Bão

Hanoimoi| 18/08/2022 10:00

Bão quét qua làng. Qua những con đường, ngôi nhà, góc chợ. Khung cảnh tan hoang. Bê bết bùn đất.

Bão
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Những người dân sau bão, lòng trĩu nặng. Miện cũng thế. Nhà còn mỗi bộ bàn ghế đá, nặng quá nó trôi không được. Sáng nay ra lùa đàn gà, chúng nằm co quắp, chết rải rác trên lớp bùn lớp nhớp. Cô lấy chiếc bao tải, nhặt từng con bỏ vào, khệ nệ mang ra góc vườn, đào hố chôn. Mấy đứa trẻ trong nhà đang ngồi mang tập vở ra đếm. Ướt sạch, chả còn gì. Ban đầu còn ôm nhau cười hô hố, giờ cả ba anh em thút thít dưới góc giường. Miện giả bộ làm lơ. Thôi kệ, biết làm sao được. Cô kêu tụi nhỏ ra, lấy nước tạt cho sạch mấy chỗ bùn trong nhà. Chuyện sách vở để đó rồi mai mốt tính. Trường học còn chưa mở lại, lo lắng gì. Ba đứa trẻ ngoan ngoãn đi ra, đứa cầm chổi, đứa cầm xô nước, lăng xăng dọn nhà. Miện mang cái rựa ra vườn chặt đám chuối đang ngâm mình dưới nước. Bây giờ chắc khóc cũng chả giải quyết được gì.

Một trận bão bằng mười mấy năm gom góp. Bây giờ nó trôi hết về đâu Miện cũng chịu không biết. Chỉ nhớ hôm ấy gió thổi ràn rạt trên mái nhà, mưa xối xả. Rồi chỉ trong một ngày đêm nước đã ngập tới chân tường nhà, cứ thế lên cao dần cao dần mà không có cách nào dừng lại. Con lợn nái mới được một lứa kêu réo hoảng hốt. Lũ con của nó lần lượt trôi. Hai con chó nhảy phốc lên chiếc tủ gỗ. Rồi đến khi tủ trôi, chúng cũng trôi theo luôn. Vợ chồng con cái nhà Miện ngồi lên nóc tủ quần áo, run cầm cập. Gác lửng không có, chỉ biết ngồi ôm nhau nương tựa qua đêm.

***

Sáng nay chồng Miện ra đồng sớm. Cũng chẳng để vớt vát gì vì mọi thứ đã bị cuốn sạch sành sanh. Chỉ là đứng để nhìn khoảng không trước mặt, xem sẽ có phương án gì cho những ngày tiếp theo. Cơn đói rệu rạo ập đến. Đã hai ngày rồi, cả nhà ăn mỳ tôm cứu trợ, ăn cũng dè sẻn, sợ hết rồi không có đoàn nào tới được, rồi biết tìm cái gì mà ăn. Sống sót sau lũ đợt này, coi như là phúc đức còn lại của gia đình. Tuy trong làng không có ai bị lũ cuốn trôi vì được thông báo chuẩn bị lũ tới trước mấy ngày. Đêm nghe tin Quảng Bình, Quảng Trị, Huế ngập trong lũ mà thấy ứa nước mắt. Hôm kia còn hò nhau gói bánh mang thức ăn gom cho bà con trong đó thì nay mình cũng thu lu trên nóc nhà chờ cứu trợ tới. Vợ chồng Miện không nghĩ rằng tai ương sẽ ập đến nhanh như vậy. Nhìn dòng nước mênh mông phía trước mặt, chồng Miện ứa nước mắt. Còn nhớ năm nào khi anh còn nhỏ xíu, bố cõng trên vai thì làng cũng có lũ. Có điều anh nhớ năm đó nước chỉ đến tới mé cửa, rồi sáng ra đã rút được một nửa. Nhỏ xíu thấy lũ thì vui vì lạ. Đâu biết được lớn lên rồi, biết lo toan, biết vất vả, mất mát thì lúc đó mới cảm nhận được nỗi đau cứ dâng tận lồng ngực. Tiếng thằng út vang lên sau lưng, cắt dòng suy nghĩ của anh.

- Bố ơi, làng mình giờ như một tấm thảm trắng, chẳng biết đi đâu về đâu nhỉ?

Anh quay lại nhìn nó đầy ngơ ngác. Thằng bé nhỏ xíu. Sao biết nói chuyện lớn ghê. Anh đưa tay xoa đầu nó. Rồi mẹ thiên nhiên cũng sẽ hết giận thôi con. Chỉ là sớm hay muộn, và làng mình còn phải gánh chịu bao nhiêu đợt nữa mới hết. Bố đang nghĩ không biết các con sẽ cắp sách tới trường bằng cách nào khi mọi thứ không còn nữa. Thằng bé buồn rầu:

- Con chẳng hiểu tại sao lại có lũ như vậy bố ạ. Có phải do mình đã coi thường mẹ thiên nhiên và chặt cây phá rừng như trong sách con đã từng được học không bố?

- Ừ, đó là nguyên nhân lớn nhất để lại hậu quả như hôm nay.

Miện đứng đằng sau nghe hai bố con rủ rỉ, lòng chùng xuống như có ai đó đè nặng lên một cục đá. Cô nhớ khi vừa được bốn, năm tuổi gì đó, sáng thấy mẹ vắt đụn cơm nắm cho cha đi rừng. Hồi đó có phong trào chặt rừng khai hoang. Những ngôi nhà bây giờ được xây lên ở nơi chính là khu rừng rậm rạp trước kia. Những người như cha của Miện được khen thưởng bởi có công đóng góp, khai phá làng. Khi ấy chặt cây lại là chủ trương, và ai làm được nhiều thì người đó có thành tích. Nhưng bây giờ, đó là điều ngược lại. Hôm qua ghé sang bên ngoại, thấy cha ngồi ủ rũ, kéo một hơi dài thuốc lào, Miện thấy xa xót. Hình như cha đang nghĩ về nỗi đau mất mát của bà con hôm nay. Giống như chính bàn tay ông đã góp phần vào sự tàn phá đó.

Con người ta, lập công và gây ra tội nhiều khi chỉ cách xa nhau trong một giai đoạn, thời điểm này là lập công nhưng thời điểm kia thì nó là tội lỗi. Dù biết những năm sau giải phóng, khai hoang làm kinh tế mới là chủ trương. Nhưng có lẽ lòng tham của con người vô đáy. Khi những cái lợi từ rừng dần dần hiện ra trước mắt, họ bất chấp tất cả để có được. Ai cũng muốn mang về món lợi trước cho nhà mình. Vậy rồi dần dần thói quen phá rừng như lẽ đương nhiên ghim vào đầu một số người dân.

Bao lâu rồi Miện không ngồi trước màn hình ti vi, xem trọn một chương trình thời sự. Bởi là nông dân, chân lấm tay bùn, về tới nhà bữa cơm tối chưa xong cơn buồn ngủ đã ập đến. Lũ nhóc cũng tập trung học tập, nên từ lâu ti vi được ngủ yên trên kệ. Nay thì nó đã được xếp gọn lên nóc tủ, nằm im ở đó chờ lũ rút. Nhưng Miện cũng nghe bà con phong thanh về những buổi họp quốc hội diễn ra trực tiếp trên ti vi. Nghe đâu người ta đang đề ra phương án trồng rừng, cải tạo lại rừng. Chẳng biết bao giờ mới vực lại được những mất mát do cơn lũ gây ra. Để rồi chuyên tâm làm ăn, kiếm lại vốn liếng.

***

Tiếng bác Toàn ở phía bên kia bờ đê xóa tan dòng suy nghĩ của Miện:

- Này nhà Miện, ra mà xem kìa, cống tắc hết rồi. Nghe nói bò ở đâu trôi về nhiều lắm.

Miện bỏ chiếc rựa xuống, kêu chồng chạy lên phía trên cống xem tình hình. Nước ở đâu băng băng chảy về, những con bò nổi lình phình trước mặt. Bò cái, bò đực lẫn lộn. Chẳng biết bò nhà ai. Bốn năm con trôi dạt về một chỗ làm chặn đứng dòng chảy đổ ra sông. Ruồi nhặng bu đầy trên tấm thân của chúng. Chắc của làng bên trôi dạt về đây. Bác Toàn đứng xót xa:

- Của nhà ai, hết một đống tiền, chắc giờ đứng không vững rồi.

Chồng Miện quay lại, bảo lũ nhóc chạy về nhà lấy cuốc cho bố, kiểu gì cũng phải kéo chúng ra tìm đất chôn xuống, bây giờ biết bò nhà ai đâu mà báo. Với lại hai ngày nay rồi, có báo cũng chẳng làm gì được nữa. Miện đứng trên bờ đê, nước mắt từ đâu ập đến xồng xộc. Sự tàn phá kinh khủng của cơn bão năm nay chưa dừng lại. Chắc bây giờ làng bên kia, người ta cũng đang nháo nhào đi tìm bò. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Giữa bao la nước lũ, Miện cứ thế đứng ngẩn ngơ nhìn. Trên đầu, mưa lại lích rích rơi. Chưa bao giờ cô cảm giác ghét những hạt mưa đến vậy. Chỉ mong ông trời thôi đừng khóc nữa, cho bình yên trở lại xóm nghèo.

Tiếng mấy đứa nhóc ríu rít phía sau lưng:

- Bố ơi, có cuốc đây rồi.

Trong làng bà con hối hả chạy ra. Người cuốc, người xẻng, người gậy gộc bắt tay vào khơi thông cống rãnh. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tiếng hỏi han nhau ríu ran:

- Hôm qua nhà bà bị trôi cái gì, có gác lên kịp không. Hôm trước nước tràn vào nhanh quá, có nhà bị nổ cả cái tủ lạnh đấy.

- Nhà ông Khánh một trăm hai mươi mấy con lợn kìa, trôi hết sạch.

- Nhà bà Minh nuôi dê mấy chục con cũng đi hết. Thôi thì đứng dậy mà đi tiếp chứ biết sao giờ.

Trong khoảng chiều mênh mông ấy, Miện thấy một củ khoai nổi trên mặt nước, nó đã lên mầm và trôi nhanh về phía trước. Màu xanh của ba chiếc lá mơn mởn. Trong cô dấy lên niềm hy vọng, bão tan rồi chắc mọi thứ sẽ tốt đẹp dần lên...

(0) Bình luận
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO