Cảm ơn ạ, thủy tiên!

Nguyễn Thục Uyên| 25/01/2023 08:04

Một trong những thú vui cuối năm của tôi là mũ áo sùm sụp, đan tay người thương rồi dạo Đồng Xuân trong gió lạnh cạn mùa. Gạn chút năm cũ với mây xám đêm dài, với chè chén bên Gầm Cầu, thật không khác gì được sắm Tết trong cái nhớ Tết. Tết của chuyện kể hiền như thần thoại, của mùi vị óng ánh bên trong ván cửa lùa, của thú chơi tài tử hào hoa, của mùi pháo cũ tiễn nhiều năm cũ.

02.jpg
Tác phẩm Hoa thủy tiên của Đặng Quang Tuyến.

Ông bà tôi những năm ba mươi, cứ hạ tuần tháng Một là lên Đồng Xuân sắm sửa. Làm đôi bánh pháo mãn-địa-hồng, làm vài hộp hương đen, rồi rẽ sang con đường thủy tiên bên ngoài chợ. Trong cái nắng yếu ớt cuối năm, hai hàng thủy tiên lộng lẫy như vuông lụa, đẹp đến độ ai cũng ướm thử mặc chốn chợ đông. Thủy tiên của cái thời mà từ tỉnh đến quê đều chuộng, thì mua để "chơi" Tết là việc chả mấy nhà không làm. Ít thì năm bảy củ, nhiều thì một "nắp" (loại sọt nom như vại dưa con). Thời các cụ, đã “chơi” thì món gì cũng phải dụng công, nên lớn bé đều dắt nhau đi thửa dao trên Hàng Mã. Chẳng có đâu những "lá lúa", "bằng đầu" hay "lòng máng", thời ấy chỉ có duy nhất một loại dao "thợ mã", vốn chuyên dùng trổ giấy trang kim. Bởi thế mà dạy nhau chơi thì dễ, nhưng dùng dao tài tử thế nào lại là cái duyên của mỗi tài hoa.

Như mọi cuộc chơi, các lớp lang của cuộc chơi thủy tiên cũng đông đủ. Một là chọn củ, hai là chọn thời gian, ba là chọn lối chơi (trồng hoặc gọt tỉa), bốn là chọn hãm hoặc thúc. Nhìn bên ngoài củ hoa thủy tiên đều giống nhau, nhưng với hoa đơn củ nhẹ bồm bộp và nơi mọc rễ lồi ra, trong khi hoa kép củ tròn nặng tay còn nơi mọc rễ sẫm màu, lõm vào. Mọc hai bên củ cái có năm đến mười hai nhánh - còn gọi là chi hoặc củ con, hễ chia nhánh đều thường cho dáng đẹp. Thời gian trồng tỉa cứ ướm theo thời tiết. Lạnh đều thì sau mùng một, còn ấm dài thì lùi lại, tầm mùng bảy tháng Chạp bắt đầu là vừa đẹp. Ai đã chơi lâu đều ưng trồng tỉa muộn đi một tí, vì vốn dĩ thúc hoa nở sớm vẫn dễ hơn hãm hoa. Vào ngày đầu tiên, ông bà tôi sẽ thắt dây lụa lên cao đặng canh gió. Hôm nào gió quay Tây Bắc thì ôm hết thủy tiên vào nhà, để đêm ấy sương muối không làm cây bị chột.

Gọt tỉa để hoa lá lên đúng ý là việc không dễ kể trong vài dòng. Đơn cử như với lá, nếu chọn lối tỉa kiếm diệp thì lá mọc chéo cánh sẻ, chọn lối tỉa một chiều làm lá uốn thành vòng tròn không khép, chọn lối tỉa cua bò cho lá mọc cong lò xo... Chơi theo lối gọt tỉa cần nhất là sự tỉ mỉ, còn nếu không đủ tài hoa thì chơi theo lối trồng mới thực hợp cách. Bỏ hết bẹ củ khô, cắt hết bẹ thâm nâu rồi thả vào bát nước. Thời bao cấp nếu không bói ra cát, trấu hoặc sỏi thì dùng bi đất nhiều màu, miễn là chặn cho củ vốn nhẹ xốp không bị nổi lên, nước phải ngập thì củ mới không bị rám. Tuần đầu tiên thay nước ngày hai lần, từ tuần tiếp theo hai ngày một lần, đều đặn để chất nhớt từ rễ không làm củ bị thối. Không như ở thủy-tiên-tỉa vốn mực thước phân tầng thượng-trung-hạ, hoa lá ở thủy-tiên-trồng không có bất kỳ khuôn khổ nào, nó mang vẻ đẹp của sự tự do.

Hà Nội những năm ba mươi, có một chốn gọi là Thủy-tiên-trang, nằm trên mạn đường Ngọc Hà. Nơi ấy vừa là tòa soạn của Khoa-học tạp chí, vừa là nơi thí nghiệm để giống thủy tiên của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Sau này, mùa hè làm cây bị chột và hoa ra thất thường, nên thủy tiên giống mới được gửi hết lên Sapa. Với tất cả sự ngưỡng mộ dành cho những cây thủy-tiên-ta đầu tiên, dân chơi Hà thành gọi đấy là "thủy tiên cụ Tiễu". Các cuộc thi hoa thủy tiên dần được mở khắp nơi, từ Hà Nội xuống Hải Phòng sang Nam Định vào đến Huế. Cuộc nào thì cũng có hai giải, một cho thủy-tiên-trồng, một cho thủy-tiên-tỉa. Người đến hội vì yêu hoa cũng lắm, vì tìm mua lại thủy tiên kép cũng nhiều. Thủy tiên đơn - được biết đến với tên chữ là "kim trản ngân đài", cánh như bạch ngọc ôm lấy vành nhụy vàng sắc sảo. Cũng sáu cánh trắng nhưng ở thủy tiên kép thì nhụy vàng chen lộn xộn với cánh con nên thành ra kém đẹp. Bù lại, hương thơm ở hoa kép đậm đà hơn nhiều, rất thích hợp để ướp trà. Giống như nhài, sói, ngâu... thủy tiên vốn dễ bắt hương nên chỉ cần ướp ba đến bốn lần là đạt. Không rõ nước đậm hương ngát đến độ nào, nhưng có lúc lên Hàng Ngang rồi cũng đành trở lui, vì kẻ chờ mua trong ngoài đông không cơ man nào mà kể. Nổi tiếng nhất là trà thủy tiên của hiệu Phúc-Thái.

Hơn 60 năm sau, ký ức mãn khai nhất của một đêm ba mươi trong lòng bà ngoại vẫn không hề thay đổi. Khước từ hơi ấm của mùi hương đen lẫn mùi diêm sinh đang đì đẹt, mâm thủy tiên vẫn ngậm cười nửa miệng, nhất mực chờ trận đông-phong. Hoa cũng biết ý người, đợi ông bà trở dậy vào lối bốn giờ sáng, cùng uống trà thưởng hương trong bình minh hoan hỉ. Bà vẫn bảo, ướm thấy lòng muốn chơi hoa thì nên hiểu về hoa, nào là sen nở về trưa, nhài nở về đêm, còn thủy tiên nở về ban mai… Biết lúc hoa nở để biết lúc nào hương chín, ấy là trước khi nở độ hai khắc. Hương chín là chỉ thơm se sẽ chứ không thơm quá, thoang thoảng mà sắc nét, vô cùng thật thà. Được gọi là mùi hương khó nắm bắt nhất trong các mùi hương, cũng vì thủy tiên có kiểu thơm khó hiểu, dẫu từng gặp gỡ đều có chút nghi ngờ khi gặp lại. Cũng gọi là ngát đấy nhưng rất thanh kỳ, vừa hiển hiện vừa biến mất, mơ hồ mà mồn một. Tinh khôi ma mị thế, nên người chơi cứ hay bị đượm lòng, bảo sao...

Thủy tiên vắng bóng gần như suốt thời bao cấp, nên ngoài chợ Giời không chỉ lăn lóc bát đĩa mạ vàng, mà những bát gốm kiểu những cốc pha lê chuyên đựng thủy tiên cũng bày la liệt... Truân chuyên là thế, vậy mà chỉ bẵng đi một độ, thủy tiên lại về được Thủ đô bằng cách nào đó, qua tay những người buôn thuốc bắc. Dấm dúi chia nhau trong gió mùa, rồi cái chậu dưới gậm giường sẽ được lôi ra mỗi tối, cả một trời mãn nguyện dưới ánh đèn dầu. Đến một ngày thủy tiên cũng bắt đầu hàm tiếu, tức là nụ đổi dần từ xanh sang trắng, và ngóc lên. Từng giò sẽ được bọc nhẹ trong giấy năm hào hai, và cả bát được gói giấy báo, cất vào tủ lạnh Saratov chờ ngày tống cựu nghinh tân.

Đêm ba mươi năm 1983, tôi đã gặp khoảnh khắc giàu có nhất của đời mình. Đợi ba mẹ gỡ hết lớp báo lồng phồng, hai chị em cùng lọng cọng bê thủy tiên ra mâm cúng giao thừa, sợ tuột tay nên run không tả nổi. Làn hương vốn bị nhốt kín, nay ùa ra phưng phức như được thể. Bát hoa kín đặc những cánh muốt như sứ, nhụy vàng như tơ, những chiếc lá thuôn dài như lá địa lan, tất thảy cứ ngời ngợi trên lớp mache màu xác pháo. Bởi trồng thiếu sáng, các cuống lá vốn màu ngọc lục bảo đã bị úa vàng, vậy mà chiếc vẫn cuộn lại, chiếc vẫn cong mình, chiếc vẫn ưỡn thẳng... với sự kiêu hãnh diễm lệ của một kiệt tác. Với một cô bé mà buổi trưa còn xách gạo đi đổi bún, thì được thưởng ngoạn vẻ đài các ấy là thứ cảm xúc mà không châu báu gì có thể mua được. Chắc bị gì nên lúc ấy tôi mới nghiêng đầu lí nhí "cảm ơn ạ" - với bát thủy tiên, làm ba mẹ vừa khóc vừa cười, ôm hai chị em vào lòng.

Cảm ơn thủy tiên của tháng ngày dâu bể ấy,
đã vì một cô gái
chín tuổi, mà nở hoa!

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Phố Hàng Buồm - Không gian di sản giữa lòng thành phố sáng tạo
    Nằm trong lòng khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Buồm không chỉ là nơi lưu giữ những di sản quý giá của Thăng Long xưa mà còn là minh chứng sinh động cho sự hòa quyện giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch trong bối cảnh thành phố đang vươn mình trở thành đô thị sáng tạo. Giữa dòng chảy hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng, Hàng Buồm trở thành một mô hình điển hình cho việc phát huy giá trị di sản để hướng tới phát triển bền vững, vừa gìn giữ cốt cách văn hóa, vừa mở ra những trải nghiệm độc đáo cho khách du lịch.
  • Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài
    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.
  • Tự hào Hoàn Kiếm - Nối mạch nguồn xưa, tri ân và tiếp bước
    Tối 13/6/2025, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức chương trình “Tự hào Hoàn Kiếm – Nối mạch truyền thống, tri ân và tiếp bước” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm), nhân kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập quận. Sự kiện nhằm tri ân các tổ chức, cá nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
  • Bách hóa Tổng hợp Hà Nội - Ký ức một thời
    Mỗi lần có dịp qua phố Tràng Tiền, ngắm nhìn tòa nhà Tràng Tiền Plaza lộng lẫy, trong tôi lại tràn về những hoài niệm một thời xa xưa - khi nơi đây còn là Bách hóa Tổng hợp. Vẫn con phố ấy, góc quen ấy mà không gian giờ đã đổi thay.
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Phục dựng nghi lễ tế Đinh tại đền Đức Thánh Cả
    Ngày 9/3/2025, nghi lễ tế Đinh đã điễn ra tại đền Đức Thánh Cả, thôn Hữu Vĩnh, xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Việc phục dựng nghi lễ là một phần trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Vở kịch “Đối mặt”: Thấm đượm lòng dũng cảm, sự hy sinh, tình yêu và nghị lực người chiến sĩ Công an
    Vở kịch “Đối mặt” (tác giả Trịnh Huyền, đạo diễn NSND Tuấn Hải) do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức biểu diễn tối 18/7 tại Rạp Công Nhân (số 42 Tràng Tiền, TP. Hà Nội) đã gây ấn tượng sâu sắc với người xem bởi sự chân thực, giàu cảm xúc và đầy tính nhân văn về những người chiến sĩ Công an dũng cảm, kiên cường.
  • Cùng Đỗ Quang Tuấn Hoàng khám phá “Ngàn năm trà Việt”
    Trong dòng chảy của đời sống văn hóa Việt, trà không chỉ là một thức uống quen thuộc mà còn là biểu tượng gắn liền với phong tục, nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Góp thêm một lát cắt sâu sắc vào bức tranh đó, nhà báo – nhà nghiên cứu Đỗ Quang Tuấn Hoàng vừa ra mắt công trình khảo cứu mới mang tên "Ngàn năm trà Việt", do Chibooks liên kết Nhà xuất bản Lao động phát hành tháng 7/2025. Cuốn sách là kết quả của hành trình nhiều năm miệt mài trải nghiệm, nghiên cứu, quan sát và ghi chép của tác giả.
  • Xây dựng môi trường văn hóa nhìn từ phong tục và hương ước
    Xây dựng môi trường văn hóa không phải là vấn đề mới đặt ra trong thời hiện đại mà đã được người Việt quan tâm từ rất sớm. Từ thời xa xưa, người Việt đã hình thành nên phong tục, tập quán vừa như luật lệ, vừa như đạo lý để điều chỉnh hành vi cộng đồng. Trên nền tảng đó, các làng xã dần hình thành hương ước - bước phát triển cao hơn, có tính chế tài và tổ chức rõ ràng. Cả phong tục lẫn hương ước, qua nhiều thế hệ đã góp phần định hình môi trường văn hóa truyền thống: kỷ cương, hài hòa, đậm đà bản sắc.
  • Hà Nội: Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7
    UBND Thành phố giao Sở Y tế tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là trẻ em; Sở Nội vụ kiểm tra các trung tâm xuất khẩu lao động, tuyển dụng người nước ngoài; Sở Du lịch kiểm tra cơ sở lưu trú, phát hiện hành vi lợi dụng du lịch để mua bán người...
  • 12 đội tranh tài tại vòng chung kết giải bóng đá 7 người vô địch quốc gia 2025
    Sáng 18.7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ bốc thăm và xếp lịch thi đấu vòng chung kết giải bóng đá 7 người vô địch Quốc gia - Bia Saigon Dragon Cup 2025 (VPL-S6).
Đừng bỏ lỡ
Cảm ơn ạ, thủy tiên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO