Bùi ngùi khói bếp ngày xưa

Đinh Hạ| 15/10/2020 14:09

Bùi ngùi khói bếp ngày xưa

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

(Bếp lửa - Bằng Việt)

Cứ mỗi lần dạy cho học sinh bài thơ này, lòng tôi lại không khỏi bùi ngùi thương mùi khói bếp ngày xưa. Hình ảnh của bà, của mẹ của bếp quê hiện lên gần gũi, thân thương gợi nhắc cả một thời gian khó. Thường là thế, kỷ niệm hiện về từ quá khứ rất xa lại có sức ám ảnh rất lớn, có khi thao thiết cả đời người.

Cũng như bếp lửa bập bùng dưới mái nhà tranh, kí ức cũng khi mờ khi tỏ lúc da diết bâng khuâng, lúc xót xa thương mến. Mùi khói bếp ngày xưa ngỡ như đang cay xè nơi sống mũi về một thời vất vả của mẹ cha, của gia đình, nhất là những khi tháng ba ngày tám.

Bếp lửa, nơi gian nhà tranh bốn bức vách bám đầy bồ hóng, nơi kiềng ba chân luôn đặt phía hướng Tây đỏ rực than hồng, mẹ kể chuyện Táo quân để nhắc nhở con về lẽ sống nghĩa tình chung thủy. Có phải vì thế mà đã sớm chiều nhen nhóm ngọn lửa tình yêu để mẹ chờ cha năm tháng dài đằng đẵng chiến chinh. Nơi góc bếp là bồ trấu, là đống củi bên cạnh những nồi niêu xoong chảo, cái chạn bát đĩa, cái mươn cơm rồi thúng, mủng, dần, sàng là cả gia tài mẹ tần tảo gánh “giang sơn” nhà chồng. 

Bếp lửa, nơi mẹ lui cui từ tờ mờ sáng để chuẩn bị bữa ăn cho cha kịp ra đồng cày nốt ruộng ải, cho con kịp theo tiếng gọi của bạn đến trường. Ánh lửa chờn vờn trong sương sớm gợi nhắc con điều giản dị đơn sơ về hạnh phúc gia đình. Người xưa bảo: “Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp” để rồi chợt thương nhà ai bếp lửa quạnh quẽ khói vờn. 

Thì có gì đâu ngoài nồi cơm độn khoai, rổ rau luộc, nồi cá kho, xoong cám lợn... mà mẹ tất tả từ sớm đến khuya. Ta nhớ những ngày mùa đông rét tái tê từ những cơn gió mùa Đông Bắc - thuở áo quần chưa đủ để giữ ấm, chưa đủ đầy chăn ấm nệm êm thì bếp lửa là nơi sưởi ấm cho cả gia đình. Thuở trẻ con chưa bị mê hoặc bởi công nghệ 4.0 thì bếp lửa là nơi sinh ra những ngày xửa ngày xưa. Những câu chuyện cổ tích men theo miền kí ức làm sống dậy cả một thời thơ dại. Những củ khoai, bắp ngô nướng nhem nhuốc tro than mà ngỡ như ngon hơn cả sơn hào hải vị, để rồi cho ai đó khi lập nghiệp xứ người hay vời vợi quê chồng không nguôi nhớ về. Ngọn khói lam chiều vấn vít nơi chái bếp nhà mẹ trở thành ngọn hải đăng dẫn lối yêu thương.

Để giữ cho mái nhà bập bùng ánh lửa, chị ta đã miệt mài ngày tháng lên mãi Nhà Đũa, Động Mồng Gà hay nơi nào xa lắm để chặt về. Những bó củi khô đầy đặn, ngay ngắn xếp dài ngoài bờ rào trở thành biểu tượng cho sự đảm đang tháo vát của thiếu nữ thôn quê. Để giữ cho nhà mình ấm cúng là một nắng hai sương của cha với đồng Dòng, đồng Búng, Mạ Lốc trở trăn cùng hạt lúa củ khoai. Mẹ vun quén, lo toan để bữa ăn được tràn ngập tiếng cười...

Bếp lửa đâu chỉ đơn giản là nơi chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình mà trở thành linh hồn của ngôi nhà, thành biểu tượng của làng quê Việt. Bây giờ, cuộc sống càng hiện đại, những mái nhà tranh, những bếp củi xưa cũ đã được thay thế bằng bếp gas, bếp điện. Sự nấu nướng cũng không còn vất vả như trước nữa. Cuộc đời của người phụ nữ cũng đâu chỉ quanh quẩn bên chái bếp sau lũy tre làng. Vậy mà lòng ta sao vẫn cứ không nguôi nhớ về căn bếp ẩm thấp đầy tro trấu. Ta chợt nhớ chiều mùa đông nào lùa trâu về tới ngõ, nghe mùi thơm lừng của nồi cá Thửng (Mối) kho để biết tết sắp về. Nhớ những đêm cuối năm được ngồi thức cùng cha canh nồi bánh chưng. Nhớ cả tiếng râm ran chuyện trò quây quần của cả nhà đông vui bên bếp lửa...

Nhớ để rồi nhận ra rằng bếp lửa đâu chỉ được nhen nhóm từ rạ rơm, củi gộc... nhiên liệu bên ngoài; mà nó còn được nhen bằng cả tấm lòng của người giữ lửa và truyền lửa. Để rồi có khi nào trong mùi khói cay xè hoài niệm, trong chập chờn ánh lửa, lòng chợt bâng khuâng tự hỏi: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?!”
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Bùi ngùi khói bếp ngày xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO