Kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” của Quốc hội cho thấy, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ T.Ư đến cấp huyện trong giai đoạn này có xu hướng giảm, đặc biệt là trong giai đoạn 2014 - 2016 với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế. Năm 2014, cả nước có hơn 281.700 biên chế, thì sang đến 2017 chỉ còn hơn 269.000 biên chế. Tuy vậy, vẫn có 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc.
Bên cạnh đó, tình trạng “lạm phát” cấp Phó, dù đã có những chấn chỉnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi, từ các bộ, ngành đến địa phương vượt ngưỡng quy định. Tính đến thời điểm 31/12/2016, tại Bộ GTVT có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 Phó), Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 Phó); Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 Phó); Bộ Tài chính có một số vụ, đơn vị trực thuộc có số lượng Phó Vụ trưởng vượt quá quy định. Số lượng Phó Giám đốc Sở hoặc tương đương, Phó phòng cấp huyện ở một số địa phương vượt quá quy định của Chính phủ như: Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu...
Chờ quyết tâm mới
Không thể phủ nhận cố gắng của các cấp, các ngành trong thực hiện việc được cho là khó và nhạy cảm này. Tuy nhiên phải thẳng thắn thấy rằng, so với yêu cầu đặt ra còn rất nhiều hạn chế, tinh giản mới chỉ bước đầu đảm bảo về số lượng, trong khi mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn khá xa vời. Điều này thể hiện qua thống kê của Bộ Nội vụ, trong số hơn 24.000 người được tinh giản từ năm 2015 đến nay, có đến hơn 21.000 người nghỉ hưu trước tuổi. Như vậy, việc giảm đầu mối và giảm nhân sự thực hiện chưa hiệu quả, chưa loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém, không có năng lực. Thực tế có quá nhiều đơn vị gặp tình trạng một người làm việc “gánh” 2 - 3 người ngồi chơi. Sở dĩ có tình trạng càng giảm càng phình là do tình trạng nể nang, lợi ích nhóm nên vô cùng khó để cắt giảm.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhiều ĐB Quốc hội cũng bày tỏ sự sốt ruột khi mà kết quả tinh giản biên chế còn quá khiêm tốn so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) nói: Ai cũng thấy chủ trương, nghị quyết thì nhiều nhưng kết quả vẫn còn xa mong muốn, thậm chí có ý kiến cho rằng, càng giảm biên chế thì biên chế càng tăng. Nguyên nhân do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và đoàn thể về chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm biên chế còn chưa đầy đủ, toàn diện. Nhiều người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết tâm chính trị chưa cao dẫn đến việc tổ chức thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế thiếu đồng bộ, quyết liệt; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước thềm Kỳ họp thứ 4, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã bàn thảo kỹ lưỡng và ban hành 2 Nghị quyết quan trọng về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị” và “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập”. Những mục tiêu, giải pháp cụ thể đã được đưa ra, nhưng làm thế nào cho bộ máy thực sự tinh gọn, để đây không còn trở thành vấn đề “nóng” trên nghị trường bên cạnh bao nhiêu vấn đề quốc kế dân sinh khác, vẫn còn phải chờ quyết tâm của các cơ quan thực thi.