Giai đoạn 2 từ 2021-2025, đầu tư các đoạn còn lại để nối thông dự án, bao gồm đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang (Khánh Hòa). Chiều dài đầu tư và giải phóng mặt bằng khoảng 659 km; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 113.096 tỉ đồng.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT Ảnh: VĂN DUẨN
Theo dự thảo tờ trình triển khai, tổng số dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam là 20 dự án, trong đó giai đoạn 2017-2020 thực hiện 11 dự án và 9 dự án còn lại được thực hiện trong giai đoạn 2021 -2025. Trong số 11 dự án thực hiện giai đoạn 2017-2020, có 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và 3 dự án đầu tư công. Nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong tổng số hơn 130.000 tỉ đồng cần đầu tư.
Bộ GTVT cũng kiến nghị nếu đấu thầu không thành công sẽ triển khai dự án theo 2 hướng, bao gồm việc đầu tư một số dự án thành phần có nhu cầu cấp bách theo hình thức đầu tư công và giao Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Cửu Long (CIPM) huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án thành phần.
Tuy nhiên, trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ Tài chính đánh giá nhiều nội dung trong phương án của Bộ GTVT không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai, thực hiện dự án. Cụ thể, đối với đề nghị giao VEC và CIPM, là các tổng công ty 100% vốn nhà nước huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án thành phần, Bộ Tài chính cho rằng việc thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai.
Mặt khác, tại thời điểm hiện nay VEC và CIPM còn rất hạn chế về năng lực tài chính. Thực tế, ngân sách nhà nước vẫn đang phải tạm ứng để trả nợ các khoản vay đến hạn của các dự án do VEC làm chủ đầu tư, một số khoản vay đang phải chuyển sang cấp phát do VEC không có khả năng trả nợ.
Trong khi đó, CIPM vẫn đang thực hiện chủ yếu theo hình thức giao quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc giao cho VEC và CIPM huy động nguồn lực để đầu tư các đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam là khó khả thi. "Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét cân nhắc không đề xuất nội dung giao VEC và CIPM huy động nguồn lực để đầu tư vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội" - văn bản góp ý nêu rõ.
Về phương án phân kỳ đầu tư, lựa chọn hình thức đầu tư, phương án xử lý trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị với những dự án phương án tài chính khó thực hiện theo hình thức PPP thì thực hiện theo hướng đầu tư công. Bộ Tài chính cũng đề nghị xem xét tính hợp lý của phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức nhượng quyền vận hành, khai thác với dự án đầu tư công, do đây là các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Việc xem xét tính hợp lý nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hình thức đầu tư.
Ông BÙI DANH LIÊN, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội:
Quyền lợi của dân phải được ưu tiên hàng đầu
Nếu xây dựng cao tốc Bắc - Nam mà có thêm nhiều trạm thu phí BOT thì chi phí vận tải và mức phí người dân chịu sẽ tăng lên. Tôi chỉ lo ngại là các cơ quan chức năng bấy lâu nay có vẻ như chỉ bảo vệ quyền lợi cũng như ưu đãi hết sức cho nhà đầu tư mà không quan tâm đến lợi ích của người dân. Vậy làm tuyến cao tốc này theo hình thức BOT có khác không?
Do đó, trước những bất cập của các dự án BOT thời gian qua, để triển khai hiệu quả tuyến cáo tốc Bắc - Nam, trước hết cần hoàn thiện các quy định về mặt pháp luật một cách chặt chẽ, để mọi thứ liên quan được công khai, minh bạch, có cơ chế pháp luật xử lý nghiêm minh các sai phạm. Chúng ta cũng không thể để cho nhà đầu tư được tự xây dựng dự toán; cần kiểm tra năng lực chuyên môn, đặc biệt là năng lực tài chính của nhà đầu tư để tránh tình trạng họ "tay không bắt giặc". Khi triển khai cũng cần tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, tránh tình trạng thông thầu, móc ngoặc để trục lợi.
Đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT là chủ trương đúng, ai cũng ủng hộ, nhưng đầu tư thế nào, mức thu thế nào, vị trí đặt trạm như thế nào cho phù hợp cần phải được xem xét thấu đáo, không thể đẩy gánh nặng lên vai của người dân và các doanh nghiệp vận tải. Trong mọi tình huống, bên cạnh bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, thì quyền lợi của nhân dân phải được lựa chọn và ưu tiên hàng đầu.
TS PHẠM SỸ LIÊM, Tổng hội Xây dựng Việt Nam:
Nên để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, giám sát đấu thầu
Nguyên tắc làm đường theo hình thức BOT là phải bảo đảm cho người dân có quyền lựa chọn đi đường BOT phải trả phí hoặc đi đường khác không mất phí. Người nghèo không cần đi nhanh, họ làm gì có tiền mà trả thêm phí đi đường hằng ngày. Điều này rất quan trọng nhưng Bộ GTVT đã không quan tâm nên xảy ra tình trạng dân bức xúc với BOT như đang diễn ra gần đây. Vấn đề này phải rất chú ý khi làm các dự án sau này.
Nhu cầu đầu tư hạ tầng trong tương lai còn rất cao mà ngân sách nhà nước không thể đáp ứng nổi, cho nên vẫn phải huy động vốn tư nhân qua các phương thức đầu tư khác. BOT không có vấn đề gì về mặt chủ trương mà bất cập nằm ở cách thực hiện.
Một vấn đề quan trọng trong đầu tư BOT là xác định giá trị công trình, từ đó sẽ ra mức phí và thời gian thu hồi vốn. Giá trị công trình không phải chỉ phụ thuộc vào dự toán, nó còn phụ thuộc vào cạnh tranh và cung cầu. Tôi cho rằng quan trọng là phải tổ chức đấu thầu công khai minh bạch. Hiện nay Bộ GTVT làm hết khâu này nhưng theo tôi, nên chuyển cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) là đúng chức năng và bảo đảm khách quan.
Bộ KH-ĐT có 3 trung tâm đấu thầu, lại phụ trách vấn đề đầu tư của cả nước nên có thể xử lý các thông tin liên quan đến ngân sách, đánh giá được công trình có khả năng thu xếp được bao nhiêu vốn ngân sách, bao nhiêu phải huy động nguồn khác. Khi Bộ KH-ĐT tổ chức đấu thầu, Bộ GTVT là cơ quan có dự án đến để giám sát, như thế mới bảo đảm minh bạch và khó thông thầu. Tổ chức đấu thầu để thực hiện cơ chế cạnh tranh thị trường, trên cơ sở đó xây dựng giá và từ đó đưa ra mức phí. Cũng không nên ấn định ngay mức thu phí bao nhiêu mà chỉ thí điểm 1 năm để đánh giá sự phù hợp với người dân, doanh nghiệp rồi mới ấn định thời gian thu phí.
TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương:
Khắc phục chỉ định thầu để tránh hệ lụy
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn thì không thể từ chối hình thức đầu tư BOT khi xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam với số vốn lớn đến như vậy.
Việc Bộ GTVT đề nghị chỉ định 2 doanh nghiệp trong ngành là VEC và CIPM được thực hiện một số dự án thành phần là không nên. Xét về năng lực, Bộ Tài chính đã chỉ rõ tình hình tài chính của 2 doanh nghiệp này không cáng đáng nổi. Nhưng quan trọng là không được thực hiện chỉ định đầu tư đối với dự án.
Rút kinh nghiệm từ những hạn chế của các dự án đầu tư BOT trước đây, cần khắc phục tình trạng chỉ định thầu, "tay không bắt giặc" để không gây hệ luỵ. Trước khi triển khai thêm các dự án huy động vốn mới để thực hiện đường cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là theo hình thức BOT, cần tổng kết, đánh giá toàn diện đối với hình thức đầu tư này, hệ quả đã gây tác hại đối với việc nâng cao chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ và tăng thêm chi phí cho người dân. Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra những bất cập đối với dự án BOT hiện nay.