Vào quân ngũ được mấy tháng, Nghiêm Xuân Danh được biên chế về một đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội. Vốn thông minh, chiến sĩ Nghiêm Xuân Danh tiếp thu các bài huấn luyện rất nhanh, được chỉ huy đơn vị tin tưởng, nên từ trắc thủ kíp 3 đã được chuyển lên kíp 1, được đi học lớp cảm tình Đảng và làm hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng.
Liệt sỹ Anh hùng LLVT Nghiêm Xuân Danh
Trong ký ức của anh em trong đơn vị ngày ấy, Nghiêm Xuân Danh là một chiến sĩ thư sinh nhưng gan dạ, luôn xung phong đảm nhận những công việc khó khăn, nguy hiểm. Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, Nghiêm Xuân Danh là chiến sĩ trắc thủ TZK ngồi trên đỉnh xe thu phát - mà anh em thường gọi là “chuồng cu” - để trực tiếp quan sát phát hiện máy bay địch. Quả thật, với lính tên lửa thì phải là những người thật gan dạ, dũng cảm mới dám ngồi trên “chuồng cu” quan sát máy bay địch quần lượn, đánh phá. Ngồi ở đó là phải trực tiếp đối mặt với mọi loại máy bay, vũ khí không đối đất mà địch bắn vào. Những ngày ấy, chàng trắc thủ trẻ Nghiêm Xuân Danh được ví như “con mắt thần” quả cảm của đơn vị luôn hướng thẳng lên trời bằng ống kính TZK để quan sát máy bay địch. Với khả năng phát hiện mục tiêu bằng mắt trên TZK rất chính xác và kịp thời nên trong tất cả các phiên trực của mình, Nghiêm Xuân Danh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - đặc biệt trong trường hợp địch gây nhiễu nặng, các thiết bị điện tử đều không phát hiện được, kịp thời phát hiện mục tiêu chính xác về kiểu loại, số lượng và tên lửa của địch từ xa, giúp người chỉ huy và kíp chiến đấu đánh đúng tốp, chọn đúng chiếc, tiêu diệt được máy bay Mỹ và bảo đảm an toàn cho trận địa.
Mới đây, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 và các cựu chiến binh: Đỗ Đình Tân, Phạm Nhật Vinh, Nguyễn Mạnh Quyền - nguyên là những trắc thủ tên lửa cùng chiến đấu với Nghiêm Xuân Danh đã trở về thăm Tiểu đoàn 77 tại trận địa Chèm (Từ Liêm - Hà Nội). Sau khi thắp hương ở bia tưởng niệm, các anh ra vị trí nơi đặt xe thu phát để phát hiện máy bay địch vào thời điểm ác liệt cuối tháng 12/1972, cũng chính là nơi Nghiêm Xuân Danh đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…
Ngước mặt lên trời xanh, cựu chiến binh Phạm Nhật Vinh nghẹn ngào: “Nghiêm Xuân Danh ơi… Hôm nay tôi trở về đơn vị cũ mà như thấy anh ở quanh đây… Tôi còn nợ anh...”! Dừng một lát, cựu chiến binh Phạm Nhật Vinh chỉ vào gốc cây xà cừ ở gần cổng chính rồi kể:
… Sáng 19/12/1972, kíp chiến đấu luyện tập chuẩn bị bước vào trận chiến mới, đến khoảng 9 giờ, đơn vị nghỉ giải lao tại vị trí này. Nghiêm Xuân Danh vào nhà mở ba lô lấy gói kẹo và bao thuốc lá ra mời mọi người trong trung đội liên hoan chung vui với niềm vui của gia đình anh có người anh trai đi chiến đấu ở chiến trường vẫn còn sống vừa trở về quê hương. Cuối giờ giải lao, Danh báo cáo với sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức: “Trưa nay sẽ đến lượt tôi trực và trực luôn ngày mai thay đồng chí Vinh vì hôm qua đồng chí Vinh đã trực hộ tôi rồi”. Đồng chí Đức nhất trí.
Trận địa tên lửa Tiểu đoàn 77 bị trúng bom Mỹ ngày 21.12.1972.
Đêm 20, rạng sáng 21/12/1972, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 77 chiến đấu mưu trí, lập công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B-52 của Mỹ. Thiệt hại nhiều, địch thay đổi cách đánh phá bằng cách dùng máy bay chiến thuật tập trung đánh các trận địa tên lửa. 9 giờ sáng ngày 21/12/1972, bầu trời rung chuyển bởi tiếng gầm rú của các tốp máy bay địch. Qua ống kính TZK, từ trên chòi cao, Nghiêm Xuân Danh phát hiện 1 tốp 4 máy bay F4 đang bay vào ở cự ly khoảng 30km và liên tục thông báo kịp thời cho chỉ huy. Rồi anh hô to: “Mục tiêu bay thẳng vào đánh trận địa!”. Không rời mắt khỏi ống kính, anh quyết tâm bám sát, dõi theo từng hành động trên không của lũ cướp trời để thông báo mục tiêu cho kíp chiến đấu. Đúng như Danh thông báo, 4 chiếc F4 lao thẳng vào thả 4 quả bom bi trùm lên toàn bộ trận địa tên lửa. Bom bi nổ khắp trận địa làm khí tài bị hỏng rất nặng, đạn tên lửa bị cháy. Trắc thủ Nghiêm Xuân Danh bị bom bi xuyên qua mũ sắt và đã anh dũng hy sinh.
Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, tại trận địa này, Tiểu đoàn 77 đã bắn rơi 4 chiếc B-52 của Mỹ, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Với chiến công xuất sắc đó, Tiểu đoàn 77 đã trở thành đơn vị bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất và được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng. Trong chiến công chung đó có phần đóng góp xứng đáng của trắc thủ Nghiêm Xuân Danh!
Hơn 40 năm sau ngày người chiến sĩ trẻ hy sinh, ngày 25/4/2013, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Điều đặc biệt là năm 2007, kỷ niệm 35 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, Quân chủng PKKQ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội đã chọn và tạc tượng đồng trắc thủ Nghiêm Xuân Danh đặt tại Bảo tàng Quân chủng PKKQ.
Tượng đồng Anh hùng Nghiêm Xuân Danh được trưng bày tại Bảo tàng PKKQ
Hiện chiếc kính ngắm TKZ đã cùng Nghiêm Xuân Danh làm nên những chiến công năm xưa đang được lưu giữ trong Nhà truyền thống của Sư đoàn 361 - Bộ đội Phòng không Hà Nội, là hiện vật thể hiện ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm của người Anh hùng tuổi 20./.