Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số TP. Hà Nội
Chiều 27/3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu thành phố Hà Nội.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, là hạt nhân trong mọi phong trào; lan tỏa, định hướng, truyền cảm hứng cho các lực lượng xã hội khác, nhất là cho thế hệ trẻ góp phần tích cực vào tiến trình phát triển của Thủ đô Hà Nội và của cả nước.
Đánh giá cao sáng kiến của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và lãnh đạo TP Hà Nội đã tổ chức Hành trình kết nối của Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số TP Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cuộc gặp mặt này là minh chứng cho sự thống nhất ý chí và hành động, ý thức trách nhiệm của những công dân Thủ đô tiêu biểu, vì sự phát triển chung của thành phố Hà Nội và cả nước. Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, năm 2023, kinh tế - xã hội của Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát với nhiều kết quả nổi bật, toàn diện, nhất là sau đại dịch Covid-19, cả về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội, là một trong ít địa phương ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.
Đạt được kết quả như trên, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội, có sự đóng góp rất đáng trân trọng các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số, các vị nhân sĩ, trí thức đang sinh sống, làm việc, sinh hoạt tại thành phố.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đây là một quan điểm, chủ trương lớn cần được củng cố, tăng cường trong chặng đường tiếp theo của cách mạng Việt Nam để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, nhất là cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
Khơi dậy khát vọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, thành phố sáng tạo, thành phố vì hòa bình, trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế.
Quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tập trung ưu tiên hoàn thành thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, đồng đều, bền vững và hội nhập quốc tế.
Trong đó, Thủ đô Hà Nội cần đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; triển khai hiệu quả Nghị quyết 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các nhân sĩ trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của thành phố Hà Nội trong thời gian qua, đồng thời đã tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, qua đó phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, khơi dậy khát vọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô thành trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, kinh tế, hội nhập quốc tế, là động lực thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực./.