Nếp nhà Hà Nội: Bài cuối: Phát huy giá trị truyền thống của nếp nhà trong xây dựng Gia đình văn hóa ở Thủ đô
Nhiệm vụ xây dựng Gia đình văn hóa luôn được xác định là vấn đề trung tâm, thường xuyên, liên tục và lâu dài của Hà Nội cũng như cả nước. Những nền nếp, truyền thống trong mỗi tổ ấm trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến đã, đang và sẽ tạo nên nét đặc trưng riêng trong văn hóa người Hà Nội.
Gia đình văn hóa – nét đẹp trong đời sống người Hà Nội xưa và nay
Nét đẹp trong văn hóa của người Hà Nội xưa và nay được thể hiện rõ nét trong nếp nhà mỗi gia đình. Ở Hà Nội, nếp sống thanh lịch trong ứng xử văn hóa gia đình từng được ghi lại trong điều ước, tục lệ, hương ước của nhiều phường và làng.
Những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như: đi chào, về hỏi; cách xưng hô phù hợp với tuổi tác kính già, quý trẻ, nụ cười thân thiện thay cho lời chào; đạo nghĩa thủy chung, tôn trọng, yêu thương nhau, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, anh em hòa thuận; sự lịch thiệp và tế nhị trong cách nói năng, ứng xử… luôn cần được giữ gìn, phát triển dù ở bất cứ thời đại nào.
Hiện nay, nhiều gia đình tam tứ đại đồng đường ở Thủ đô vẫn giữ được truyền thống văn hóa tốt đẹp của nếp nhà Hà Nội. Các gia đình luôn đề cao truyền thống hiếu học, đạo lý tôn sư trọng đạo, lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người; chú trọng giáo dục đức tính cần cù, chịu khó trong lao động và ý chí khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Các bậc ông bà, cha mẹ luôn răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải, biết giữ gìn hòa khí, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, dòng họ, gắn bó với làng xã, đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Gia đình ông Nguyễn Đức Long ở phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ là một trong những mẫu gia đình văn hóa tiêu biểu ở Thủ đô nhiều năm nay. Ông Long là thạc sĩ y học cổ truyền, bác sĩ chuyên khoa II - Chủ nhiệm khoa ngoại, sĩ quan quân đội. Con trai thứ 2 của ông Long là thạc sĩ, con trai thứ 3 là tiến sĩ toán học. Gia đình ông Long hiện có 15 thành viên, bao gồm: ông, bà; 3 người con trai, 3 con dâu và 7 cháu nội. Vợ chồng ông bà đã có 55 năm chung sống bên nhau và rất hạnh phúc. Ông Long cho biết, các con ông đã trưởng thành, có gia đình, công việc và cuộc sống ổn định; các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, lễ phép, kính trên nhường dưới, khiêm tốn, giản dị, trung thực, hòa đồng.
Gia đình bà Trần Thị Hảo, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, nhiều năm liền được công nhận là Gia đình văn hóa là trường hợp tương tự. Gia đình bà hiện có 3 thế hệ sinh sống trong một ngôi nhà với diện tích không rộng. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình rất hòa thuận; con cháu hiếu thảo, vâng lời ông bà, cha mẹ. Vợ chồng bà luôn giáo dục con cháu phải biết kính trên, nhường dưới; biết quan tâm và yêu thương những người xung quanh.
Ngày nay, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện ngày càng nhiều “Gia đình hiếu học”, “Gia đình học tập”. Mỗi gia đình không chỉ rèn luyện thói quen, khả năng phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng trong lao động mà còn giáo dục cho con cháu biết quý trọng thành quả lao động, có đức tính cần cù, chịu khó, từ đó rèn luyện tính tự lập, tự giác của con cháu, giúp thế hệ trẻ ngày càng trưởng thành hơn, có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Gia đình ông Phùng Tiến Khoa ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây luôn đề cao vai trò của gia đình hiếu học. Vợ chồng ông đều giữ vị trí lãnh đạo tại hai trường học ở địa phương, hai con trai đều học giỏi, chăm ngoan. Vợ chồng ông luôn tâm huyết với nghề, cống hiến hết mình cho giáo dục, đạt được nhiều thành tích xuất sắc, nhận nhiều giải thưởng. Để có được điều đó, ông cho rằng gia đình may mắn có những điểm tựa là: Vợ chồng con cái thương yêu nhau hết mực; truyền thống hiếu học của gia đình; lòng yêu nghề; sự quan tâm động viên của bạn bè, đồng nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bà Lã Thị Bích Nhung xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì cho biết: môi trường công tác và nơi sinh sống đã rèn luyện cho các thành viên trong gia đình bà cách sống kỷ luật, tôn trọng và gìn giữ những giá trị đạo đức, lối sống tích cực, văn minh. Họ luôn ý thức rằng lao động, học tập là vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và cuộc đời mỗi con người, từ đó mới có cuộc sống tốt đẹp.
Trong một gia đình, người đi trước sẽ là tấm gương để người đi sau học hỏi, rèn luyện. Xây dựng gia đình hạnh phúc phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng, chia sẻ, tương trợ nhau, cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Cuộc sống trong xã hội hiện đại, mỗi gia đình người Hà Nội luôn giáo dục con cháu phải luôn coi trong lễ nghĩa. Lễ nghĩa của con cái với cha mẹ, ông bà, vợ chồng con cái, giữa làng xóm với nhau và giữa con người với nhau. Đây là then chốt nền tảng đạo đức để các thành viên trong gia đình tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ mãi nếp nhà.
Thực tế cho thấy, phát huy nếp nhà trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã làm thay đổi đáng kể, góp phần bồi đắp thêm những giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Chính từ đó, phong trào đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, sống có đạo lý giúp nhau cùng tiến bộ, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng con người Thủ đô “Văn minh - thanh lịch - hiện đại”.
Phát huy nét đẹp của Gia đình văn hóa trong thời kỳ mới
Chủ trương xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc tiến bộ, văn minh đối với mỗi gia đình cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định ngay từ khi Đảng ra đời. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình".
Như một lẽ tất nhiên, trong quá trình tiếp biến văn hóa và hội nhập quốc tế, một số yếu tố văn hóa truyền thống gia đình của người Hà Nội đã dần bị mai một, du nhập thêm những yếu tố văn hóa khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào “Gạn đục, khơi trong” để vừa phát huy tốt nhất nét đẹp văn hóa của dân tộc, trong đó có giá trị truyền thống trong mỗi Gia đình văn hóa, làm giàu hơn nữa văn hóa dân tộc, văn hóa đặc sắc riêng của Hà Nội đồng thời nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân cần tập trung thực hiện thật tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ thứ hai là: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác gia đình ngày càng góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Việc chăm lo, vun đắp, xây dựng giữ gìn hạnh phúc trong gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người dân trên địa bàn Thủ đô luôn quan tâm thực hiện và hướng tới.
Nhằm phát huy vai trò tích cực của gia đình đối với sự phát triển xã hội, Hà Nội chủ trương xây dựng và triển khai, thực hiện 3 nội dung cốt lõi. Đó là: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Gia đình văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng; hoàn thiện các mẫu hình văn hóa, kiến tạo môi trường lành mạnh để phát triển, đáp ứng với tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh. Thành phố rất quan tâm tới việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa và đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, hướng dẫn các hoạt động về tổ chức ngày Gia đình Việt Nam.
Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới với nhiều biện pháp để xây dựng văn hóa gia đình, tiếp thu những yếu tố tích cực của mô hình gia đình hiện đại, song song với phát huy nét đẹp truyền thống.
Đáng chú ý, trong những năm qua, công tác gia đình đã được Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo, bằng việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình công tác của Thành ủy trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội. Có thể kể tới: Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” và Chương trình 06-CTr/TU nhiệm kỳ Đại hội XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”.
Bám sát chủ trương chỉ đạo của Thành phố, nhằm phát huy và trao truyền nét đẹp văn hóa gia đình trong thời đại mới, 100% các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã hội, các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đều xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác gia đình bằng những hoạt động rất phong phú, thiết thực. Từ thành phố đến cơ sở đã tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao gia đình; các hội nghị tọa đàm về công tác gia đình gắn với công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực từ gia đình; nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa gia đình; tổ chức tôn vinh các gia đình truyền thống, văn hóa, hạnh phúc từ cơ sở.
Triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và nhân rộng các mô hình tốt trong thực hiện Bộ tiêu chí dựa trên nguyên tắc "Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ”; vợ - chồng phải chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ với con, ông bà với con cháu theo nguyên tắc "Gương mẫu, yêu thương "; con với cha mẹ, cháu với ông bà "Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo"; anh chị em trong gia đình "Hòa thuận, chia sẻ, tôn trọng”.
Thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được gắn kết chặt chẽ với thực hiện và bình xét tặng Gia đình văn hóa trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Trên địa bàn Thành phố ngày càng xuất hiện nhiều mô hình như: Gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình thể thao, gia đình làm công tác xã hội từ thiện, gia đình nghệ nhân - gia đình nghệ sỹ… trở thành điểm sáng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội. Điển hình như gia đình ông Trần Huy Hoa ở Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ là gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi; gia đình ông Cao Văn Xì ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa tích cực tham gia đóng góp cho các phong trào thiện nguyện, công tác xã hội tại địa phương…
Ứng xử thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ, chính quyền và người dân ở Hà Nội coi trọng trong bất kỳ giai đoạn nào. Đặc biệt là khi Thành phố đang tập trung để phát triển văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn. Văn hóa gia đình và văn hóa con người Hà Nội hòa quyện vào nhau làm thành những giá trị vững bền của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.