớn người bệnh chỉ quan tâm đến thẩm mỹ mà không ý thức được rằng chỉ khi có một khớp cắn hoạt động ổn định thì mới đảm bảo sức khỏe.
Nguyên tắc của tôi trong giải phẫu là đảm bảo được sự hòa hợp giữa yếu tố thẩm mỹ, sức khỏe của bệnh nhân. Có nhiều trường hợp bệnh nhân vội vàng, muốn nhanh chóng xử lý, cải thiện tình trạng thì tôi phải kiên trì giải thích để họ hiểu là nha khoa thẩm mỹ thì quan trọng nhất là kết quả sau cùng. Bởi lẽ, việc nhanh mà kết quả không đạt thì không giải quyết được vấn đề gì.
PV: Mọi người sẽ có những quan điểm khác nhau về thẩm mỹ. Điều này có khiến chị gặp khó khăn trong quá trình làm việc không?
Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo: Tôi gặp nhiều khó khăn khi tư vấn cho người bệnh thế nào là một tỷ lệ phù hợp với gương mặt. Người châu Âu thực hiện nhiều nghiên cứu về nhân trắc học với hệ thống số liệu phân tích đo sọ cụ thể. Căn cứ vào những chỉ số đó có thể nhận thấy sự khác biệt giữa tỷ lệ “vàng” trên gương mặt người châu Á và châu Âu. Với kết cấu xương hàm của người châu Á thì một gương mặt mang đến tỷ lệ “vàng” không cần quá bằng phẳng như người châu Âu. Đó là lý do vì sao khi tham gia vào các khóa học quốc tế tôi hay có thói quen quan sát cấu trúc xương mặt của mỗi người để tìm ra điểm khác biệt, từ đó đưa ra lời tư vấn cho khách hàng theo cấu trúc xương mặt phù hợp với người Á Đông.
PV: Phương pháp chỉnh nha không mắc cài ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Vậy phương pháp này khác với các phương thức truyền thống như thế nào, thưa chị?
Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo: Phương thức nào cũng có ưu điểm riêng. Trước hết cần hiểu về chỉnh nha không mắc cài là kỹ thuật sử dụng khay niềng trong suốt, tạo lực tác động chính xác giúp răng dịch chuyển như ý muốn. Nếu như chỉnh nha mắc cài tác động lực lên toàn hàm để dịch chuyển răng thì kỹ thuật sử dụng khay niềng trong suốt, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ lên phác đồ bằng máy tính, sẽ tác động lực dịch chuyển lên chính xác vị trí cần. Khi sử dụng phương pháp này thì bệnh nhân sẽ không bị lộ niềng, đảm bảo tiêu chí thẩm mỹ, thích hợp dành cho những người phải giao tiếp nhiều. Thậm chí ngoài việc thoải mái thì điều trị bằng khay niềng trong suốt còn hạn chế được một số nhược điểm, sự cố có thể gặp ở phương pháp cũ như tình trạng đứt chun, tuột dây cung... Nhiều khách hàng của tôi cũng là bác sĩ nha khoa, với nhiều ca khó thì tôi vẫn tư vấn cho bệnh nhân nhổ răng để giúp răng dịch chuyển tối đa, hay sử dụng chỉnh răng có mắc cài để đảm bảo hiệu quả tốt trong quá trình điều trị.
PV: Khi khách hàng cũng là bác sĩ nha khoa đem lại cho chị những trải nghiệm gì?
Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo: “Dao sắc không gọt được chuôi”, bản thân chúng tôi là bác sĩ nha khoa nhưng khi có vấn đề về răng thì cũng phải tìm đến những người đồng nghiệp để nhờ giúp đỡ. Trong quá trình làm nghề, tôi đã chỉnh nha cho khoảng 12 bác sĩ, trong số họ có những người làm bác sĩ phục hình, điều trị tủy, nhưng cũng có cả những người chuyên chỉnh nha. Họ vừa là đồng nghiệp, những người có kiến thức về nha khoa nên yêu cầu cao hơn những bệnh nhân thông thường. Trong quá trình làm việc, tôi cũng học hỏi thêm được rất nhiều kiến thức mới, bản thân cảm thấy rất vui vì họ lựa chọn tin tưởng.
PV: Ngay trong thời gian học tại Đại học Y Hà Nội, chị đã tham gia vào nhiều khóa học nâng cao về chuyên ngành răng hàm mặt. Điều gì đã thôi thúc chị cần học tập và trau dồi kiến thức nhiều đến vậy?
Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo: Tôi nghĩ đối với ngành nha khoa, nếu mình có sự chuẩn bị kỹ càng thì khi bắt tay vào công việc sẽ có thêm nhiều thuận lợi. Ngay trong khoảng thời gian học bác sĩ nội trú từ năm 2007 - 2011, tôi bắt đầu tham gia các khóa học chỉnh nha trong nước và quốc tế. Sau này khi đi làm chính thức và có cơ hội gắn bó với Smile Care, tôi được ban quản lý phòng khám hỗ trợ để duy trì việc học nâng cao chuyên môn.
Nha khoa thẩm mỹ là một ngành liên tục phát triển với nhiều kỹ thuật, công nghệ mới, nếu không chịu khó cập nhật thì bạn sẽ bị tụt hậu. Tôi chưa bao giờ muốn đặt mình vào tình trạng bị động như vậy. Điều này không chỉ tốt cho cá nhân tôi mà còn có hiệu ứng rất tốt đến các bệnh nhân bởi họ sẽ được điều trị bằng phương pháp mới, hiện đại.
Khi theo học bác sĩ nội trú, được trau dồi về tất cả chuyên ngành nha khoa thì tôi cảm thấy bị thu hút bởi chỉnh nha. Tôi không phủ nhận răng sứ thẩm mỹ là một dịch vụ ngày càng phát triển và mang lại nguồn thu nhập cao. Nhưng, đối với tôi, khi những chiếc răng vẫn còn tốt chỉ là nó nằm sai vị trí, tại sao mình không dành thời gian sắp xếp nó lại để nó đều, đẹp hơn. Tôi không phải là bác sĩ có thể đem lại cho bệnh nhân một hàm răng đẹp trong thời gian ngắn nhất nhưng tôi luôn tôn trọng tối đa cấu trúc sẵn có, mang đến sự thay đổi trong giới hạn sinh lý.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!