Báo chí dồng hành cùng phát triển văn hóa doanh nghiệp

Minh Lý - Lệ Quyên| 27/06/2019 10:10

Ở bất cứ giai đoạn nào báo chí cũng luôn có vai trò quan trọng là song hành trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Báo chí và doanh nghiệp luôn có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau. Vậy vai trò của báo chí được thể hiện như thế nào trong việc xây dựng, thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và văn hóa của doanh nghiệp? Nhân ngày 21/6, báo Người Hà Nội xin chuyển tới bạn đọc những chia sẻ của một số doanh nhân hiện đang là những người đứng đầu, điều hành tại các doanh nghiệp về vấn đề này.

Báo chí  dồng hành cùng phát triển văn hóa doanh nghiệp
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme):

Yêu cầu tất yếu để phát triển thương hiệu bền vững

Trong một doanh nghiệp, bất kể có quy mô lớn hay nhỏ đều là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội… Chính sự khác nhau này tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, buộc các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải liên tục tìm tòi những cái mới, sáng tạo và thay đổi cho phù hợp với thực tế. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp trở thành nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, làm gia tăng nhiều lần giá trị của từng nguồn lực con người đơn lẻ, góp phần vào sự phát triển bền vững.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp còn là một yêu cầu tất yếu của chính sách phát triển thương hiệu vì thông qua hình ảnh văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Thương hiệu mang lại giá trị cho doanh nghiệp như việc thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, được khách hàng tín nhiệm, từ đó phát triển sản xuất kinh doanh.

Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì khó đứng vững được.Văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở văn hóa kinh doanh. Văn hóa kinh doanh trong một tổ chức đã tiến đến mức độ cao nhất, trở thành một thứ Đạo, mà từ thế hệ này tới thế hệ khác tôn sùng và làm theo.  

Một tổ chức như Hanoisme muốn tất cả nhân viên của mình đều làm việc đúng giờ. Ban đầu có thể sẽ có một số người phản đối. Các biện pháp khuyến khích, ép buộc được thực hiện một cách thích hợp sẽ tạo ra một nề nếp (mặc dù có đôi chút ép buộc). Cho đến khi nó trở thành phản xạ tự nhiên và mọi người cảm thấy hãnh diện vì điều đó. Lúc đó giá trị này đã trở thành ngầm định. Các nhân viên mới vào doanh nghiệp cũng thấy ngay phong cách làm việc đúng giờ, hòa mình theo để thể hiện mình là thành viên của Hanoisme.

Tác phong làm việc trong Hanoisme là chủ động tự giác có trách nhiệm với công việc được giao, luôn sáng tạo và học hỏi nhằm nâng cao trình độ cho mỗi thành viên của Hanoisme.

Báo chí  dồng hành cùng phát triển văn hóa doanh nghiệp

Bà Bùi Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà:

Đoàn kết sẽ góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh thần kỳ

Bánh kẹo Hải Hà một trong những thương hiệu nổi tiếng “vang bóng một thời” trong ngành bánh kẹo Việt Nam, đặc biệt là thị trường bánh kẹo phía Bắc. Thương hiệu này đã khẳng định chỗ đứng hàng đầu trên thị trường. Trong suốt 18 năm (từ 1997 – 2015), Bánh kẹo Hải Hà liên tục được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, đặc biệt một số sản phẩm của Bánh kẹo Hải Hà đã đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt như kẹo sữa dừa, kẹo chew, kẹo chip…


Những năm gần đây, Bánh kẹo Hải Hà tiếp tục thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của một thương hiệu có bề dày truyền thống. Đáng chú ý, năm 2018, Công ty bứt phá ngoạn mục với doanh thu lên đến 16%, lợi nhuận tăng 23% (lần đầu tiên doanh thu của Bánh kẹo Hải Hà cán mốc nghìn tỉ sau 14 năm cổ phần hóa).


Để đạt được những thành quả này đó là nhờ công sức và sự phấn đấu bền bỉ của cả một tập thể đoàn kết. Chính sự liên kết của từng cá nhân, giữa các bộ phận và hơn thế nữa là sự đồng thuận, đồng tâm từ trên xuống dưới đã tạo nên  sức mạnh thần kỳ giúp doanh nghiệp có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đi đến thành công. Đây cũng được coi là kim chỉ nam, là nền tảng và giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp mà Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà sẽ chú trọng xây dựng và phát triển trong thời gian tới.


Trong quá trình hình thành, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, người lãnh đạo có vai trò quan trọng và quyết định nền văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp phản ánh cách sống của người lãnh đạo, nói cách khác cách sống của lãnh đạo như thế nào thì ảnh hưởng đến toàn bộ đặc trưng văn hóa doanh nghiệp thế ấy.


Văn hóa doanh nghiệp còn là văn hóa kinh doanh, ứng xử trong kinh doanh. Văn hóa kinh doanh của Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà là không được phép bằng lòng, tự mãn với những gì mình đang có, làm như thế đã tốt rồi nhưng cần phải làm tốt hơn nữa. Phải thường xuyên cải cách, có chính sách hậu mãi tốt, quan tâm nhiều hơn nữa đến quyền lợi chính đáng của nhiều tiêu dùng, của khách hàng, của đối tác. Bởi điều này sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Báo chí  dồng hành cùng phát triển văn hóa doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom):

Báo chí chính là bạn đồng hành tin cậy của doanh nghiệp

Báo chí là kênh thông tin đại chúng, có sức lan tỏa nhanh và đáng tin cậy. Trong khi đó, thương hiệu chính là tài sản vô hình to lớn của doanh nghiệp. Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề hội nhập kinh tế toàn cầu, vấn đề truyền thông, xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu chính là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Rất may mắn, báo chí chính là bạn đồng hành tin cậy của doanh nghiệp trong vấn đề này.

Báo chí chính là cầu nối giúp doanh nghiệp có những thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh; quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hay tìm kiếm những cơ hội hợp tác, đầu tư mới. Đồng thời báo chí cũng động viên khích lệ thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp, người lao động, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, phê phán những trở ngại, “rào chắn” đối với quá trình sản xuất, kinh doanh. Hơn thế, trong nhiều trường hợp, báo chí chí còn “cứu nguy”, “gỡ thế khó” và giúp doanh nghiệp lấy lại hình ảnh đôi khi vì lý do nào đó bị sai lệch trong mắt người tiêu dùng.

Văn hóa doanh nghiệp được coi là tài sản tinh thần, là “phần hồn” giúp tạo dựng thương hiệu, bản sắc, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tiêu chí đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Nhờ có báo chí những nét đẹp trong văn hóa của doanh nghiệp được lan tỏa, nhiều điển hình tiên tiến được nêu gương, khó khăn của doanh nghiệp cũng kịp thời được phản ánh. Nhiều doanh nghiệp đã thành lập các phòng ban đối ngoại và giữ liên hệ thường xuyên với báo chí để cung cấp thông tin của mình. Nhờ sự phản ánh của báo chí, doanh nghiệp cũng nhìn thấy những điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát huy, tính tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và xã hội.

Nhiều năm qua, báo chí luôn làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với cộng đồng xã hội trong và ngoài nước. Doanh nghiệp luôn trân trọng những đóng góp, đồng hành của báo chí trên mọi chặng đường phát triển. Tuy nhiên, báo chí cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn chia sẻ với doan nghiệp về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy sáng tạo; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt, đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Báo chí  dồng hành cùng phát triển văn hóa doanh nghiệp

Bà Trần Thị Thu Hiền – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phân phối DTJ:

Báo chí giúp doanh nghiệp phát triển và định vị thương hiệu

Trước tiên phải khẳng định rằng báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp phát triển và định vị thương hiệu. Tôi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thị trường có nhiều lúc biến động, điều đó làm cho khách hàng và dối tác lo lắng. Lúc này báo chí chính là “ cứu cánh’ của chúng tôi khi đưa ra những phân tích, những thông tin xác thực làm yên lòng khách hàng và các nhà đầu tư. Không những thế, báo chí còn có tính phát hiện, giúp doanh nghiệp phát hiện được hêt tiềm năng của mình và xu thế phát triển. Bên cạnh đó còn giúp doanh nghiệp xây dựng được chiến lược trung hạn và dài hạn.

Thông qua sự tương tác giữa doanh nghiệp và báo chí giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường và thị hiếu cũng như tâm tư, nguyện vọng của khách hàng để từ đó tạo ra được những sản phẩm phù hợp nhất. Thông qua trao đổi, chia sẻ với báo chí doanh nghiệp đưa được thông điệp của mình ra bên ngoài. Cũng nhờ sự dõi theo của báo chí mà doanh nghiệp tự hiệu chỉnh được hành động và hình ảnh của mình một cách tích cực nhất. Nó giống như một sự tự cam kết giúp doanh nghiệp thực hiện đúng với tôn chỉ mục đích của mình. Từ đó tạo được niềm tin và làm cho khách hàng hiểu hơn về doanh nghiệp. Không những thế báo chí còn là kênh thông tin vô cùng quan trọng trong việc chuyển tải thông điệp của Chính phủ tới doanh nghiêp.

Một điều nữa là báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa của doanh nghiệp. Bằng cách đăng tải những nét đẹp văn hóa, những tấm gương điển hình, báo chí góp phần lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, bài trừ được những thói hư, tật xấu, những ứng xử chưa chuẩn mực, giúp cho doanh nghiệp xây dựng được nét văn hóa riêng đặc sắc, góp phần thúc đẩy và khẳng định được thương hiệu của mình. Mong rằng, trong thời gian tới báo chí tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đăng tải những thông tin chính xác, kịp thời để giúp doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong hoạt động kinh doanh và trong xây dựng văn hóa.

