Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 10/2022 giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 425 - 430 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Với mức giá này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn giá gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 27 USD/tấn. Xuất khẩu gạo nhờ đó đạt hơn 6 triệu tấn, thu về gần 3 tỷ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến thị trường trong khoảng một tháng qua cho thấy, trong khi giá gạo Thái Lan liên tục lao dốc, thì giá gạo Việt Nam vẫn duy trì được mức cao và đang đứng đầu thế giới.
Gạo Thái đến nay chỉ còn khoảng 413 USD/tấn. Ngược lại gạo 5% tấm Việt Nam từ 415 USD/tấn hồi cuối tháng 9 hiện đã tăng lên mức 428 USD/tấn. Các loại gạo 5% tấm của Pakistan đứng thứ 3 với 393 USD/tấn. Đây không phải là lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn của Thái Lan (đối thủ xuất khẩu lớn nhất cùng phân khúc gạo). Thế nhưng gần đây, gạo Việt Nam có nhiều thay đổi khi ngày càng cải thiện về chất lượng và khẳng định thương hiệu.
Trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu đa phần là hàng bình dân, thì nay đã ghi dấu ấn nhiều hơn ở sản phẩm chất lượng cao. Giá gạo xuất sang thị trường châu Âu rất cao, từ 700 - 1.250 USD mỗi tấn. Mỗi tháng công ty ông xuất khẩu khoảng 30 container gạo sang thị trường này. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã chủ động sản xuất giống lúa chất lượng cao để xuất khẩu.
Số liệu từ Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết thêm, trên địa bàn thành phố có 40 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp. Trong 10 tháng năm 2022, sản lượng xuất khẩu ước đạt 735,26 ngàn tấn, tăng 26,42% so với cùng kỳ, đạt 94,87% kế hoạch năm; Kim ngạch ước đạt 347,08 triệu USD, tăng 23,25% so với cùng kỳ, đạt 94,86% kế hoạch năm.
Hiện nay, thành phố Cần Thơ giao thương với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu gạo đi rất nhiều nước trên thế giới như Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Mỹ, các nước châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippine...), các nước châu Phi (Nam Phi, Ghana, Papua New Guinea, Ethiopia,...).
Trong 8 tháng đầu năm 2022, tuy chịu nhiều tác động từ những diễn biến của thị trường thương mại gạo thế giới, nhưng lượng gạo xuất khẩu của thành phố sang một số thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Singapore, Trung Đông, Malaysia và Philippine vẫn đạt tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021.
Theo các chuyên gia, triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn "rộng cửa" trong dài hạn, trong đó phải kể đến chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Mặt khác, một nước xuất khẩu quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung.
Ngoài lệnh cấm của Ấn Độ thì nhu cầu lương thực thế giới đang cao do đối mặt chiến tranh và thiên tai nghiêm trọng khắp nơi. Cụ thể như hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc, nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Trong khi đó, điều kiện sản xuất lương thực của Việt Nam thời gian qua tương đối thuận lợi và sản lượng dồi dào. Cục diện đó cho thấy, trong những tháng cuối năm và cả năm 2023, đầu ra của sản phẩm gạo Việt Nam là rất lạc quan.