Chuyển động Hà Nội

70 năm Giải phóng Thị xã Sơn Tây: Kỳ vọng trung tâm phát triển phía Tây Thủ đô Hà Nội

Quỳnh Chi 03/08/2024 17:37

Với nền tảng hiện có, cùng sự quan tâm của Thành phố Hà Nội, đặc biệt là định hướng phát triển cụ thể và sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, Thị xã Sơn Tây hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm phát triển, cực tăng trưởng phía Tây Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần.

Ngày 3/8, Thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây (3/8/1954 - 3/8/2024). Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, phát huy những thành tích đã đạt được, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Sơn Tây đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, vững bước đi lên bằng chính nội lực của mình, đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

bi-thu.jpg
Đồng chí Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây phát biểu tại buổi lễ gặp mặt lãnh đạo thị xã qua các thời kỳ, cán bộ, công chức, viên chức; các đơn vị, doanh nghiệp...chiều ngày 2/8 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây (3/8/1954 - 3/8/2024).

Kinh tế thị xã Sơn Tây ngày càng tăng trưởng khá, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hằng năm, thị xã đều đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. 6/6 xã và thị xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhiều dự án trọng điểm và công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng khung, các tuyến giao thông huyết mạch được tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Các hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra sôi động, đều khắp và có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo từng bước phát triển khá toàn diện, hiện nay trên địa bàn thị xã không còn hộ nghèo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững cũng như đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Diện mạo đô thị và nông thôn của thị xã ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại, văn minh và các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tiếp tục được khôi phục, bảo tồn và phát huy…

son-tay-ok.jpg
Phố đi bộ đêm Thành cổ Sơn Tây trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn với du khách những năm gần đây.

Định hướng phát triển trong tương lai, trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Thị xã Sơn Tây tập trung quyết liệt để hoàn thiện các quy hoạch phân khu, các đồ án quy hoạch được giao. Thị xã Sơn Tây đã hoàn thành Quy hoạch phân khu ST1, cùng những định hướng phát triển đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô với tính chất văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh. Giai đoạn 2025 - 2030, thị xã Sơn Tây phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô.

Nhiều dự án trọng điểm và công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng khung, các tuyến giao thông huyết mạch được lãnh đạo Thị xã Sơn Tây tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, dịch vụ, tạo nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển đột phá của thị xã Sơn Tây.

Để hiện thực hóa mục tiêu đã đặt ra, thời gian tới, thị xã Sơn Tây tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, định hướng phát triển kinh tế gắn với văn hóa, du lịch; đô thị hóa gắn với kinh tế đô thị, tạo bước phát triển đột phá để sớm đưa thị xã Sơn Tây trở thành đô thị loại II. Cùng với duy trì, phát huy sản phẩm du lịch hiện tại, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới cho du khách, như: trải nghiệm thực tế làm nhà nông, tham quan trang trại trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thăm làng nghề truyền thống,… Thị xã cũng sẽ hợp tác với các địa phương khác tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Định hướng phát triển du lịch, đồng chí Nguyễn Quang Hán – Phó Bí thư thường trực thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây, cho biết, thị xã tập trung nguồn lực, hình thành 3 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); Khu trung tâm thị xã - Thành cổ - Đền Và - Đường Lâm (là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); Khu du lịch Xuân Khanh (là khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái). Năm 2023 vừa qua, du lịch thị xã Sơn Tây đã trở thành điểm sáng của du lịch Thủ đô bởi du khách đến với Thị xã ước đạt 1.175.000 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó 470.000 lượt khách đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; 450.000 lượt khách tham quan tại các di tích Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Đường Lâm, Thành cổ, phố đi bộ Sơn Tây. Khách quốc tế đến thị xã trong năm 2023 ước đạt 22.400 lượt khách.

khachtay.jpg
Khách quốc tế tham quan, trải nghiệm nghề làm tương truyền thống tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.

Cùng đó, công tác phát triển kết cấu hạ tầng đô thị của Thị xã Sơn Tây cũng đạt nhiều kết quả nổi bật thời gian qua. Thị xã đã triển khai hoàn thành 42 dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông, kết hợp đầu tư hệ thống rãnh thoát nước đồng bộ với hệ thống đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Hoàn thành xây dựng mới 31,4km và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 10,2km rãnh thoát nước; 168,2km đường điện chiếu sáng công cộng…

Thị xã Sơn Tây đã được định hướng là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, và từ thực tế cho thấy, với bề dày cũng như truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng lớn về du lịch, nghỉ dưỡng; xác định lấy văn hóa làm tài nguyên, nền tảng để phát triển kinh tế, thị xã Sơn Tây trong tương lai gần sẽ trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng phía Tây Thủ đô Hà Nội./.

Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sơn Tây đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ Thị xã nhiều năm được công nhận trong sạch, vững mạnh. Hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Bảng vàng danh dự các loại.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Khát vọng người lính trẻ
    Tôi tìm gặp Nho bên bờ sông. Nho đang ngồi xếp bằng, cúi mặt, tay xé mấy cọng lục bình. Nho buồn rười rượi…
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư
    Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • Hà Nội: Báo động lũ trên sông Bùi, sông Tích
    Hiện tại mực nước sông Bùi, sông Tích đang lên nhanh đáng báo động, cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm khi lũ lên cao gây sạt lở đất ở vùng ven sông, nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất,...
  • [Podcast] Nhà hát Lớn Hà Nội - Nơi hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử
    Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, Nhà hát Lớn Hà Nội là Di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia. Nơi đây gắn liền với Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng là nơi đã vang lên hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử vào 15 giờ ngày 10/10/1954 trước khi hàng vạn người dân Thủ đô hướng về Cột cờ Hà Nội để thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng.
Đừng bỏ lỡ
70 năm Giải phóng Thị xã Sơn Tây: Kỳ vọng trung tâm phát triển phía Tây Thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO