Đời sống văn hóa

Cần tâm thế vững cho hội làng và người dự hội

PGS.TS Bùi Xuân Đính 11:24 06/03/2023

Sau ba năm hội không được mở vì dịch Covid-19, xuân này, như để “bù lấp” cho sự “bí bức” của mấy năm, các làng quê háo hức hơn, từng bừng hơn với việc mở hội, không chỉ ở các làng vùng đồng bằng, mà cả ở các làng bản miền núi, của các tộc người thiểu số.

Song cũng vì được “sổ lồng” trên nền cũ, mà bên cạnh những mặt được là tạo ra không khí vui tươi, náo nhiệt, sự phấn khởi, tính cộng đồng của người dân các làng quê, mà hội (ngày nay được gọi là “lễ hội”) lại có biết bao điều bất cập từ bao năm qua vẫn không được khắc phục. Dạo qua thực địa một số hội mà tác giả đã quen từ lâu cũng cho thấy nhiều điều. Đó là, tế lễ vẫn là hoạt động chủ đạo, nổi bật suốt mấy ngày hội, không mấy hội có trò diễn, còn các trò chơi dân gian chỉ “điểm xuyết” giữa vô vàn trò chơi hiện đại. Đặc biệt, việc tuyên truyền về hội gắn với lịch sử và các giá lịch sử - văn hóa của làng, với các vị thành hoàng hầu như “vắng bóng”, nên người đến với hội, vào đình, đền khấn vái, cầu xin mà không biết vị thần mà họ đang khấn cầu có nguồn gốc và công tích ra sao…

2.-duong-vao-chua-huong-mua-le-hoi.jpg
Đường vào Chùa Hương mùa lễ hội

Lướt tin trên các báo mạng hay mạng xã hội càng thấy thêm được nhiều điều phiền muộn. Chỉ với hội chùa Hương - hội được coi là dài nhất về thời gian và rộng nhất về không gian cũng đã thấy đó. Tâm lý “hóng hội” đã làm cho hàng vạn người ngay từ sáng ngày mùng 3 Tết (trước khai hội đến ba ngày) đã đến chùa. Rồi đến ngày khai hội, lượng khách tăng đột biến. Đấy cũng chính là cơ hội cho những “đội quân ăn theo” trong hội tranh thủ “trổ tài múa ma”. Ngày mồng ba Tết, khi xe điện đưa đón khách vào chùa chưa hoạt động, đã có la liệt xe ôm chèo kéo khách từ ngoài, gây cản trở giao thông. Từ sau ngày khai hội, lượng xe ôm không giảm, từ khu vực bến đò vào và trong những quán cóc xung quanh. Mỗi khi có xe ô tô chở khách chầm chậm vào bãi, tất cả xe ôm, rầm rập chạy ùa theo xe mời chào khách, dù khách ra hiệu không đi vẫn bị bám đuổi tới cùng. Những ngày sau, khách bị đeo bám từ Ba La (Hà Đông), cách chùa Hương đến vài chục cây số và được “báo giá” cho cả cuộc thăm chùa. Đến bến tập kết, chuẩn bị xuống đò vào hành trình tham quan, khách cũng được nhiệt tình mời mọc, chèo kéo bởi đội quân đông đảo, cũng với tình trạng ngã giá theo lối “chặt, chém”, bất chấp giá dịch vụ mà Ban tổ chức đã niêm yết. Du khách xuống đò còn phải trả thêm cho lái đò một số tiền nhất định, tùy vào đoàn đi đông hay ít người, thành ra tổng số tiền khách phải trả gấp đôi, gấp ba tiền vé theo quy định. Vào đến động Hương Tích, nơi được coi là trung tâm và linh thiêng nhất của hội chùa Hương, sự đông đúc khiến khách phải nhích từng mét để xuống động thắp hương khấn Phật. Rồi biết bao hành vi phản cảm đã xảy ra ở chốn thiêng này, như đưa tay hứng những giọt nước từ thạch nhũ nhỏ xuống, để được may mắn, được trời phật ban lộc, rồi lấy nước xoa lên mặt hoặc uống luôn tại chỗ, có người lại dùng tiền xoa lên đá để cầu may. Và ngày 12/2, hai thanh niên ở Hải Phòng đi ngược chiều lên động, gây cản trở dòng người đi, bị nhắc nhở đã đánh lại bảo vệ, gây thương tích, nên bị tạm giữ!

1.-le-hoi-chua-huong.jpg
Chùa Hương mùa lễ hội - Ảnh Gia Linh

Một hội khác, gây tốn lời của báo chí và mạng xã hội những ngày là hội Ná Nhèm ở xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) với những hành vi cực kỳ phản cảm, như chàng trai “cưỡi” lên vật thiêng - biểu tượng của hội (sinh thực khí của nam giới), nhiều cô gái cũng sờ mó, thậm chí có cô còn đưa lưỡi liếm cả đầu vật thiêng này (!?)…
Vậy, vì sao có tình trạng lộn xộn và những hành vi phản cảm trên?
Trước hết là, từ mấy chục năm trước, khi các hội truyền thống được mở trở lại, ngành văn hóa chưa định hướng đúng, ngay từ khái niệm. Xưa kia, cha ông ta chỉ dùng khái niệm “hội” (gắn với một làng, cụm làng, một vùng cụ thể), như hội Cổ Loa, hội Lim, hội Gióng, hội Đền Hùng, không nói “lễ hội” gắn với các cụm từ địa danh trên đây, hay bất kỳ làng quê nào khác. Cha ông ta cũng phân định rõ, trong hội làng có “hội lệ”, diễn ra vào những năm mùa màng bình thường, chỉ có tế lễ là chính; còn đại đám, tức “mở hội”, hay vào hội hay “vào đám” chỉ tiến hành vào những năm “phong đăng hòa cốc”, tức năm thật sự được mùa; ngoài tế lễ, đám rước long trọng, còn có các trò diễn, diễn lại sự tích thành hoàng, các trò chơi dân gian và những tiếng trống chèo lay động của các gánh hát về làng biểu diễn.

Nhưng từ khi các lễ tiết thờ cúng, các hội hè được phục hồi, đã ghép hai từ “Lễ” và “Hội” làm một, nên dẫn đến những nhầm lẫn, cả trong chỉ đạo tổ chức hội và trong suy nghĩ, cách hành xử của người đến với hội. Có hội không có trong thực tế, nhưng người ta lại “đôn” lên thành “lễ hội”, điển hình là chính “Lễ hội chùa Hương” này, thực chất chỉ là lễ mở cửa rừng của dân làng Yến Vĩ ở đền Ngũ Nhạc và của các đoàn người tấp nập “vãn cảnh chùa Hương”, vì ở đây chẳng thờ Thành hoàng, không có đám rước, trò diễn, các trò chơi dân gian… như ở bao hội làng vào năm đại đám. Có “hội” chỉ là lễ (tế lễ), yêu cầu nghiêm cẩn, nghiêm túc cả của cả người tổ chức và người đến dự, mà bản chất không phải là hội thật sự, như Lễ Tịch điền ở Đọi Sơn (tỉnh Hà Nam).

Những hành vi phản cảm của người dự hội ở hội Ná Nhèm (và bao hội khác) có nguyên nhân chính là không bảo vệ được “ngũ thiêng” (5 yếu tố thiêng không trong hội. Đó là không gian thiêng (đình, đền, miếu…), điểm thiêng trong không gian thiêng (chẳng hạn, hậu cung hay nơi diễn ra trò diễn sự tích thành hoàng), vật thiêng (chẳng hạn, sinh thực khí trong hội Ná Nhèm), thời điểm thiêng và hành động thiêng (động tác, thao tác liên quan đến sự tích thành hoàng hay “hèm”). Trải bao đời, hội cổ truyền được duy trì và luôn mang tính hấp dẫn chính vì các yếu tố thiêng đó được bảo vệ và người dự hội luôn tôn trọng (theo phong tục, theo văn hóa ứng xử và cũng sợ bị “thánh vật”). Ngày nay, Ban tổ chức hội ở nhiều địa phương không hiểu được điều đó nên không có biện pháp bảo vệ, để người không có phận sự, người dự hội xâm phạm. Người đi dự hội phải thấy được điều đó để có những hành xử đúng: Dù là hội ở bất kỳ quy mô nào, những người đến dự không chỉ phải hiểu (hoặc tìm hiểu) hội, mà còn phải luôn giữ tâm thế, tư thế của mình trước đám đông.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế đạt giải Chuyển đổi số Việt Nam
    Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.
  • Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình: Tái hiện một Hà Nội hào hùng, văn hiến
    "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc, được chỉ đạo bởi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Quận Long Biên: Gắn biển tuyến đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy
    Ngày 5/10, quận Long Biên tổ chức khánh thành và gắn biển dự án “Xây dựng tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư Ngọc Thụy” với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.
  • [Video] Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội: tái hiện hình ảnh Thủ đô 70 năm lịch sử
    Nằm trong chuỗi các hoạt động cao điểm chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), tối 4/10 tại Trung tâm Di sản văn hóa Thế thế giới Hoàng thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa áo dài”. Chương trình nghệ thuật đem đến cho các đại biểu, người dân và du khách quốc tế các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, tái hiện hình ảnh Thủ đô 70 năm lịch sử.
  • Những hình ảnh ấn tượng trong buổi tổng duyệt "Ngày hội văn hoá vì hoà bình"
    Để chuẩn bị cho "Ngày hội văn hoá vì hoà bình" trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), các đơn vị tham gia chương trình đã có buổi tổng duyệt vào chiều 4/10.
  • Tây Hồ gắn biển 2 công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Ngày 5/10, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức gắn biển 2 công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp trường Tiểu học Xuân La; Dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm GDNN - GDTX quận Tây Hồ (cơ sở 2).
  • Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình - Kỷ Niệm 70 năm Giải Phóng Thủ Đô và 25 năm danh hiệu Thành phố vì hòa bình
    Chương trình sẽ diễn ra từ 7h00 – 10h00 sáng ngày 6/10/2024 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, mở đầu với nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô...
  • "Bay qua Hồ Gươm": Khắc họa Hà Nội qua những vần thơ
    Tập thơ “Bay qua Hồ Gươm” của tác giả Huỳnh Mai Liên ra mắt ngày 4/10, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, giống như bức “ký họa” về Hà Nội xưa và nay ở nhiều sắc độ, phong vị.
  • Ký ức phía sau bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”
    Thời khắc các cánh quân của Đại đoàn quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô năm 1954 mãi mãi đi vào lịch sử và in đậm trong ký ức của bao người Hà Nội. Đã có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh ghi dấu thời khắc hào hùng “đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường” ấy trong đó có tác phẩm “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” của ông Lê Sửu (một người dân Hà Nội). Bức ảnh giản dị, chân thực, có ý nghĩa lịch sử không chỉ với riêng gia đình ông mà còn là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt của Thủ đô Hà Nội.
Cần tâm thế vững cho hội làng và người dự hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO