Chủ quyền biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm
Tại Lễ chào cờ bên cột mốc biên giới 597 Việt – Lào (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), thiếu tá Nguyễn Văn Bằng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị), nhấn mạnh với các thành viên tham gia chương trình Khúc quân hành lần VIII năm 2024: “Chủ quyền biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.
Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024 do Tạp chí Người Hà Nội phối hợp với Hội Cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức, với điểm dừng chân cuối cùng là xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Hành trình từ trung tâm huyện Gio Linh đến Đồn Biên phòng Hướng Phùng hơn 100 cây số. Dẫu đường xa nhưng đoàn công tác “Khúc quân hành” lần VIII đã được đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây huyền thoại. Nhiều đoạn đèo dốc quanh co dễ khiến tất cả mệt mỏi nhưng được chiêm ngưỡng dòng sông Thạch Hãn phía thượng nguồn gắn với thắng lợi Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 của quân và dân ta, khiến thành viên toàn đoàn tự hào, những mệt mỏi tán biến.
Dọc đường lên Hướng Phùng, phóng mắt ra phía xa, trong núi rừng Trường Sơn hùng vĩ là những tua bin điện gió với cánh quạt như các “sải tay” dài đang ngày đêm mang lại nguồn điện năng cho vùng đất đầy nắng gió Quảng Trị.
Buổi sớm mai ngày 21/7, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Hướng Phùng. Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng cùng một số đồng chí tại Đồn đưa chúng tôi đến thăm và làm lễ chào cờ tại cột mốc biên giới 597 Việt – Lào. Sau lễ chào cờ bên cột mốc trong niềm tự hào, thiêng liêng với Quốc ca Việt Nam ngân vang giữa núi rừng, đồng chí Nguyễn Văn Bằng giới thiệu về cột mốc 597. Đây là một trong những cột mốc biên giới Việt – Lào có ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt.
Lịch sử cột mốc 597 gắn liền với bia tưởng niệm của Đồn Biên phòng Hướng Phùng bởi các liệt sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp phân giới cắm mốc ngày 12/8/1978. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt – Lào cách đây hơn 40 năm, đại úy Võ Cán, Nguyễn Tăng và 3 đồng chí thuộc Bộ đội Biên phòng Hướng Phùng, cán bộ đo đạc bản đồ. Quá trình đi phân giới, cắm mốc năm 1978 xác định ranh giới giữa Việt Nam và Lào, trong một đêm mưa rất to cách cột mốc 597 hiện nay 1 km về phía dãy núi Tà Púc, các đồng chí đã nghỉ lại trong một hang động ở dãy núi này.
Không may lúc đó mưa to, nước dâng và một phần quả đồi đã sạt lở và vùi lấp các đồng chí thực hiện nhiệm vụ. Đến hiện tại, chúng ta mới tìm thấy hài cốt của 3 đồng chí đã hy sinh, đồng chí Võ Cán và Nguyễn Tăng mãi mãi không tìm thấy thi thể. Năm 1991, Đảng và Nhà nước đã quyết định dựng bia tưởng nhớ các đồng chí đã hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phân giới, cắm mốc ngày 12/8/1978” – thiếu tá Nguyễn Văn Bằng kể.
Bên cạnh đó, thiếu tá Nguyễn Văn Bằng chia sẻ, đường biên giới Việt – Lào tại Hướng Phùng là đường biên giới đặc biệt nhất trên cả nước, đó là đường biên giới được “kéo thẳng” từ cột mốc 593 đến cột mốc 600. Theo đồng chí Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, hiện nay, đời sống của nhân dân khu vực biên giới Việt – Lào nói chung và đoạn biên giới do Đồn Biên phòng Hướng Phùng nói riêng quản lý (dài 19,2 km) còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đồng bào các dân tộc hai quốc gia ở khu vực biên giới rất đoàn kết và “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Để quản lý, bảo vệ biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng là nòng cốt, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn xã Hướng Phùng tuần tra kiểm soát người ra vào, phương tiện ở khu vực biên giới. Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng vui mừng chia sẻ, hiện tuyến biên giới Việt – Lào đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc 100% trên thực địa.
“Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện nhiều hoạt động, nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ chính là vận động quần chúng nhân dân thực hiện, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng về quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Chủ quyền biên giới quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Trách nhiệm bảo vệ, quản lý chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó bộ đội biên phòng là nòng cốt” - Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, nhấn mạnh.
Đồn Biên phòng Hướng Phùng vừa tròn 50 năm thành lập (11/7/1974 - 11/7/2024). Kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp công tác biên phòng, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế, tham gia củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã xây dựng nền biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, lập nên nhiều thành tích xuất sắc và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Trước khi đặt chân đến vùng đất biên cương Hướng Phùng, Ban tổ chức Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII đã có chuỗi hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024): thăm, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình); Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, dâng hương tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị; trao 150 suất quà tới các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; 1 nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh cùng 4 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng) cho 4 Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Tại xã Hướng Phùng, chương trình trao 1 nhà tình nghĩa cho gia đình đồng chí Hồ Ka Luôi – Thương binh hạng 2/4 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao 50 phần quà cho các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng (bao gồm tiền mặt và quà), thăm và tặng 100 suất quà cho các em học sinh tại Trường Tiểu học Hướng Phùng (Điểm trường Cheng - Mã Lai).
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng luôn tâm niệm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, lấy sự bình yên, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và là niềm hạnh phúc cho mình. Các chương trình, mô hình tiêu biểu như “Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; mô hình “Cánh đồng kiểu mẫu nơi biên giới” đã được cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm của người lính, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Bên cạnh đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Bộ đội Biên phòng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc./.
Đến thăm Đồn Biên phòng Hướng Phùng, chúng tôi rất xúc động khi được các cán bộ, chiến sỹ đón tiếp ân cần, chu đáo và tình cảm. Lại càng khâm phục bởi được biết, các chiến sĩ “quân hàm xanh” Đồn Biên phòng Hướng Phùng không chỉ vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia mà còn là những người đồng hành tin cậy, giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn quản lý vươn lên thoát nghèo. Các chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Phùng chính là tấm gương để chúng tôi noi theo trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về gần dân, sát dân, hỗ trợ giúp đỡ nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cán bộ, chiến sỹ chính là điểm tựa vững chắc, niềm tin yêu của người dân nơi biên giới.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội CCB Cơ quan Văn phòng Quốc hội, đồng Trưởng ban tổ chức Chương trình Khúc quân hành lần VIII.