Báo chí  dồng hành cùng phát triển văn hóa doanh nghiệp

Ông Triệu Văn Dương – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Trường doanh nhân PTI:

Kênh truyền thông quan trọng trong quảng bá, nhận diện thương hiệu

Theo tôi, báo chí đã và đang là một phần quan trọng không thể thiếu trong quá trình xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Báo chí là kênh truyền thông quan trọng trong quảng bá, nhận diện thương hiệu, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn khi đưa sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh của doanh nghiệp đến với công chúng. Mặt khác, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, Chính phủ. Những khó khăn trong quá trình phát triển thương hiệu cạnh tranh của các doanh nghiệp được báo chí phản ánh rất đậm nét, từ đó tạo tiền đề, cơ sở để Chính phủ có những chính sách, biện pháp dần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Có thể nói, một phần văn hóa doanh nghiệp được hình thành và tồn tại thông qua việc sử dụng báo chí. Báo chí là kênh thông tin tuyên truyền hữu hiệu để xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp, có giá trị bền vững và tạo ra điểm nhấn khác biệt cho các doanh nghiệp. Nhiều tin, bài tuyên truyền về nét đẹp văn hóa doanh nghiệp đã tác động tích cực và làm lan tỏa văn hóa ứng xử chuẩn mực không chỉ trong công việc thường ngày mà còn trong cả đời sống sinh hoạt của tất cả mọi người. Báo chí góp phần giúp nhân viên hiểu hơn về các giá trị cốt lõi, văn hóa của doanh nghiệp mình, từ đó có thể đưa ra các ứng xử, quyết định đúng đắn, phù hợp trong quá trình làm việc. Điều này giúp ích rất lớn cho ban lãnh đạo, nhà quản lý trong công tác điều hành, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Để giúp doanh nghiệp phát triển, báo chí cần tạo ra các kênh đối thoại thẳng thắn để doanh nghiệp minh bạch hóa các thông tin sai lệch, bất lợi trên mạng xã hội. Khi khủng hoảng truyền thông diễn ra với sự xuất hiện của nhiều tin đồn không chính xác, thất thiệt, báo chí cần chủ động hơn nữa để trao đổi và hợp tác tích cực với doanh nghiệp, trở thành địa chỉ tin cậy, giúp doanh nghiệp cung cấp các thông tin chính thống, khách quan cho công chúng.

Báo chí cần phối hợp với doanh nghiệp để triển khai những tin, bài mang tính chuyên sâu, có tính thực tế, tính thuyết phục cao trong xây dựng văn hóa ứng xử, phát triển thương hiệu, quảng báo sản phẩm dịch vụ cũng như tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động có lợi đến chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.

Báo chí  dồng hành cùng phát triển văn hóa doanh nghiệp

Ông Phạm Lê Hòa – Chủ tịch HĐTV – Tổng giám đốc Công ty TNHH nhôm Bình Nam:

Báo chí góp phần xây dựng nền văn hóa ứng xử doanh nghiệp tốt đẹp hơn

Thương hiệu đối với doanh nghiệp là tài sản vô hình và có giá trị đặc biệt. Thương hiệu uy tín sẽ đưa đến sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát triển thương hiệu cần có sự hỗ trợ thông tin từ báo chí với những bài viết khách quan, phản ánh chính xác sự việc đã giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu, nâng cao sự nhận biết thương hiệu doanh nghiệp trong lòng công chúng.

Bên cạnh việc phát triển thương hiệu thì việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.Văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa ứng xử của doanh nghiệp nói riêng hiện đang chịu ảnh hưởng lớn của nền truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Bên cạnh sự tác động tích cực đó là sự tiếp cận nhanh những nét đẹp chuẩn mực, trên thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề khiến chúng ta lo ngại về sự lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử doanh nghiệp như ứng xử thiếu văn minh, vô cảm, lãng phí. Đứng trước tình trạng văn hóa xuống cấp đến mức báo động đó, báo chí đã thông tin kịp thời, phân tích và cảnh báo. Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực cho việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu. Đồng thời cũng đưa ra những tấm gương tích cực giúp thay đổi hành vi hướng tới chuẩn mực chung góp phần xây dựng nền văn hóa ứng xử doanh nghiệp tốt đẹp hơn.

Tôi mong rằng trong thời gian tới, báo chí sẽ phát huy sức mạnh, ưu điểm của mình mạnh mẽ hơn để chuyển tải thông tin tới bạn đọc một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Giúp doanh nghiệp tiếp cận được những chính sách của Nhà nước để có những điều chỉnh phù hợp và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Báo chí dồng hành cùng phát triển văn hóa doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO