Ám ảnh chiến tranh - Kỳ II: Trận đánh tại thị xã An Lộc

Lê Hoài Nam| 23/09/2018 07:00

Bây giờ mà người cầm bút cứ hay nói đến đề tài chiến tranh có vẻ như nặng về hoài cổ, không hợp thời lắm, tự tôi cũng đôi khi mang mặc cảm như vậy, bởi cuộc chiến gần nhất cũng đã trôi qua ngót một nửa thế kỷ rồi. Nhưng khi về tỉnh Bình Phước, chứng kiến những di ấn của cuộc chiến, tôi lại nhận thấy cái sự “ám ảnh chiến tranh” dường như vẫn còn. Những di tích chỉ là bề nổi, những gì mà nó gây ra còn hằn sâu trong tâm can con người mới là điều đáng nói.

Không những là “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Lộc Ninh còn là nơi tập kết các nguồn nhiên liệu chi viện phục vụ cho chiến trường B2 và chiến dịch giải phóng miền Nam, trong đó nguồn nguyên liệu xăng dầu là một yêu cầu bức thiết. Đầu năm 1974, đường ống xăng dầu chi viện từ miền Bắc về đến Bù Gia Mập huyện Phước Long được thiết lập. Từ đây, xăng dầu được chuyển về chứa tại Lộc Ninh dọc theo các con đường từ Bù Đốp đến ngã ba Lộc Tấn, trong đó kho xăng dầu VK 98 xã Lộc Quang (7 bồn) và VK 99 xã Lộc Hòa (10 bồn) là có quy mô lớn nhất. Mỗi bồn xăng cao 3,5m đường kính 10m với sức chứa 250.000lít/ bồn đủ nói lên tầm vóc quy mô của Tổng kho này. Việc xây dựng Tổng kho và vận chuyển xăng dầu về đây trong thời kỳ chiến tranh được giữ gìn một cách hoàn toàn bí mật, những người dân sống xung quanh cũng  không hề biết, là một trong những kỳ tích của cuộc chiến tranh. Hiện nay các bồn xăng đã được tháo dỡ chỉ còn lại một bồn để giới thiệu với bạn bè gần xa một trang sử hào hùng đã đi qua của dân tộc.

Ám ảnh chiến tranh - Kỳ II: Trận đánh tại thị xã An Lộc
Bộ chỉ huy miền, quân giải phóng miền Nam tại Bình Phước. Ảnh: Lê Hoài Nam.
Khu di tích lịch sử Tà Thiết (huyện Lộc Ninh), đang được xây dựng với một tầm vóc rất quy mô bởi nó gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, gắn với những tên tuổi thuộc thế hệ vàng của các tướng lĩnh Việt Nam, trong những năm tháng cam go nhất họ đã có mặt tại đây để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ: Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tướng Văn Tiến Dũng,Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Cố vấn Lê Đức Thọ…

Cũng tại địa bàn huyện Lộc Ninh có khu nhà bia tưởng niệm hơn 9000 liệt sĩ quân dân y miền Đông Nam Bộ đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Miền B2. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại chiến trường B2 đã có 34 bệnh viện quân y và 13 đội điều trị quân y cơ động thuộc Cục hậu cần Miền. Họ ngày đêm bám sát chiến trường phục vụ các đơn vị lực lượng vũ trang quân giải phóng. Do tính chất ác liệt của cuộc chiến đã có nhiều thương, bệnh binh, bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, anh nuôi… hy sinh trong khi điều trị, thậm chí có những người đã hy sinh còn tiếp tục bị bom đạn cày xới mộ. Hiện nay còn khoảng gần 60% liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.

- Về mức độ ác liệt và hao tổn máu xương thì Bình Phước chỉ đứng sau Quảng Trị thôi – Đại úy Bế Thanh Sơn, trợ lý Ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã khẳng định với chúng tôi như thế. Anh nói câu ấy khi chúng tôi đứng bên một ngôi mộ tập thể chôn cất 3000 người tại thị xã Bình Long.

Đó là hậu quả của trận đối đầu lịch sử giữa ta và địch tại thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long cũ, nay là thị xã Bình Long. Đây là một trận chiến mà phía địch xem là đợt 2 trong Chiến dịch Hè 1972. Về phía quân giải phóng miền Nam Việt Nam, thì đây là một trận đánh hiệp đồng binh chủng trong đợt 1 của Chiến dịch Nguyễn Huệ, từ ngày 1 tháng 4 năm 1972 đến 19 tháng 1 năm 1973, gây áp lực để Hiệp định Paris được ký kết. 

An Lộc là địa bàn quân sự chiến lược tối quan trọng đối với quân lực Việt Nam Cộng hòa vì đây là cửa ngõ Tây Bắc ngăn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến về Sài Gòn sau khi quận lỵ Lộc Ninh rơi vào tay quân giải phóng  ngày 7 tháng 4 năm 1972. 

Ám ảnh chiến tranh - Kỳ II: Trận đánh tại thị xã An Lộc
Ngôi mộ chôn chung 3000 người ở thị xã Bình Long, Bình Phước. Ảnh: Lê Hoài Nam
Phía quân giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công trực tiếp thị xã An Lộc gồm có Sư đoàn 9, 2 Trung đoàn pháo binh 28 và 42, 4 Tiểu đoàn pháo phòng không và Tiểu đoàn tăng thiết giáp 20, về sau tăng cường thêm tiểu đoàn tăng thiết giáp 21. Tham chiến ở vòng ngoài là Sư đoàn 5, 7 và Đoàn C30B. 

Phía quân lực Việt Nam Cộng hòa có Sư đoàn 5 bộ binh, Liên đoàn 3 Biệt động quân cùng lực lượng nhân dân tự vệ và địa phương quân tỉnh Bình Long. Trong quá trình diễn ra trận đánh, Hoa Kỳ dùng trực thăng chở thêm hàng ngàn quân Việt Nam Cộng hòa vào An Lộc, đồng thời huy động gần 20.000 quân tìm cách giải vây bằng trận đánh theo đường 13. Ngoài ra, không quân Hoa Kỳ yểm trợ bằng gần 1.000 máy bay phản lực và trực thăng các loại, từ ném bom, vận tải tới chuyển thương. 

Trận đánh có quá nhiều người chết. Chưa kể quân đội hai phía hy sinh và bị thương lên tới hàng vạn, những người dân vô tội cũng phải hứng những trận bom pháo khủng khiếp của quân Mỹ. Quân đội Việt Nam Cộng hòa phải dùng những xe ủi đào một hố lớn rồi xúc những xác chết đổ xuống vùi đất lên, ước tính ngôi mộ gồm 3000 người xấu số.

Người đi cùng chúng tôi hôm nay cũng là một trong những nạn nhân còn sống sót trong trận đánh ấy, đó là Trung tá Dương Hà Cường, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự thị xã Bình Long. Sau khi viếng xong ngôi mộ tập thể khổng lồ, Dương Hà Cường đưa chúng tôi đến trường Tiểu học An Lộc A mà ở giữa sân có pho tượng Đức chúa Giêsu cao lừng lững nhưng bị cụt đầu. Dương Hà Cường nói với giọng rưng rưng:

- Hồi trước chiến tranh trên nền đất phía sau pho tượng này là ngôi nhà thờ giáo xứ Bình Long rất đẹp nhưng đã bị bom Mỹ san phẳng. Sau này, bà con giáo dân đã nhường phần đất này cho địa phương xây trường học, còn nhà thờ mới thì xây bên cạnh. Riêng pho tượng Đức chúa Giêsu cụt đầu thì bà con không cho phá, họ bảo cứ để cho hậu thế biết thêm về những gì đã diễn ra trong chiến tranh…

Đón đọc kỳ cuối: Câu chuyện của một nhân chứng
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh chiến tranh - Kỳ II: Trận đánh tại thị xã An Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO