Chiếc quạt gắn bó một thời

Hanoimoi| 11/09/2022 16:15

Cái tên “con cóc” đủ cho ta mường tượng ra hình dáng chiếc quạt. Năm 1965, bộ phận sản xuất quạt điện của Xí nghiệp Điện thông và Điện cơ Tam Quang sáp nhập thành Xí nghiệp Điện khí Thống Nhất (sau đổi là Điện cơ Thống Nhất), chuyên sản xuất các loại quạt điện phục vụ nhân dân. Quạt “con cóc” ra đời và sớm được người dân Hà Nội ưa dùng...

Chiếc quạt gắn bó một thời
Những chiếc quạt gắn bó với thời kỳ bao cấp.

Thân quạt nhỏ gọn có đường kính khoảng 10cm và hình dáng như chú cóc đang ngồi. Ba cánh nhựa quay rất tít. Đế quạt làm bằng thanh sắt tròn có đường kính 1cm, uốn gần như hình chữ U, để bàn hay đặt ở giường ngủ đều tiện dụng. Cũng như xe đạp Thống Nhất, quạt con cóc có chất lượng và là một thương hiệu uy tín lúc bấy giờ. “Chú cóc điện” be bé vậy thôi, nhưng giá thành là 35 đồng, so với lương thợ cơ khí Nhà máy Dệt 8/3 là 48 đồng, hay lương kỹ sư 64 đồng thì giá ấy khá cao, nên người dân “định vị” luôn thành cái tên là “quạt 35 đồng”. 

Hồi ấy, người dân ngoại thành vẫn dùng quạt nan là phổ biến. Chạy gạo, chạy tiền cho đàn con ăn học đã đứt hơi, mơ gì đến chiếc quạt điện 35 đồng. Riêng cán bộ, công nhân, viên chức ở nội thành thì cố gắng chi tiêu tiết kiệm, dần dà cũng sắm được cho gia đình “chú cóc điện”. Gia đình nào có 3 - 5 con, bố mẹ cố gắng lắm cũng chỉ tậu được hai “chú”. Nhà tôi có ba mẹ con thì mẹ chỉ sắm một chiếc. Mẹ đi làm ca chiều đến khi tan ca, về đến nhà đã 11h đêm nên hai chị em ăn cơm, học bài, làm bài tập, đều bày sách vở ra giường rồi dùng chung quạt, chứ đâu có quạt cây, máy điều hòa, bàn học đẹp như bây giờ. Khi ngủ, ba mẹ con phải nằm ngang cho gió quạt thổi chênh chếch, em bé nhỏ nhất được ưu tiên nằm cạnh quạt, mẹ nằm trong cùng. Những đêm hè nóng nực quá mẹ vẫn phành phạch chiếc quạt nan trên tay. Cứ như thế, những mùa hạ ngột ngạt trôi qua, đang tuổi ăn tuổi lớn nên chúng tôi không biết mất ngủ là gì. Chỉ có mẹ nhiều đêm khó ngủ, giật mình tỉnh giấc thấy mẹ giang tay quạt thêm cho tôi. Chõng tre bên cạnh, bà tôi cũng đang quạt lạch phạch chiếc quạt lá cọ.

Năm 1971, nhà có thêm chiếc quạt “tai voi” của Liên Xô, mẹ nhờ bác tôi mua giúp theo tiêu chuẩn cán bộ. Gọi là quạt “tai voi”, vì ba cánh cao su to hệt như tai chú voi. Cái đế bằng gang đúc pha hợp kim chắc chắn, hình bầu dục, đỡ thân quạt cũng bằng gang đúc to tròn như trái mít cỡ 1kg. Vui sướng nhất là cả nhà đều được mát khi quây quần ăn cơm, vì quạt có cái “tuốc lăng” điều khiển cho thân quay các hướng.

Chiếc quạt gắn bó một thời
Những chiếc quạt gắn bó với thời kỳ bao cấp.

Cho đến khi tôi lớn bổng, 16 tuổi rồi, cả nhà vẫn dùng chiếc quạt “con cóc” và quạt “tai voi”. Tôi thức khuya học bài để thi tốt nghiệp và thi đại học, có “chú cóc điện” thủy chung làm bạn. Lúc ấy, quạt trần của Nhà máy Điện cơ Thống Nhất cũng hiếm như xe đạp Favorit của Tiệp Khắc mà các anh chị đi du học mang về, không phải nhà nào cũng có. Sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ vào các tỉnh, thành phố miền Nam công tác thì quạt Biên Hòa mới xuất hiện ở Hà Nội. Cả khu tập thể Nhà máy Dệt 8/3 có lẽ chưa đến mươi nhà có chiếc quạt này. Mọi nhà dùng quạt Điện cơ như một nếp tiêu dùng quen của người Hà Nội. 

Những năm 1980 - 1990, ai được đi học tập, lao động tại Liên Xô khi về thường cố gắng “ôm” vài chiếc nồi áp suất, bàn là, ấm điện... và nhất định không thể thiếu chiếc quạt Orbita nhỏ gọn, vỏ và cánh làm bằng nhựa dẻo cao cấp thay cho quạt “tai voi”... Nhà máy Điện cơ Thống Nhất cũng loay hoay cải tiến mẫu mã và chất lượng để cho ra đời thế hệ quạt Hoa sen chân đế to đùng, cao khoảng gần 50cm, có lồng sắt bảo vệ ba cánh sắt to bản cỡ 20cm, cao khoảng 45cm để tạo gió mạnh. Giá quạt Hoa sen hồi đó đắt đến nỗi tôi và chị hàng xóm rủ nhau ra gian hàng ở Triển lãm Giảng Võ xem quạt rồi lại bấm bụng về tay không, chịu khó dùng quạt trần cũ vậy. Dân lao động vẫn ưa dùng quạt “con cóc” thông dụng. Nhà bạn tôi, ba chiếc giường thì có ba chú cóc điện. Một chiếc quạt trần Điện cơ treo ở phòng khách, thế là đủ gió mát cho cả nhà. 

Từ năm 1995 đến gần đây, dù đã có quạt nhập khẩu và quạt do nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất, phong phú về chủng loại nhưng chiếc quạt “con cóc” đã qua tuổi lục tuần vẫn gắn bó với nhiều gia đình, dùng để quạt khi nhóm lò than, tráng bánh cuốn, hầm xương cho nồi nước dùng làm bún, phở... Thủ đô ngày càng mọc lên nhiều nhà cao tầng chọc trời, tiện nghi hiện đại, vậy mà vẫn còn không ít “chú cóc điện” ngày ngày thức khuya dậy sớm cùng người chủ tần tảo, để cống hiến cho người Hà Nội và du khách bốn phương những món ngon Hà thành.

(0) Bình luận
  • Phục dựng nghi lễ tế Đinh tại đền Đức Thánh Cả
    Ngày 9/3/2025, nghi lễ tế Đinh đã điễn ra tại đền Đức Thánh Cả, thôn Hữu Vĩnh, xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Việc phục dựng nghi lễ là một phần trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
  • Tây Hồ – Nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại trong bảo tồn văn hóa
    Quận Tây Hồ, một trong những quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên mà còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Quận Tây Hồ là một khu vực đặc biệt với sự kết hợp hài hòa giữa không gian xanh mát của các hồ, làng nghề truyền thống và các di sản văn hóa phong phú. Những năm qua, Tây Hồ đã và đang thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo nên một hình ảnh đầy bản sắc và thu hút du khách.
  • Một thoáng ký ức Hà Nội xưa
    Nếu mang nắng chiều chiếu nghiêng nghiêng vào ngăn ký ức của người Hà Nội, dễ sẽ thấy gói hàng Tết thời xa vắng, thấy chiếc áo chần bông xúng xính chờ cái rét ngọt để diện đi chơi… Thời gian có khả năng diệu kỳ, đôi khi có thể biến những khoảnh khắc tưởng chừng như thiếu thốn, khó khăn nhất trở thành tình cảm nhất, vui vẻ nhất; biến những điều răn dạy khắt khe nay trở thành lời vàng thước ngọc muốn gửi gắm lại cho thế hệ sau…
  • Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua chương trình "Tết Việt - Tết Phố 2025"
    Hòa chung không khí đón chào Xuân mới, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức chương trình hoạt động văn hóa với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2025” nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo, kết nối cộng đồng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
  • Xôi cây làng Tây Mỗ
    Phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có ba thôn là Miêu Nha, Phú Thứ và Tây Mỗ. Nhắc đến Mỗ, người ta nhớ câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Có danh hương từ bốn làng khoa bảng và hương nếp từ ngày hội thi xôi cây. Đình làng thờ Thủy Hải Long vương, Ả Lã nàng Đê - nữ tướng thời Hai Bà Trưng; đền làng thờ Phúc Vương Tranh - người con của vua Lê Thánh Tông.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Chắp cánh cho hình ảnh “Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại” vươn cao, bay xa
    Nhiều năm qua, Hà Nội đã xây dựng hình ảnh “là nơi đáng đến và lưu lại” trong suy nghĩ, cách nhìn của du khách trong nước và quốc tế. Góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ này, UBND Thành phố Hà Nội vừa xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa. Qua đây để Thủ đô bảo tồn các giá trị văn hóa, mở ra những không gian mới cho phát triển văn hóa, du lịch tiến tới kỷ nguyên vươn mình.
  • 5 nhóm giải pháp phát huy vai trò tiên phong của văn học, nghệ thuật Thủ đô
    “Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng”, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng ngày 16/4/2025.
  • Xây dựng "Trường học hạnh phúc" gắn với các hoạt động thực tế của ngành giáo dục Thủ đô
    Hàng trăm học sinh cùng các giáo viên tại các trường THPT trên toàn thành phố Hà Nội hào hứng cổ vũ cho các tác phẩm thể loại hòa tấu và đệm hát do các em học sinh thuộc các ban/nhóm nhạc thể hiện tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam; qua đó cho thấy hiệu quả của Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức đã có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc mà ở đó tình cảm giữa thầy và trò, giữa các em học sinh với nhau thực sự gắn kết và gần gũi.
Đừng bỏ lỡ
Chiếc quạt gắn bó một thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO