Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn Khamphan Sitthidumpha; tới dâng hương và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm liệt sĩ liên quân Lào - Việt trong khu Di tích liên quân Lào - Việt chiến đấu bảo vệ thủ đô Viêng Chăn.
Tại trụ sở tỉnh Viêng Chăn, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Viêng Chăn, đồng chí Khamphan Sitthidumpha vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới thăm.
Đồng chí Khamphan Sitthidumpha chia sẻ một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội phát triển của tỉnh. Tỉnh Viêng Chăn trước đây có diện tích rất lớn, tuy nhiên do mức độ tăng trưởng và điều kiện phát triển mới nên thủ đô Viêng Chăn đã được tách ra. Hiện nay tỉnh Viêng Chăn có diện tích hơn 15.000 km2, trong đó 1/3 là đồng bằng, còn lại là đồi núi và dân số gần 500.000 người.
Do vị trí địa lý, lãnh đạo tỉnh đã theo định hướng phát triển nông nghiệp, trồng lúa, rau màu, chăn nuôi gia súc và gia cầm. Khu vực miền núi tập trung trồng cây lương thực và cây công nghiệp (cao su). Tỉnh cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai khoáng, thương mại, du lịch, thu hút đầu tư.
Nhìn chung, tỉnh Viêng Chăn duy trì được ổn định về chính trị, an toàn xã hội, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống đường giao thông được nâng cấp, giáo dục và y tế được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo thấp.
Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Khamphan Sitthidumpha cho biết, với việc đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của Việt Nam, trong đó đã kết nghĩa với tỉnh Hải Dương vào năm 1984, hiện nay tỉnh đã kết nghĩa với 4 tỉnh của Việt Nam và hằng năm thường xuyên tổ chức các chuyến thăm để trao đổi kinh nghiệm. Các chương trình cho lưu học sinh Lào cũng tiếp tục được duy trì.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn cảm ơn sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với Lào và đối với tỉnh, khẳng định sự giúp đỡ, hợp tác giữa hai nước, địa phương hai nước sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ Lào - Việt Nam do Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai nước, cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm CHDCND Lào và đến thăm tỉnh Viêng Chăn - địa phương giàu truyền thống cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng, huyết mạch kết nối thủ đô Viêng Chăn với các tỉnh Bắc và Trung Lào.
Thay mặt đoàn, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn lãnh đạo và nhân dân tỉnh Viêng Chăn đã dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, thắm tình đồng chí anh em thân thiết, chúc mừng đồng chí Khamphan Sitthidumpha được tín nhiệm đảm nhiệm vị trí Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chuyến thăm Lào lần này theo lời mời của đồng chí Pany Yathoto, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào, thể hiện tình cảm đặc biệt của Quốc hội Việt Nam, góp phần củng cố vững chắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó, tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước nói chung, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam - Lào nói riêng.
Trở lại thăm tỉnh Viêng Chăn sau 13 năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng trước những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đạt được thời gian qua. Bộ mặt của tỉnh có nhiều thay đổi tích cực, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa tỉnh Viêng Chăn với các địa phương của Việt Nam, nhất là các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, hợp tác sản xuất. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các địa phương của Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các địa phương của Lào, trong đó có tỉnh Viêng Chăn, đề nghị tỉnh Viêng Chăn tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Yên Bái, tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành của Việt Nam, nhất là hợp tác về giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp tại mỗi làng, bản mang bản sắc của tỉnh Viêng Chăn giúp đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với sự lãnh đạo của đồng chí Khamphan Sitthidumpha, tỉnh Viêng Chăn sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhân dịp này, qua đồng chí Khamphan Sitthidumpha, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời hỏi thăm tới các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đã tới dâng hương và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm liệt sĩ liên quân Lào - Việt tại Di tích liên quân Lào - Việt chiến đấu bảo vệ thủ đô Viêng Chăn ở bản Keun, tỉnh Viêng Chăn, cách thủ đô hơn 70km về phía Bắc.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ Việt Nam – Lào đã anh dũng hy sinh.
Thăm nhà trưng bày trong di tích, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết vào Sổ lưu niệm: “Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ Lào - Việt Nam đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền độc lập của đất nước Lào anh em. Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng sinh động cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào”.
Ngày 23-1-1946, liên quân Lào - Việt đã đồng loạt tiến công tập đoàn cứ điểm bản Keun, huyện Thoulakhom, tỉnh Viêng Chăn, tiêu diệt cứ điểm Phone He - một trong những cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp tại đây. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn của liên quân Lào – Việt ngay từ những ngày đầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước. Để có được chiến thắng nói trên, 28 người con của hai dân tộc, trong đó có 26 người Việt Nam và 2 người Lào đã anh dũng hy sinh.
Sau khi hòa bình lập lại, nơi chôn cất các liệt sỹ trước đây đã trở thành nghĩa trang liên quân Lào – Việt đầu tiên tại Lào. Ngày nay, nghĩa trang này đã trở thành khu di tích lịch sử, được người dân bản xứ và cộng đồng người Việt đặc biệt quan tâm, gìn giữ cho hôm nay và thế hệ mai sau.