Cảm hứng về mùa thu Hà Nội: Thách thức từ sự quen thuộc

HNMCT| 29/10/2020 12:27

Ít có chủ đề về mùa nào lại có nhiều tác phẩm, được khai thác trở đi trở lại thành một nhịp riêng như mùa thu Hà Nội. Năm nào cũng vậy, cứ trời vào thu là khắp các sân khấu ca nhạc ở Thủ đô lại ngân lên giai điệu mùa. Điều này cũng đặt ra thách thức cho các nghệ sĩ trong việc làm mới một chủ đề đã quen.

Cảm hứng về mùa thu Hà Nội: Thách thức từ sự quen thuộc
Liveshow ca nhạc “Mùa thu cho em” của ca sĩ Quang Dũng vẫn “cháy” vé sau 2 lần tạm hoãn vì dịch Covid-19.

Thử nghiệm với “Trời biếc thu sang”

Nhà hát Tuổi trẻ vừa đưa ra thông tin làm nức lòng người yêu mùa thu Hà Nội, đó là một chương trình đậm chất thu, kết hợp cả thơ, ca, nhạc, họa mang tên “Trời biếc thu sang”, diễn ra vào tối 24-10. Chương trình được dàn dựng với ý tưởng một người họa sĩ lang thang tìm ký ức qua những vần thơ đã mất, những giai điệu đầy hoài niệm... ở thời khắc đất trời giao mùa cuối thu sang đông. Theo Nhà hát Tuổi trẻ, “Trời biếc thu sang” được dàn dựng theo hình thức Variety Show - một xu hướng biểu diễn của thế giới gần đây, trong đó, để chuyển tải một cốt truyện xuyên suốt, đạo diễn lựa chọn và kết hợp nhiều loại hình biểu diễn như múa, hát, kịch, xiếc... với kỹ thuật âm thanh, kỹ thuật hình ảnh hiện đại, đem đến trải nghiệm thưởng thức mới cho khán giả.

NSƯT Ngọc Ánh, Tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Trời biếc thu sang” sẽ mang đến cho khán giả trải nghiệm mới với sự kết nối của 20 tác phẩm thơ ca, múa, hội họa và âm nhạc qua các thời kỳ. Trong phần thơ, khán giả sẽ gặp lại những áng thơ tình bất hủ của nữ sĩ Xuân Quỳnh như: Trời trở rét, Thơ tình cuối mùa thu, Lại bắt đầu, Hoa cỏ may và Ngược lối thu sang của Bùi Kim Anh. Các bài thơ được ngân lên với tiết tấu hiện đại, được cộng hưởng nhờ múa đương đại và thêm ấn tượng với màn trình diễn hội họa ngay tại sân khấu. Đáng chú ý là tiểu phẩm kịch thơ có tính thử nghiệm - “mashup” 2 bài thơ làm 1 để trở thành một tác phẩm mới.

Phần ca khúc sẽ có những tác phẩm hay về mùa thu như: Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu (Phú Quang), Thu cạn (Giáng Son), bên cạnh đó là những ca khúc trẻ trung: Chỉ còn những mùa nhớ (Minh Min), Ngày chưa giông bão (Phan Mạnh Quỳnh), Chỉ là giấc mơ (Kim Ngọc), Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường)... Ngay cả với những ca khúc đã thành quen thuộc, ê kíp dàn dựng cũng quyết tâm làm mới. Chẳng hạn, ca sĩ Hà Lê mang đến những ca khúc như: Nhớ mùa thu Hà Nội, Mưa hồng, Hà Nội của tôi... theo phong cách đương đại mà anh đã làm rất thành công trong dự án “Trịnh Contemporary”...

Áp lực từ yêu cầu làm mới cảm xúc

Lướt qua một vài sân khấu của Thủ đô những ngày này sẽ có cảm giác chạm vào đâu cũng là đề tài mùa thu. Ca sĩ Quang Dũng vừa mang đến cho khán giả đêm nhạc “Mùa thu cho em” tại Nhà hát Star Galaxy vào ngày 10-10, ngày 20-10 lại cùng ca sĩ Thu Phương thực hiện live concert “Thu và tình yêu” tại Nhà hát Âu Cơ. Sau “Trời biếc thu sang” diễn ra vào tối 24-10 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, tối 7-11, Bằng Kiều và Lệ Quyên cũng song ca với chủ đề “Thu hát cho người”... tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô.

Sự trở đi trở lại của những đêm nhạc về mùa thu qua các năm đã tạo nên thói quen thưởng thức cho khán giả Thủ đô. Năm nay, mặc dù có sự e dè do lo ngại diễn biến bất thường của dịch Covid-19 song nhiều nghệ sĩ, đơn vị tổ chức vẫn quyết tâm duy trì món ăn tinh thần này cho khán giả. Có lẽ vì thế, khán giả đã dành rất nhiều ủng hộ cho nghệ sĩ. Chẳng hạn như với liveshow của Quang Dũng mang tên “Mùa thu cho em” diễn ra vào tối 10-10 vừa qua, theo đơn vị tổ chức Vạn Show, đây là một liveshow có thể gọi là kỷ lục với 2 lần phải tạm hoãn vì dịch mà vẫn “cháy” vé từ nửa tháng trước khi chương trình diễn ra.

Để đáp lại tình cảm của khán giả và cũng là yêu cầu khắt khe để tồn tại, các nghệ sĩ buộc phải tìm cách thể hiện mới, mang lại nguồn cảm xúc mới cho đề tài quen thuộc này. Sau thành công của liveshow “Mùa thu cho em”, đạo diễn Nguyễn Quang Huy chia sẻ: “Khi khán giả bỏ tiền ra mua vé với giá 2 triệu đồng, thậm chí lên đến 10 triệu đồng cho một đôi vé, khán giả công tâm có quyền phán xét, khen chê, bày tỏ quan điểm... Đây là sức nặng tâm lý cho các nhà tổ chức và sản xuất. Áp lực không chỉ liên quan tới vấn đề doanh số, mà cao hơn hết là mong mỏi hướng tới những chương trình tốt nhất để làm khán giả hài lòng”. Đó cũng là tinh thần chung của những người làm nghệ thuật, bởi càng là đề tài quen thì càng phải tạo ra những cảm xúc mới.

(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cảm hứng về mùa thu Hà Nội: Thách thức từ sự quen thuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO