Vào ngày đầu tháng 11, năm 2017, đoàn thiện nguyện do báo Người Hà Nội tổ chức cùng các doanh nghiệp đi thăm, tặng quà cho những hộ dân ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Đi đến đâu cũng là cảnh thiệt thòi, đau thương khó có gì bù đắp. Trong đó, day dứt nhất là những gia đình hoàn cảnh đặc biệt ở xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn từ thiện và lãnh đạo UBND huyện Nông Cống thăm hỏi động viên gia đình liệt sỹ, Đại úy Nguyễn Thành Chủng - Sĩ quan Biên phòng đã hi sinh trong đợt chống lụt bão vừa qua (Ảnh: Đăng Chung).
Ông Lê Xuân Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống dẫn chúng tôi tới gia đình Đại úy Nguyễn Thành Chủng – Đội trưởng Đội Tổng hợp Đồn Biên phòng xã Yên Khương, huyện Lang Chánh. Vừa đi, anh vừa kể: Trong đợt mưa lũ vừa qua tại địa bàn huyện Lang Chánh (nơi anh Chủng đóng quân) bị nước lũ dâng lên cuồn cuộn. Bất chấp hiểm nguy, vào khoảng 18 giờ 45 phút, ngày 10/10, Thượng tá Cao Đăng Cường (45 tuổi) - Chính trị viên và Đại úy Nguyễn Thành Chủng (42 tuổi) - Đội trưởng Đội tổng hợp Đồn biên phòng Yên Khương vẫn đi kiểm tra tình hình; phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân phòng chống lũ. Không may, chiếc xe mang biển kiểm soát 36B – 1156 chở hai anh bất ngờ bị lũ cuốn trôi cả người và xe. Sau nhiều ngày tìm kiếm đến ngày 16/10, thi thể Thượng tá Cao Đăng Cường được tìm thấy cách hiện trường nơi anh hi sinh khoảng 30km về phía hạ du sông Âm, huyện Lang Chánh. Mặc dù các cơ quan chức năng và nhân dân, đồng đội vẫn ngày đêm bám hiện trường, tổ chức công tác tìm kiếm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy Đại úy Nguyễn Thành Chủng.
Mặt trời đứng bóng, đoàn chúng tôi đến thăm hỏi gia đình anh Chủng, không khí ảm đạm như bao trùm cả ngôi nhà. Trước bàn thờ đặt giữa nhà mọi người không khỏi xót xa mỗi khi nhìn vào mắt người vợ trẻ đang đứng nép mình bên góc. Chị chẳng nói câu gì, thất thần, rơm rớm lệ. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo chứa chan tình làng nghĩa xóm. Anh ra đi vợ con mất một người chồng, người cha thân thương trách nhiệm, gia đình mất một người "máu mủ ruột già", cả làng quê mất một người láng giềng hiền lành tốt bụng.
Hôm anh bị lũ cuốn trôi cũng là lúc nơi quê nhà Nông Cống có những người thân yêu đang gồng mình chống lũ. Thời điểm lũ tràn vào làng, anh còn gọi điện về hỏi tình hình dặn dò vợ con yên tâm trước lũ dữ. Vậy mà bây giờ, anh ở đâu?.
Nhìn cảnh tượng bần thần của chị Lê Thị Thức, vợ anh Chủng đứng ngây người cạnh bàn thờ chồng, đoàn công tác không ai cầm lòng được. Ông Lê Tất Ảnh - bố vợ anh Chủng với dáng vẻ khắc khổ, bùi ngùi nhớ lại: Sau khi nhận tin dữ của chồng; nó chẳng còn thiết gì. Mọi công việc nó đều bỏ dở đi tìm chồng. Nhưng nó đi được một đoạn lại quay về vì mọi người ngăn cản và lúc ấy cả niềm quê chỗ nào cũng đắm trong nước. Nhiều ngày nó chẳng thiết ăn uống gì, chỉ ngồi ôm con gọi tên chồng gào khóc thảm thiết suốt ngày đêm; mệt lả thì thiếp đi.
Ông Ảnh tâm sự: Các chú biết không, ở vùng bán sơn địa này, "mưa thuận gió hòa" người dân sống còn vất vả huống hồ lúc thiên nhiên không ủng hộ. Hai vợ chồng chúng nó cơ cực vô cùng, kể sao cho xiết. Chủng vào Bộ đội còn vợ ở nhà nuôi dạy con. Tuy công tác trong tỉnh nhưng lâu lâu Chủng mới về với vợ con. Lần nào về anh cũng hay đi thăm hỏi bà con lối xóm. Ngôi nhà nó còn chưa hoàn thiện. Cứ mỗi năm lại kiến thiết thêm một tý. Năm vừa rồi nó mới vào xong vôi áo, đóng cái cửa. Chủng hẹn với vợ: Anh đi công tác đợt này dành dụm thêm tiền về mua sơn quét nhà cho sạch. Vậy là lời hứa ấy có lẽ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Lần thăm quê gần đây cũng là lời anh từ biệt cuối cùng. Cả đời vất vả ngược xuôi, xây được căn nhà để ở, công việc bắt đầu ổn định nó lại bỏ mọi người mà đi - ông Ảnh rầu rĩ.
Quá sốt ruột, đợi nước lũ rút, ngày 12/10, gia đình thuê ô tô đưa người thân của Chủng lên đơn vị, dọc theo vị trí gặp nạn tham gia tìm kiếm cùng đồng đội. Bao nhiêu ngày rồi nhưng cả gia đình vẫn đau đáu niềm mong mỏi sẽ thấy anh trở về. Có bao nhiêu đoàn công tác tới động viên gia đình thì có bấy nhiêu niềm tin của vợ con về sự may mắn dành cho anh vụt biến. Lũ đã đi nhưng nỗi đau còn ở lại. Các cơ quan chức năng đã làm lễ truy điệu cho anh bằng chiếc quan tài rỗng. Mất mát này sẽ mãi mãi ám ảnh hằn in trong tâm trí những đứa con thơ về một ngày mất bố.
Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội thăm hỏi gia đình ông Phạm Văn Bình xóm Chuyền xã Vạn Thiện (Ảnh: Đăng Chung).
Phận đời lam lũ
Từ nhà anh Chủng, chúng tôi tới thăm gia đình ông Phạm Văn Bình ở thôn Chuyền. Hình như chưa bao giờ gia đình đón đông người lạ đến thế. Ngôi nhà trống huơ trống hoác vì ngày thường chẳng có gì bên trong nay bỗng trở nên chật chội. Vợ chồng ông Bình xúc động cứ tần ngẩn trong giây lát. Bà Bình tỏ ra ái ngại hai tay vân vê vạt áo. Bà chạy ra chạy vào bối rối "xoắn xít" như tìm thêm cốc chén, nhưng lại chẳng mời ai ngồi uống nước. Bà hướng ánh mắt ra ngoài ngõ nơi có bức tường xây bằng bi cũ kỹ, nói trong thảng hốt: Làng này lúc nào cũng phải đổ cát và xây tường cao đề phòng ngăn dòng nước lũ bởi nơi đây nổi tiếng thiên nhiên khắc nghiệt. Lũ mà xảy ra thiệt hại vô cùng khủng khiếp. Đấy như vừa rồi trận lụt lịch sử cướp đi tất cả. Nhà tôi bao nhiêu năm vốn quá khó khăn nay chẳng còn gì. Hai vợ chồng già yếu bệnh tật không có nghề phụ, cuộc sống trông chờ mấy sào ruộng. Mặc dù trận lụt diễn ra khi đã gặt xong lúa mang từ ngoài đồng về nhà. Nhưng chưa kịp phơi nắng nước lụt làm cho thóc ướt hết; nảy mầm phải đổ đi. Giờ gia đình tôi mất sạch, nhà cửa tan hoang, không biết phải làm sao. Bao nhiêu công sức của vợ chồng tôi dồn cho nông nghiệp, thành quả của cả năm phút chốc thành công cốc.
Những tiếng gà, vịt kêu thân thương quen thuộc hay những con lợn mỗi khi đòi bữa réo inh nhà là niềm tin, hy vọng của người nông dân từ ngàn đời. Tất thảy những âm thanh tạo lên đặc trưng làng quê bây giờ cũng không còn nữa mà thay vào đó là khung cảnh ngổn ngang im lìm đáng sợ của sự thiếu thốn trăm bề.
Nói tới đây chốc chốc bà lại nhìn mọi người nét mặt đăm chiêu. Bà chỉ tay lên giường nơi ông Bình đang nằm ôm một đứa bé. Bà bảo: Các bác xem, đây là cháu tôi. Nhìn nó nằm liệt giường, bé tý như đứa trẻ nhưng đã 19 tuổi. Từng đó năm là cái mốc ngắn nhất để hình dung về cuộc sống cơ hàn của hai vợ chồng bà. Khổ thân tôi, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" nuôi cháu mà nó phụ lòng; chẳng thấy lớn. Đẻ ra nó hình thù kỵ dị, mẹ nó bị sốc, suy sụp tinh thần; sinh con được mấy hôm bỏ luôn làng trốn đi biệt tích. Có lẽ mẹ nó không chịu nổi lời ra tiếng vào của người dân bàn tán dị nghị. Tình thế, vợ chồng tôi phải chăm bẵm cháu gần 20 năm. Khi còn trẻ nuôi nó chật vật tận cùng; không biết thời gian tới chúng tôi già yếu số phận nó sẽ ra sao. Chưa dứt câu, hai hàng lệ lại ứa ra nơi khóe mắt nhăm nheo của bà. Bà cúi xuống như cố nhìn từng hạt nước mắt rơi lã chã đang ngấm trên nền nhà đất. Tôi quay mặt đi và dường như không muốn chạm vào nỗi đau tột độ tủi thân; phận lương dân cả đời lam lũ nay không may bị thiên tai làm chokiệt quệ.
Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập báo Người Hà Nội (đứng giữa) và ông Ngô Bá Quyết - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Thăng Long tặng quà cho bà con vùng lũ xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Ảnh: Đăng Chung).
Trong chuyến thiện nguyện này, Ban tổ chức báo Người Hà Nội đã trao hơn 100 phần quà cho những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ vừa qua ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa và huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng nhưng đều là những cảnh đời éo le nghèo túng, nay gặp mưa bão sự gian nan càng nhân lên. Họ đang vật lộn tới tương lai cần lắm ánh mắt đồng cảm, tấm lòng sẻ chia của cộng đồng. Những món quà nghĩa tình đã góp thêm chút lửa sưởi ấm lòng người dân vùng lũ để họ có thêm nghị lực vươn lên khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống.