Cảm xúc 30 tháng Tư

arttime| 30/04/2022 09:43

Thế hệ chúng tôi thật may mắn được sống trong không khí hào hùng của đất nước những ngày tháng Tư năm 1975 lịch sử để rồi mỗi lần 30 tháng Tư đến, lòng lại xốn xang bao cảm xúc khó tả.

5662dd8b09cbe095b9da-1651194577.jpeg
Ảnh tư liệu 

30 tháng Tư - tôi cũng nhớ, cũng bồi hồi, xúc động như triệu triệu người Việt Nam khác trên dải đất hình chữ S thân yêu này. Ký ức một thời qua cái nhìn trong veo của chàng trai thôn quê tuổi mười bảy mười tám, cái tuổi đã đủ lớn để có thể cảm nhận được những giá trị của lịch sử, lại ùa về.

Cuối đông năm 1974, có một đợt tuyển quân rầm rộ, cả những thanh niên đang học lớp 10 (lớp cuối cấp 3 ở miền Bắc lúc bấy giờ) cũng được gọi nhập ngũ. Không khí ra trận rạo rực ngay từ những ngày đầu xuân 1975. Trường tôi vào hội tòng quân, chúng tôi lưu luyến tiễn bạn mình, những chàng trai mặt còn “búng ra sữa”, lên đường ra trận.Kể từ đó, chuyện học hành của chúng tôi có phần bị chi phối, nhất là khi bước sang tháng Ba, tin chiến thắng cứ dồn dập dội về.

Tôi có cái may mắn được đọc báo thường xuyên. Nói may mắn vì thời ấy, báo giấy quả là hiếm hoi, kể cả báo Nhân dân hay Quân đội nhân dân là hai tờ báo lớn nhất thời bấy giờ. Ở nông thôn lại càng hiếm bởi làm gì có quầy bán báo. Tôi may mắn vì bố tôi là cán bộ xã, hôm nào đi làm về, ông cụ cũng mang theo vài số báo Nhân dân còn thơm mùi mực, mùi giấy mới. Tôi ngấu nghiến đọc không sót một tin nào. Những tờ báo đọc xong, tôi còn cẩn thận cất vào giá sách, mãi sau này khi đã vào đại học, thỉnh thoảng chủ nhật về thăm nhà kiếm bữa cơm của mẹ, lại trải báo ra mà nhâm nhi từng câu từng chữ. Thế cho nên tôi mới thuộc nằm lòng “thời gian biểu” chiến thắng từng ngày của mùa xuân lịch sử năm ấy.

Cuối tháng Tư, mọi người dường như cảm nhận được cái không khí gấp gáp, nóng hổi của cuộc chiến đang bước vào giai đoạn quyết định. Người ta bàn tán, người ta hỏi thăm, người ta lo âu, hồi hộp… nhất là những gia đình có con em đang ở chiến trường.

Sáng 30/4, tôi vẫn đến lớp như mọi ngày. Phòng học mấy tháng nay đã trống đi một số chỗ ngồi. Không biết giờ này những người bạn thân thiết của chúng tôi đang ở đâu nơi chiến trường lửa đạn trong khi bản đồ chiến trận cứ dịch chuyển xuống phía Nam từng ngày, từng giờ. Sài Gòn chắc đã gần lắm đối với họ?

Một hồi trống dài vang lên khô khốc báo giờ tan học. Lúc này đã hơn 11 giờ trưa. Tôi vội vã đạp xe. Đường từ trường về nhà hơn mười cây số mà sao hôm nay có cảm giác như ngắn lại.

Vừa qua khỏi dốc đê, đã thấy một không khí khác thường bao trùm lên làng xóm thân quen. Tiếng loa truyền thanh vang vang. Vào đến sân nhà chưa kịp xuống xe đã thấy mẹ tôi chạy ra nói như reo: “Giải phóng rồi! Giải phóng rồi! Đài vừa thông báo đấy!”. Tôi đứng lặng đi vài giây. Chị dâu rồi hai vợ chồng người bác ruột nhà bên cũng chạy ra, ai nấy không giấu nỗi niềm vui bởi anh họ tôi cũng đang ở chiến trường mà cả năm nay chưa có tin tức gì.

Tâm trạng tôi xốn xang trước không khí rạo rực đang tràn ngập khắp xóm thôn. Tất cả như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Những gia đình có người thân ở chiến trường miền Nam thì khỏi phải nói, niềm vui hòa trong nước mắt, lăn trên gò má in dấu thời gian của những người mẹ, người vợ bấy lâu xiết bao trông đợi mong chờ. Bây giờ, trong lòng họ, trong tim họ chỉ còn vang vọng mỗi câu hỏi: “Khi mô chồng con sẽ trở về?”.

Từ đó, 30/4 trở thành cột mốc, không chỉ với lịch sử đất nước mà còn với cuộc đời mỗi con người. Tôi vẫn thầm nghĩ mình sinh ra đời thật may mắn khi được sống trong thời khắc lịch sử đặc biệt ấy của dân tộc. Nhưng rồi, chẳng biết tự lúc nào, có lẽ là khi tôi đã trải đời, con tim đã đến độ chín, không còn cái bồng bột của tuổi trẻ nữa thì cái cảm giác hừng hực của niềm vui chiến thắng cũng lắng xuống. Để bây giờ, mỗi lần 30/4 đến, không chỉ có tự hào, kiêu hãnh mà còn đan xen vào đó bao nỗi niềm, bao suy ngẫm về lẽ sống ở đời.

Chiến tranh liên miên, sau 30 năm đất nước mới có hòa bình, thống nhất. Dân tộc ta đã phải gánh chịu quá nhiều mất mát, đau thương, chia lìa bởi các thế lực ngoại xâm. Khát vọng của nhân dân không chỉ là hòa bình, độc lập mà còn là hòa hợp và hòa giải dân tộc.“Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” (Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Soi vào lịch sử mấy ngàn năm, đất nước luôn tồn tại trong sự vẹn toàn dẫu cho có lúc núi sông bị ngăn cách nhưng lòng dân vẫn là một – vĩnh viễn như huyền thoại con Lạc cháu Hồng chung bọc trăm trứng Mẹ Âu Cơ sinh ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lí đó không bao giờ thay đổi”. Vâng, sự vẹn toàn, thống nhất của đất nước, không chỉ ở phương diện địa chính trị mà còn ở phương diện tình cảm dân tộc - lòng người.

Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người…”, câu hát ấy của cố nhạc sĩ Văn Cao ám ảnh mãi lòng ta.

30/4 – ngày thống nhất non sông. 90 triệu đồng bào, dù đi đâu làm đâu, hãy chung nhịp đập trái tim để cho đất nước này, dân tộc này cất cánh bay lên cùng bầu bạn và trường tồn mãi mãi.

(0) Bình luận
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Nhớ những cơn mưa quê hương
    Đêm trời Âu, những tia chớp dọc ngang như xé toạc không gian thành trăm mảnh. Ngả nghiêng theo tiếng sấm là màn mưa lộp bộp, rì rào… rồi ào ào như thác đổ. Mưa mùa hạ. Đích thực là mưa mùa hạ...
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Cảm xúc 30 tháng Tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO