Ca sỹ Châu Việt Cường bị tuyên án 13 năm tù giam

Bảo Hân/HNM| 08/03/2019 16:19

Chiều 7-3, sau thời gian nghỉ nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo Nguyễn Việt Cường (SN 1978, quê Quảng Ninh) (tức ca sỹ Châu Việt Cường) 13 năm tù về tội "giết người".

Ca sỹ Châu Việt Cường bị tuyên án 13 năm tù giam
Bị cáo Nguyễn Việt Cường (phải ảnh) cùng bị cáo  Phạm Đức Thế tại phiên xét xử.

Phiên toà sơ thẩm bắt đầu từ sáng nay với nội dung xét hỏi. Cùng hầu tòa với Nguyễn Việt Cường còn có Phạm Đức Thế (SN 1981, quê Ninh Bình). Bị cáo Thế bị truy tố về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy".

Theo cáo buộc, rạng sáng ngày 5-3-2018, Nguyễn Việt Cường cùng Phạm Đức Thế, Đoàn Quý Nguyên (tức ca sĩ Nam Khang), Đỗ Phượng Anh (SN 1995, quê Sơn La) và Trần Mỹ Huyền (SN 1998) đến nhà Thế. Tại đây, cả nhóm dùng ma túy. Đến khoảng hơn 8h ngày 6-3-2018, cả Châu Việt Cường và chị Huyền đều có biểu hiện bị ảo giác do sử dụng ma túy. Cả hai ngồi nói chuyện, khóc lóc và vái lạy nhau.

Nghĩ chị Huyền bị ma nhập, cần dùng tỏi để đuổi ma, Cường cùng Thế và Phượng Anh chạy đi mua tỏi. Cường bốc một vốc tỏi loại nguyên củ chạy lên phòng, ném vào người chị. Thấy cô gái trẻ vẫn khóc, Cường tiếp tục nhặt tỏi cho vào miệng ăn và nhét một củ tỏi còn nguyên, chưa bóc, có kích thước (4,5x6 cm) vào trong khoang miệng chị Huyền cùng 33 nhánh tỏi khác, dẫn đến nạn nhân tử vong do bít tắc hoàn toàn đường hô hấp.

Trong giai đoạn điều tra vụ án, bà Nguyễn Thị Hường (SN 1971, ở Chương Mỹ, Hà Nội), đại diện gia đình nạn nhân yêu cầu ca sỹ Châu Việt Cường phải bồi thường các khoản tiền liên quan đến mai táng phí, tổn thất tinh thần... là 300 triệu đồng. Gia đình bị cáo đã bồi thường 100 triệu đồng, bà Hường tiếp tục yêu cầu bồi thường số tiền còn lại.

Trong chiều nay, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) công bố bản luận tội. Theo đó, hành vi của Nguyễn Việt Cường là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo đã nhận thức rõ nhưng liên tục cố ý nhét lượng lớn tỏi vào miệng chị Huyền, dẫn đến tử vong do ngạt cơ học, tắc toàn bộ đường hô hấp. Bị cáo nghiện ma tuý xuất phát từ lối sống buông thả và pháp luật không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp trên. 

Đại diện VKS cũng đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt vì nhân thân chưa có tiền án, tiền sự. Tại phiên toà, bị cáo khai nhận thành khẩn; gia đình bị cáo cũng đã bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình bị hại. 

Hành vi phạm tội của Phạm Đức Thế cũng được nhận định là nguy hiểm cho xã hội vì Thế là người trưởng thành, nhận thức pháp luật đầy đủ, hiểu biết tác hại của ma tuý nhưng vì ăn chơi đua đòi, lối sống buông thả, thiếu lành mạnh dẫn đến phạm tội. 

Cáo trạng của VKS  truy tố bị cáo Nguyễn Việt Cường về tội "giết người" và bị cáo Thế về tội "tàng trữ trái phép chất ma tuý" là hoàn toàn chính xác, đúng pháp luật.

Đại diện VKS  đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Việt Cường từ 13-14 năm tù giam và bị cáo Phạm Đức Thế từ 7-8 năm tù giam. 
Ca sỹ Châu Việt Cường bị tuyên án 13 năm tù giam
Di ảnh của nạn nhân được đưa tới tòa.

Được tự bào chữa cho bản thân, Bị cáo Thế nêu ngắn gọn đã nhận thức hành vi phạm tội của mình là hoàn toàn sai trái và mong HĐXX được giảm nhẹ mức án. 

Bị cáo Nguyễn Việt Cường trình bày dài hơn, nhiều lần bày tỏ sự ăn năn, hối cải và "ngàn lần xin lỗi" gia đình chị Huyền bởi những mất mát của gia đình chị là không gì bù đắp. 

"Bị cáo tin vào phán quyết của HĐXX và chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật vì bị cáo nhận thức rõ ràng mình là người của công chúng, dù không đình đám nhưng đó là nghề kiếm sống. Bị cáo có công ăn việc làm đoàng hoàng chứ không phải thành phần tệ nạn hay bất hảo. Bị cáo ăn năn hối hận, mong được HĐXX xem xét toàn diện nhân thân để có bản án đúng người đúng tội" - Bị cáo Cường trình bày. 

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đề nghị HĐXX xem xét đúng hành vi phạm tội của bị cáo Cường để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. 

Theo luật sư, Viện kiểm sát truy tố bị cáo Cường theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự là không có căn cứ bởi chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn cho rằng bị cáo mất khả năng hay hạn chế về nhận thức. Đối với những vụ án như vậy phải xử lý theo khoản 1 Điều 123 với tính chất côn đồ, vô cớ giết người. Luật sư đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ vụ án để trưng cầu giám định tâm thần của bị cáo có bị hạn chế hay không và xem xét tránh bỏ lọt tội "tổ chức sử dụng trái phép ma tuý" của bị cáo. 

Bày tỏ quan điểm với phần bào chữa của các luật sư, đại diện VKS cho rằng hành vi liên tục dùng tỏi nhét vào miệng của bị hại dẫn đến ngạt, tử vong của Nguyễn Việt Cường là cố ý chứ không thể là vô ý. Tuy nhiên, mục đích của bị cáo khi thực hiện hành vi này là "trừ tà" chứ không phải để cướp đi sinh mạng bị cáo nên VKS đã truy tố theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Được quyền tự tranh luận, bào chữa cho bản thân, bị cáo Nguyễn Việt Cường nêu, nhận thức của bị cáo là lấy tỏi trừ tà. Ban đầu bị cáo rắc tỏi xung quanh nhà và ném tỏi vào người chị Huyền nhưng khi thấy chị vẫn khóc lóc, kêu cứu nên nghĩ phải cho ăn tỏi thì chị mới khỏi. Bản thân bị cáo cũng đã ăn nhiều tỏi và phải nằm viện sau đó 4 ngày. 

Kết thúc tranh luận, được nói lời cuối cùng, bị cáo Nguyễn Việt Cường mong muốn HĐXX xem xét lại bản chất vụ án, cho bị cáo bản án thích đáng để bị cáo làm lại cuộc đời, phụng dưỡng mẹ già, nuôi con nhỏ, cũng như mong nhận được sự tha thứ của gia đình chị Huyền.

Sau thời gian nghỉ nghị án, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Nguyễn Việt Cường là nguy hiểm cho xã hội, có đủ dấu hiệu kết luận phạm tội "giết người" quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự. 

Từ tính chất mức độ phạm tội, HĐXX áp dụng hình phạt nghiêm khắc, tuyên bị cáo Nguyễn Việt Cường 13 năm tù về tội "giết người"; bị cáo Phạm Đức Thế 7 năm tù về tội "tàng trữ trái phép chất ma tuý".
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Ca sỹ Châu Việt Cường bị tuyên án 13 năm tù giam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO