Huy Cận
Hai bàn tay em
Hai bàn tay em
Như hoa đầu cành
Hoa hồng hồng nụ
Cánh tròn ngón xinh.
Đêm em nằm ngủ
Hai hoa ngủ cùng
Hoa thì bên má
Hoa ấp cạnh lòng.
Tay em đánh răng
Răng trắng hoa nhài.
Tay em chải tóc
Tóc ngời ánh mai.
Giờ em ngồi học
Bàn tay siêng năng
Nở hoa trên giấy
Từng hàng giăng giăng.
Những lúc em buồn
Tay ôm má phịu
Em yêu bàn tay
Cái gì cũng hiểu
Có khi một mình
Nhìn tay thủ thỉ
Em yêu em quý
Hai bàn tay em.
(trích trong tập “Hai bàn tay em” - NXB Kim Đồng 1969)
Nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005) nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập thơ “Lửa thiêng” (NXB Đời nay, Hà Nội 1940) có những bài thơ như “Tràng giang” đã in đậm vào tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt hay những bài mang cảm xúc lãng mạn vô bờ như “Vạn lý tình”.
Sau những ngày theo cách mạng và kháng chiến, trở về với cuộc sống hòa bình ở Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Huy Cận đã có sáng tác thơ cho thiếu nhi. Có lẽ một phần là nhờ tình bạn với các nhà thơ viết cho thiếu nhi như Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải…, một phần lớn hơn là ông đã là một người cha. Tập thơ “Hai bàn tay em”, chọn lọc những bài thơ hay viết cho thiếu nhi của ông đã được NXB Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc vào năm 1969. Tập thơ cũng đã được NXB Văn học in với bài giới thiệu thắm thiết của nhà thơ Xuân Diệu người bạn tri âm tri kỷ của ông. Trong tập thơ này có nhiều bài thơ rất thú vị, xin được có vài lời bình luận về bài “Hai bàn tay em”, theo tôi là một bài thơ hay trong số ít những bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi Việt Nam.
Trước hết, đây là một bài thơ nói với trẻ em về việc tự yêu thân thể mình, yêu bàn tay của mình. Bài thơ không răn dạy mọi người câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, hoặc cao giọng to tát hơn như:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
(Hoàng Trung Thông)
Bài thơ có một giọng nhỏ nhẹ, yêu thương bàn tay con trẻ đẹp như là “hoa”! Và hơn nữa đó là “hoa đầu cành”. Đọc những câu thơ này trẻ em biết tự yêu mình và người lớn biết nâng niu trân quý vẻ đẹp thân thể của trẻ thơ. Tôi tin rằng nếu mọi người đều biết thấm ý nghĩa của những câu thơ này, thì sự xâm hại trẻ em sẽ bớt đi rất nhiều. Bốn câu tả giấc ngủ của đứa trẻ với đôi bàn tay như hoa được ấp ủ lại càng khiến cho lòng yêu thương của người đọc được ngắm đứa trẻ ngủ trong an lành, càng thêm nỗi niềm mong mỏi giữ gìn hòa bình cho giấc ngủ trẻ thơ (xin lưu ý là bài thơ được viết lúc đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ)
Bài thơ tiếp tục trò chuyện với các cháu, đôi bàn tay của các cháu không chỉ đẹp bởi nó là “hoa đầu cành” mà nó lại sẽ rất có ích khi “đánh răng”, khi “chải tóc”, khi “viết chữ”… Tất cả những hành động cử chỉ bình thường đó, đều được nhà thơ thi vị hóa, mỹ lệ hóa, bởi ý nghĩa lớn lao hơn: những việc làm bình thường đó chính là sự lớn lên của các em nhỏ, từ nhỏ tập làm những việc nhỏ đó, biết làm những việc nhỏ thật tử tế, khi lớn lên các em sẽ thành người tử tế!
Bốn câu tiếp theo:
Những lúc em buồn
Tay ôm má phịu
Em yêu bàn tay
Cái gì cũng hiểu.
Là bốn câu thơ rất sâu sắc. Nó vừa biết chia sẻ tình cảm với trẻ em thật tinh tế, lại vừa nói với người lớn rằng: trẻ em có nhiều nỗi vui buồn tâm tư mà chưa chắc người lớn đã biết, có khi các em ấy chỉ tự chia sẻ với “bàn tay” của chính mình mà thôi. Đó là bốn câu thơ rất nội tâm, và chỉ có nhà thơ mới có thể hiểu được như “bàn tay cái gì cũng hiểu”.
Bốn câu kết thúc, ý chính là:
Em yêu em quý
Hai bàn tay em.
Thế nhưng tác giả không để cho nhân vật trong bài thơ hô to lên trước một đám đông câu này, mà một lần nữa nhà thơ thể hiện sự hiểu biết tâm lý trẻ em, cũng là tâm lý con người…
Có khi một mình
Nhìn tay thủ thỉ.
Thơ là sự độc thoại nội tâm, là sự soi chiếu vào chính tâm hồn mình, để mình hiểu mình hơn, và như vậy thì mình mới lớn lên và trưởng thành từ trong tâm hồn, từ trong suy tư, từ trong một bản lĩnh được vun đắp từ thủơ ấu thơ.
Một nhà thơ lớn, khi viết cho thiếu nhi là viết một bài thơ lớn từ đôi bàn tay nhỏ của trẻ em, từ những việc rất nhỏ như đánh răng, chải đầu, viết chữ… khi ngủ, khi buồn, khi nói chuyện một mình…
Viết bài này, tôi xin góp vài lời bình một bài thơ nhỏ của một nhà thơ lớn Việt Nam. Mong sao, các độc giả thêm nhiệt tình tìm hiểu giá trị quý giá của nền văn học Việt Nam, đôi khi tưởng như đã bị chìm vào quên lãng.