Bền bỉ sáng tạo

Phạm Hồng Thinh| 10/08/2017 11:24

Hơn 30 năm gắn bó với những chú Tễu, cô tiên… là hơn 30 năm đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long không ngừng bền bỉ sáng tạo cùng nghệ thuật múa rối. Vì thế, anh đã chèo lái thành công con thuyền nhà hát vừa đạt kỷ lục châu Á về số buổi đỏ đèn trong cả năm, vừa liên tục có những tác phẩm làm nức lòng bao người yêu nghệ thuật múa rối hôm nay…

Đau đáu từ những đam mê

Không phải ngẫu nhiên bao năm qua, đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn nổi danh trong nghề và có cả bộ sưu tập huy chương đủ vàng, bạc (vở diễn), giải xuất sắc (đạo diễn) tại các liên hoan trong nước và quốc tế. Đấy là cả hành trình đam mê của người nghệ sĩ lúc nào cũng đau đáu: mình đã làm được gì để đóng góp cho nghệ thuật múa rối hôm nay?

Bền bỉ sáng tạo
Vở rối cạn kết hợp rối nước Huyền thoại Tiên Rồng
Lúc còn là diễn viên biểu diễn trực tiếp, NSND Hoàng Tuấn luôn khiến bạn bè, đồng nghiệp nể phục vì anh không ngần ngại trước bất cứ nhiệm vụ nào. Còn nhớ những năm cuối của thế kỷ XX, giống như nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc khác, múa rối cũng rơi vào thăng trầm. Mặc bạn diễn bỏ nghề hay rẽ ngang, Hoàng Tuấn vẫn xây đắp niềm tin vào tương lai của múa rối khi là một trong những nhân tố hăng hái tham gia vào cuộc “cách mạng” tìm đường cho rối nước phát triển của nhà hát lúc bấy giờ. Không chỉ sáng tạo trong từng trò diễn mà trong những đêm đông buốt giá, anh vẫn cùng đồng nghiệp ngâm mình dưới nước biểu diễn phục vụ du khách. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng múa rối nước được cất cánh, bay cao, bay xa đến những vùng đất mới… Địa chỉ 57B Đinh Tiên Hoàng dần dần trở thành địa chỉ đỏ nườm nượp khách du lịch ghé qua thưởng thức các trò diễn cổ của nghệ thuật rối nước độc đáo của Việt Nam.

Đặt chân sang lĩnh vực đạo diễn (2003), tài năng của Hoàng Tuấn càng nở rộ. Không dừng lại ở một trò diễn, Hoàng Tuấn đã ghi danh khi phát triển và xây dựng thành công hàng loạt những vở diễn rối cạn, rối nước. Anh đã từng khiến khán giả thích thú và ngạc nhiên khi mạnh dạn mở tung không gian biểu diễn truyền thống và “khoe” sự kết hợp đầy tài tình giữa rối và người, rối cạn và rối nước trong các vở diễn như “Tấm Cám”, “Nàng Hến”, “Huyền thoại Tiên – Rồng”… Khi đó, những câu chuyện truyền thuyết, dân gian được khoác thêm tấm áo mới lung linh khiến khán giả không ngớt lời trầm trồ, thán phục.

Tiếp đến những vở rối nước như “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”, “Bay lên từ mặt nước”, đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn đã liên tục kết hợp thành công giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Vẫn là trò cổ “Bát tiên”, nhưng những cô tiên trong vở diễn “Linh thiêng hai tiếng đồng bào” mang màu sắc, dáng vẻ tươi mới, hiện đại. Vẫn là chú Tễu giáo đầu quen thuộc ra khai màn đêm diễn nhưng chú Tễu trong “Bay lên từ mặt nước” lại mặc comple, thắt ca – la – vát ra chào khán giả… Có thể thấy, những sáng tạo này mang đầy tính phá cách, dễ gây tranh cãi. Thế nhưng, với đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn thì đã làm nghệ thuật thì phải mạnh dạn sáng tạo, kể cả có thất bại thì cũng chấp nhận để sau đó còn làm tốt hơn. Và, gần như các vở diễn mang nhiều tính cách tân của anh cũng như các cộng sự đã gặt hái nhiều thành công. Chẳng hạn như vở rối cạn kết hợp rối nước “Huyền thoại Tiên Rồng” đã giành huy chương Bạc cho vở diễn; giải đạo diễn, âm nhạc, họa sĩ tạo hình xuất sắc… tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ nhất tại Hà Nội năm 2008. Vở rối nước “Linh thiêng hai tiếng đồng bào” giành huy chương Vàng cho vở diễn tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III tại Hà Nội năm 2012. Vở rối nước “Bay lên từ mặt nước” giành huy chương Bạc cho vở diễn, huy chương Vàng cá nhân tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ IV năm 2015. 

Bền bỉ sáng tạo
Vở rối nước Linh thiêng hai tiếng đồng bào do đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn đạo diễn, giành huy chương Vàng Liên hoan Múa rối quốc tế lần III năm 2012
Tinh thần sáng tạo này của anh cũng luôn được truyền lửa đến các nghệ sĩ của nhà hát. Hầu hết các tiết mục, vở diễn của nhà hát, anh đều tham dự, góp ý. Nhưng, gần như anh không thị phạm trực tiếp mà chỉ gợi mở, khích lệ nghệ sĩ tìm tòi cách thể hiện sao cho mới lạ, kể cả chỉ cần một câu nói, một động tác cũng không được để giống nhau… 

Ngoài ra, đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn còn mạnh dạn thành lập dàn nhạc riêng cho nhà hát, thay hoàn toàn kiểu biểu diễn trên nền nhạc được bật băng thu âm sẵn. Cái lý mà anh đưa ra là, tại sao cùng với rối nước không tranh thủ khoe cả vốn âm nhạc cổ truyền rất độc đáo của cha ông với bạn bè quốc tế? Mà, dù chỉ là vị trí thứ yếu nhưng dàn nhạc của nhà hát cũng “đình đám” không kém cạnh dàn nhạc dân tộc nào khi mới đây “rinh” giải Vàng tại Liên hoan nhạc cụ dân tộc toàn quốc…

Với suy nghĩ đầy tâm huyết, đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn chia sẻ: “Vốn cha ông để lại cho chúng ta vô cùng phong phú và quý giá. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta ỷ lại, chỉ biết biểu diễn những gì có sẵn. Chúng ta cần kế thừa, phát triển từ vốn cổ ấy, một việc làm không chỉ là trách nhiệm mà còn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay… thì mới có thể tồn tại.” 

Sớm hôm “bám” nhà hát

Nghe đạo diễn, NSND hẹn gặp lúc 8 giờ sáng, tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, tôi khá ngạc nhiên. Bởi lẽ, thường thì ai cũng nghĩ, văn nghệ sĩ bắt đầu công việc mỗi ngày khá muộn do đặc thù công việc. Nhưng, với đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn, ngày nào anh cũng có mặt ở cơ quan từ 7h30 để giải quyết các công việc thủ tục hành chính, nội bộ, sau đó vẫn có thể tham gia công tác chuyên môn một cách sát sao.

Nói về nhiệm vụ quản lý nhà hát, từ phó giám đốc đến giám đốc, mà anh đảm nhiệm trong suốt 14 năm qua, đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn bảo rằng đây là nhiệm vụ “cực chẳng đã” anh phải làm. Cũng vì, anh vốn là nghệ sĩ biểu diễn, suốt ngày say sưa với những trò diễn. Trong khi đó, công tác quản lý một nhà hát đâu có dễ khi không chỉ là quản lý về chuyên môn mà còn quản lý về hành chính, nội bộ… Đặc biệt là quản lý về tài chính kế toán, một công việc anh chưa bao giờ biết đến. “Nhưng có cái may là bà xã nhà tôi làm kế toán nên tôi về “học hỏi” bà xã rất nhiều. Thêm nữa, bà xã còn tình nguyện nghỉ hưu sớm, lo việc gia đình để tôi toàn tâm, toàn ý hơn cho mọi công việc của nhà hát. Mọi công việc dần dần vào guồng khá tốt. Nhiều lúc ngoảnh nhìn lại, chính tôi cũng không tin được vì sao mình lại có thể đảm nhiệm được việc “trái tay” này” – Đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn chia sẻ.

Quả vậy, kể từ khi anh đảm trách là “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền nhà hát, từ năm 2009 đến nay Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn luôn giữ vững là đơn vị nghệ thuật tự chủ không chỉ góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát triển và quảng bá văn hóa dân tộc đến nhiều nước trên thế giới mà còn đảm bảo được đời sống của cán bộ, nghệ sĩ. Không chỉ vậy, số suất diễn của Nhà hát liên tục tăng lên và năm 2013 đã được tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận là "Nhà hát duy nhất của châu Á biểu diễn rối nước suốt 365 ngày trong năm". Theo đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn, đấy là niềm vinh dự của tập thể cán bộ, nghệ sĩ nhà hát khi đã nỗ lực hết mình cống hiến cho nghệ thuật.

Bên cạnh đó, đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn còn là một nhà quản lý rất tâm lý. Nhiều cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ rằng, dù suất diễn khá dày trong cả năm song cán bộ, nghệ sĩ vẫn được đảm bảo về chế độ nghỉ ngơi, đảm bảo đời sống thậm chí còn hạn chế những nguy cơ hôn nhân tan vỡ. Để cân bằng được những lợi ích đó cho cán bộ, nghệ sĩ, cách làm của đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn là thu hút thêm nhân lực, đưa tổng số cán bộ, diễn viên nhà hát từ 40- 45 người lên 100 người. Diễn viên được chia thành 3 tổ biểu diễn luân phiên, nghỉ 2 ngày diễn 1 ngày. Ngoài ra, ông giám đốc này còn tích cực khuyến khích, hỗ trợ cả về kinh phí cán bộ, nghệ sĩ tham gia các chương trình đào tạo để nâng cao trình độ. Đến giờ, nhà hát có đến hơn 80% cán bộ, nghệ sĩ đạt trình độ đại học, có đến gần 10 người có trình độ Thạc sĩ. “Ai cũng là con người, ngoài nhu cầu tài chính thì còn có nhiều nhu cầu khác, đặc biệt là nhu cầu về đời sống tinh thần. Tôi quản lý nhân sự của mình bằng những suy nghĩ rất đơn giản ấy.” – Đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn giản dị nói.

Cuối tháng 8 này, đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Với anh, đấy là việc thuận theo tự nhiên, có thể ban đầu hơi xao động nhưng ngay sau đó anh sẽ lại cuốn vào nghệ thuật khi đang có nhiều đơn vị mong muốn anh đến cộng tác cùng… 
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bền bỉ sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO