Viên thuốc “Tiểu đường hoàn” do người nhà bệnh nhân mang đến bệnh viện. |
Theo bác sĩ Phạm Thế Thạch, các bệnh nhân nhập viện đều có chung bệnh cảnh đau bụng, tiêu chảy, suy tim, suy thận, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân đầu tiên là một nam giới (57 tuổi, ở Lạng Sơn) bị tiểu đường từ nhiều năm và thường xuyên sử dụng “Tiểu đường hoàn” thay vì dùng thuốc bác sĩ đã kê. Thấy bệnh tình ngày càng nặng, gia đình đã đưa người bệnh vào Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cấp cứu.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng sốc nặng, có dấu hiệu viêm phổi, suy đa tạng... Sau 4-5 ngày cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân này đã tử vong.
Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân nam (66 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị đái tháo đường, tăng mỡ máu. Khi nhập viện, bệnh nhân này cũng có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy... Các bác sĩ đã cho bệnh nhân lọc máu 3 ngày liên tục nhưng bệnh tình không thuyên giảm và gia đình đã xin về tử vong tại nhà.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nam bệnh nhân 70 tuổi (ở Hà Nội) cũng có dấu hiệu như 2 bệnh nhân trên. Người này có bệnh cảnh đau bụng, đau ngực, suy đa tạng, axit lactic trong máu tăng, nhồi máu cơ tim cấp, bị hôn mê và phải thở máy… Bệnh nhân đã được lọc máu khẩn cấp. May mắn là sau thời gian lọc máu, người bệnh đã qua cơn nguy kịch.
Theo người nhà, bệnh nhân bị tiểu đường và liên tục sử dụng sản phẩm “Tiểu đường hoàn”.
“Tiểu đường hoàn” là sản phẩm mạo danh thuốc đông y không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm này được người bệnh mua online với giá 50.000 đồng/gói… Tại Bệnh viện Bạch Mai, qua xét nghiệm sản phẩm “Tiểu đường hoàn” mà người nhà bệnh nhân mang tới, sản phẩm này có chứa hoạt chất Phenformin - thuộc nhóm thuốc điều trị đái tháo đường.
Tuy nhiên, vào năm 1976, các chuyên gia dược phát hiện hoạt chất này gây biến chứng, rối loạn chuyển hóa. Năm 1977-1978, Cơ quan Cảnh giác dược Hoa Kỳ đã ra quyết định cấm sử dụng thuốc có hoạt chất này đối với bệnh nhân bị suy tim, suy thận kèm theo một số cảnh báo nghiêm ngặt.