Và cũng không người Việt Nam nào lại không nhớ câu hỏi nổi tiếng của Người trong ngày hôm đó: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”
Sự kiện lịch sử này đã được tái hiện trong văn, thơ, hội họa, phim tài liệu. Nhưng trong âm nhạc thì chỉ có bài hát Ba Đình nắng của hai tác giả: nhà thơ Vũ Hoàng Địch và nhạc sĩ Bùi Công Kỳ. Sinh thời, có lần Bùi Công Kỳ kể về sự ra đời của bài hát: “Chứng kiến không khí ngày hôm đó - 2/9/1945 - tôi không kìm nén được xúc động. Ai mà không sống trong ngày ấy thì khó có thể hiểu được tâm trạng của tôi cũng như bao người dân Việt. Tôi tự nhủ mình phải viết một bài hát về sự kiện lớn lao này. Về kỹ thuật viết bài hát thì tôi không đến nỗi lúng túng, vì trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 tôi đã từng sáng tác bài Hồn Việt Nam. Nhưng rồi bận nhiều công việc và cũng loay hoay mãi, tôi vẫn không biết bắt đầu như thế nào, sẽ khai thác những ý tứ gì. Sau đó phải tới gần hai năm, đến năm 1947, tôi đọc được bài thơ Ba Đình nắng của Vũ Hoàng Địch. Thế là tôi nảy ý nghĩ sẽ phổ bài thơ thành bài hát. Tôi thấy Vũ Hoàng Địch đã nói được rất nhiều điều sâu sắc trong bài thơ. Chỉ cần lựa chọn được một ngôn ngữ âm nhạc phù hợp để chuyển tải là sẽ thành công”.
Một chàng trai khi ấy ở tuổi 28 (sinh năm 1919), chắc chắn chưa thể chín chắn, sâu sắc mà viết nên được một bài ca thật hoành tráng về sự kiện trọng đại nhất của lịch sử dân tộc quả là thành công ngoài sự tưởng tượng của chính tác giả và mọi người. Người nghe đã rất ấn tượng và bị cuốn hút ở ngay hai câu mở đầu bài hát, trong đó tiết nhạc đầu tiên là một tiếng reo vui, đồng thời biểu hiện hình tượng lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc đang phấp phới bay trên kỳ đài:“Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới. Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào”.
Tiết nhạc “gió vút lên” được tác giả viết ngay ở âm khu cao và tiếng “vút”được hát luyến bốn nốt khiến người nghe tưởng tượng ra tiếng gió mùa thu, đồng thời hình dung lá cờ bay phấp phới, rất kiêu hãnh trên kỳ đài đặt ở vị trí cao so với mặt bằng quảng trường Ba Đình lúc ấy. Có thể nói chủ đề bài thơ của Vũ Hoàng Địch xuyên suốt toàn bộ tác phẩm dồn ở câu thứ hai: “Đây bao nguồn sống mới dạt dào”. Vâng, từ ngày 19/8 rồi sau đó là ngày 2/9/1945, đất nước ta có một nguồn sống mới thật dạt dào. Đó là toàn thể dân tộc đã đứng lên giải phóng mình thoát khỏi xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do. Chủ đề xuyên suốt đó luôn được tái hiện qua hình tượng lá cờ đỏ sao vàng hiện ra trong bài thơ thành bài hát: “Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi của mùa thu Cách mạng vàng sao. Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào. Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh”. Sang đoạn sau của bài hát, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng lại được tô đậm thêm. Có cảm giác như sắc đỏ của quốc kỳ đã nhuộm thắm cả một không gian rộng lớn, rực rỡ của Thủ đô: “Ba mươi sáu phố phường hôm ấy là những nhánh sông đỏ bóng cờ. Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại. Năm cánh xòe trên năm cửa ô”. Năm cánh sao mà xòe trên năm cửa ô thì quả là một tưởng tượng ngoạn mục. Chỉ có người dân của một đất nước vừa thoát khỏi tròng nô lệ, được nghển cổ hít thở bầu không khí tự do mới có thể có được cảm xúc như thế và mới liên tưởng được như thế. Trong câu nhạc trên, Bùi Công Kỳ đã xử lý tiếng “cánh” ở nốt fa thăng là nốt cao nhất bài (các nốt son chỉ hát lướt), lại quy định ngân tự do. Nếu người hát cảm nhận được cảm xúc và ý đồ của nhạc sĩ sẽ tạo được hình tượng bề thế của một không gian cao, rộng, bao la, kỳ vĩ của năm cửa ô.
Cách mạng Việt Nam, nền độc lập của Việt Nam luôn gắn liền với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra vào ngày 2/9/1945 cũng gắn liền với hình ảnh của Người. Bởi vậy, các tác giả bài hát đã viết về Người thật sinh động. Bài hát này không nằm trong số những bài hát viết về Bác Hồ, nhưng hình ảnh Người hiện ra sinh động, thiêng liêng không khác những bài hát hay nhất nói đến Người trong kho tàng ca khúc Cách mạng Việt Nam. Đó là một đoạn nhạc được nhạc sĩ thay đổi tiết tấu, từ dàn trải trước đó, thành nhanh hơn, vui hơn, náo nhiệt, diễn tả cảm xúc, tâm trạng của quốc dân đồng bào khi nhìn thấy Bác trên kỳ đài: “Hoan hô! Ta đón cha về, đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập. A ha! Có tiếng người reo. Sao vàng vừa mọc. Cha hiện lên giọng nói hẹn thành công”.
Ai có mặt tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đều nhớ mãi một câu nói của Hồ Chủ tịch - câu nói bình dị mà vô cùng thân thương, làm ấm áp cõi lòng muôn dân. Trước khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Người hỏi mọi người: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” Số là Bác quê ở Nghệ An, Người sợ bà con ở Hà Nội không quen nghe giọng xứ Nghệ, sẽ không rõ. Và ngay sau đó là hai tiếng “Có ạ!” vang lên dưới quảng trường như sấm dậy. Chi tiết ấy đã được Vũ Hoàng Địch đưa vào bài thơ và Bùi Công Kỳ phổ thành câu hát rất mềm mại, hát mà như nói, thủ thỉ ân tình: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”.
Ba Đình nắng chỉ có một đoạn nói về Bác, nhưng hình ảnh Người hiện ra rất đậm nét, đã làm nên giá trị của ca khúc lịch sử này: “Bộ ka ki đã bạc với gió sương. Người hiện thân sức mạnh của hòa bình. Nắng Ba Đình đây tia sáng anh linh. Còn ghi lại trên cỏ hoa đang nở. Chiều nay về lòng ta vẫn nhớ. Tiếng Cha già xen lẫn tiếng hoan hô”.
Trong kho tàng ca khúc Cách mạng Việt Nam, Ba Đình nắng có giá trị lịch sử đặc biệt. Ca khúc này như một hồi ký về sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Giá trị của tác phẩm ở những chi tiết sinh động, chân thực, ở tính hoành tráng, mang tính chất sử thi, anh hùng ca. Giai điệu ca khúc mới mẻ, hiện đại. Tuy nhiên, bài hát không dễ thể hiện.
Trong những người từng hát bài này, NSND Trần Khánh (1931-1981) là thành công nhất. Giọng ông âm vang, ấm áp, hào sảng, có âm vực rất rộng (tới 2 quãng 8), xuống trầm vẫn rõ lời, lên cao vẫn sáng, không gắt, chói. Trần Khánh đã qua đời nhưng những ca khúc ông hát vẫn sống mãi trong trái tim nhiều thế hệ công chúng, trong đó không thể quên Ba Đình nắng.
Được hỏi vì sao bài hát quá dài, không phù hợp với thể ca khúc, nếu ngắn bớt, chắc chắn sẽ khiến người nghe dễ thuộc, dễ hát hơn, Bùi Công Kỳ cho biết: “Hồi đó tôi chưa được học về lý thuyết sáng tác nên chưa có khái niệm gì về khúc thức, tổ chức các đoạn nhạc, kết cấu tác phẩm mà chỉ viết theo cảm hứng. Hơn nữa, bài thơ của Vũ Hoàng Địch rất dài, nhưng tôi thấy câu nào cũng hay, chứa đầy ý nghĩa, nếu lược bỏ sẽ rất tiếc nên đã phổ cả bài, dẫn tới quá dài. Nay nghe lại mới thấy lê thê, khiến người nghe khó thuộc”.Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đã tự thấy nhược điểm tác phẩm của mình. Đúng là ngày nay không thể viết ca khúc dài như vậy. Ông còn cho biết thêm khi thu thanh bài hát này ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Trần Khánh đã đề nghị ông lược bỏ bớt. Nhưng ông đã thuyết phục người ca sĩ có giọng hát vàng để nguyên, vì không muốn bỏ lời thơ của Vũ Hoàng Địch.
Hôm nay, nghe lại bài hát Ba Đình nắng, mặc dù thời gian trôi qua đã rất nhiều năm, đã hơn hai phần ba thế kỷ, nhưng lòng ta vẫn nguyên vẹn cảm xúc về ngày lịch sử trọng đại nhất của dân tộc, tưởng như vừa mới diễn ra.
Ba Đình nắng của Bùi Công Kỳ và Võ Hoàng Địch đã sống mãi với thời gian như một chứng tích lịch sử bằng âm thanh, mãi mãi còn in đậm trong tâm khảm bao người.