Chuyển động Hà Nội

Xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Phan Anh 24/03/2024 08:32

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

dai-7-1685008720199221323410.jpg

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố (các cơ quan) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, như: Quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68/NQCP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; các quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khoá XVII, Đảng đoàn HĐND Thành phố khóa XVI, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, Quy chế làm việc của UBND Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026, Quy chế số 26/QCPH-ĐĐBQH-HĐND-UBND-UBMTTQ ngày 17/2/2022 phối hợp công tác giữa Đoàn đại biểu Quốc hội – Thường trực Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân – Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026.

Các cơ quan nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; xác định xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố thuộc lĩnh vực công tác của đơn vị mình.

Trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tình hình thực tiễn của Thành phố các cơ quan tham mưu HĐND Thành phố, UBND Thành phố kịp thời ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; lưu ý cần nghiên cứu kỹ nội dung đề xuất, báo cáo để UBND Thành phố chỉ đạo, tránh trường hợp xin rút nội dung không ban hành trong quá trình thực hiện.

Các cơ quan chủ động thực hiện quy trình lấy ý kiến góp ý, tham vấn của các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan đến nội dung, lĩnh vực quản lý của từng ngành theo quy định để đảm bảo đầy đủ tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành có hiệu quả, chất lượng.

Các cơ quan tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu; không trình HĐND Thành phố, UBND Thành phố hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật.

Các cơ quan đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách...

Trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật các cơ quan cần chủ động rà soát các VBQPPL thuộc các lĩnh vực do Sở, ban, ngành quản lý để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn; xác định rõ khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật hay từ khâu tổ chức thi hành, từ đó xác định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản.

Các cơ quan tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố thuộc các lĩnh vực do các Sở, ban, ngành, cơ quan mình quản lý, kịp thời phát hiện các nội dung trái pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý.

Các cơ quan thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời đề xuất, soạn thảo, trình HĐND Thành phố, UBND Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

Các cơ quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, UBND thành phố yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.

Các cơ quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.

Các cơ quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp...

Các cơ quan cần rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức có chức năng tham mưu về công tác pháp chế; kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị, thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức chuyên trách làm công tác pháp chế; cử công chức làm công tác pháp chế tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo quy định và theo tổ chức, hướng dẫn của Sở Tư pháp. Các cơ quan cần xây dựng quy trình nội bộ giải quyết công việc về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, như: tham mưu dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật,… bảo đảm việc tham gia của tổ chức, công chức làm công tác pháp chế trong quy trình./.

Toàn văn Chỉ thị xem tại đây./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO