Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của nghệ thuật tạo hình
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”, khai mạc sáng 16/5 tại Hà Nội. Với 60 tác phẩm chọn lọc từ bộ sưu tập của Bảo tàng, triển lãm là dịp để công chúng trong và ngoài nước chiêm ngưỡng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ vĩ đại đã khai sinh nước Việt Nam mới… Nhân dân thế giới nhớ đến Người như một biểu tượng của tự do và hòa bình”. Ông cũng nhấn mạnh: “Cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại và lối sống vô cùng giản dị, sự tận tụy hết lòng vì đất nước và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chạm đến trái tim các nghệ sĩ và đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác đặc biệt”.
.png)
Các tác phẩm trưng bày đa dạng về chất liệu và hình thức: sơn dầu, sơn mài, bột màu, khắc gỗ, trổ giấy, điêu khắc, tranh thêu... Nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân trong và ngoài nước đã thể hiện chân dung Bác Hồ qua lăng kính nghệ thuật – vừa thiêng liêng, vừa gần gũi.
Hành trình cách mạng và cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện sinh động qua nhiều tác phẩm chọn lọc tại triển lãm. Từ thời niên thiếu, hình tượng Bác hiện lên trong “Cậu Coông học khai tâm” của Nguyễn Văn Giáo. Giai đoạn bôn ba tìm đường cứu nước và trở về lãnh đạo cách mạng được tiếp nối qua “Mùa xuân Bác về Pắc Bó” của Dương Tuấn, “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn” của Nguyễn Dương - tác phẩm gợi lại khoảnh khắc thiêng liêng ngày 2/9/1945, thời khắc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với chiến khu, đồng hành cùng cách mạng và xông pha trận tuyến được khắc họa sinh động qua các tác phẩm: “Hồ Chủ tịch làm việc ở Chiến khu Việt Bắc” của Phan Kế An, “Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc” của Nguyễn Văn Tỵ, “Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân” của Trọng Kiệm, “Bác đi công tác” của Trần Đình Thọ, “Bác Hồ đi chiến dịch” của Nguyễn Đức Dụ và tác phẩm điêu khắc cùng tên của Nguyễn Phú Cường.
.png)
Song song với hành trình cách mạng, đời sống thường nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được thể hiện qua nhiều góc nhìn nghệ thuật dung dị và sâu sắc. Tiêu biểu là “Bác Hồ câu cá” của Nguyễn Nghĩa Duyện, “Nhà Bác ở Phủ Chủ tịch” của Lương Xuân Nhị, “Bàn đá Bác ngồi làm việc” của Phạm Đức Cường và “Nhà Bác ở Kim Liên – Nghệ An” của Trần Văn Cẩn – những tác phẩm cho thấy sự gần gũi, giản dị trong sinh hoạt thường ngày của vị lãnh tụ vĩ đại.
Tình cảm sâu sắc giữa Bác Hồ và nhân dân là một trong những chủ đề nổi bật của triển lãm, được thể hiện qua loạt tác phẩm như “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” của Đỗ Hữu Huề, “Bác Hồ thăm vườn trẻ” của Hoàng Đạo Khánh, “Bác Hồ với nông dân” của Văn Thơ và Vũ Văn Thơ, “Bác Hồ với thầy thuốc” của Trọng Cát và Nguyễn Trọng Cát, “Bác Hồ với Tây Nguyên” của Xu Man, “Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc” của Vương Trình, “Bác Hồ với công nhân xe lửa Gia Lâm” của Phạm Lung và “Ai yêu Bác Hồ hơn chúng em nhi đồng” của Nguyễn Đăng Khiêm. Đặc biệt, nhà điêu khắc Minh Đỉnh khắc họa hình tượng Bác như “Người cha của lực lượng vũ trang” – biểu tượng gắn bó sâu sắc giữa Bác với chiến sĩ và nhân dân cả nước. Các nghệ nhân bàn tay vàng như Song Hỷ, Vũ Đức Trọng cũng góp phần làm phong phú triển lãm với những bức tranh thêu huyền ảo, thể hiện hình ảnh Bác Hồ một cách chân thực và đầy cảm xúc.
.png)
Không chỉ các nghệ sĩ trong nước, triển lãm còn giới thiệu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tác phẩm của nghệ sĩ quốc tế như David Thomas (Hoa Kỳ), Lee Sang Phil (Hàn Quốc) – minh chứng cho sự ngưỡng mộ vượt biên giới dành cho Người.
Triển lãm “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình” mở cửa đến hết ngày 30/5/2025. Đây là dịp để công chúng bày tỏ lòng biết ơn với công lao to lớn của Bác Hồ – người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đồng thời cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị nhân văn, tinh thần yêu nước và phong cách sống mẫu mực của Người qua lăng kính nghệ thuật./.