Xu hướng tất yếu của tương lai

Việt Nhật/HNM| 09/04/2019 10:59

Những năm gần đây, xuất bản điện tử đang phát triển một cách nhanh chóng, song vẫn chiếm thị phần nhỏ so với sách truyền thống nói chung. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng việc xuất bản điện tử "soán ngôi" sẽ là điều tất yếu trong thời gian không xa.

Xu hướng tất yếu của tương lai

Tiềm năng nhiều nhưng chưa được khai thác


Sử dụng ebook đang bắt đầu là thói quen của một bộ phận độc giả Việt, đặc biệt là giới trẻ. Chi phí rẻ, dễ dàng cầm cả một “kho sách” theo đi mọi lúc mọi nơi, có thể tương tác với tác giả hoặc những người có cùng sở thích, có thể review (giới thiệu) và bình luận tác phẩm... là các ưu điểm mà những người sử dụng ebook “đúc kết”. Là quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực và thế giới, đồng thời là thị trường điện thoại di động có mức tăng trưởng rất cao, Việt Nam có những tiền đề quan trọng để có thể thúc đẩy xuất bản điện tử phát triển.

Thực tế, nhu cầu đọc sách điện tử cũng đã tăng lên rất nhanh trong thời gian qua, nhiều mô hình kinh doanh sách điện tử đã xuất hiện hoặc chuyển mình từ tự phát, nhỏ lẻ đến chuyên môn hóa. Có thể kể đến các đơn vị kinh doanh phát hành sách trực tuyến, cung cấp sách điện tử như Vinabook, Tiki, Fahasa, Công ty Lạc Việt, Vinapo... cùng với đó là một loạt các ứng dụng đọc sách online “bùng nổ” trên thị trường sách. Đầu tiên không thể không nhắc đến dự án sách của Google với tham vọng số hóa tất cả các đầu sách trên thế giới. Tại Việt Nam, dự án sách tiếng Việt Google Books cũng khá phát triển với rất nhiều đầu sách miễn phí, có những tên sách đã không thể tìm mua trên thị trường truyền thống thì người đọc vẫn có thể tìm kiếm bản ebook trên nền tảng này. Hàng loạt ứng dụng đọc sách online dành cho điện thoại thông minh khác với tinh thần “mang cả thư viện vào ngôi nhà của bạn” cũng đã xuất hiện và cùng cạnh tranh như Vinabook Reader, Miki, iBooks, Waka, Tea Book... tùy theo phiên bản IOS hay Android. Riêng ứng dụng Waka tương thích với hầu hết các thiết bị đọc, cả ở trình duyệt trên máy tính hay các hệ điều hành như IOS, Android, WindowPhone trên điện thoại thông minh. Với những độc giả lo ngại ánh sáng xanh của điện thoại sẽ làm hại mắt khi tiếp xúc quá lâu, thì đã có các thiết bị chuyên dụng là nhiều loại máy đọc sách như Kindle, Boox Kepler, Onyx Boox, Kobo, Boox Note, Bibox...

Song, sự bùng nổ của các ứng dụng đọc sách và số lượng lớn lượng truy cập, tải sách của bạn đọc trên các ứng dụng này lại không phản ánh được thị trường xuất bản sách điện tử của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) trong năm 2017, chỉ có 137 xuất bản phẩm điện tử được đăng ký lưu chiểu, trong khi có tới trên 26 nghìn đầu sách được in. Sang năm 2018, con số xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên gần 200, nhưng vẫn là một tỷ lệ quá thấp so với hơn 31 nghìn cuốn sách in truyền thống. Dường như các nhà xuất bản (NXB) vẫn còn thờ ơ với "chiếc bánh" xuất bản điện tử. Hiện cả nước có 59 NXB, nhưng nhìn chung tất cả đều đi chậm hơn so với xu thế phát triển công nghệ. Chỉ có một số ít NXB và một số nhà sách lớn như Tiki, Vinabook, Phương Nam book, Thái Hà books, First News... đang theo đuổi xuất bản điện tử. Trong đó, NXB Tổng hợp là đơn vị tiên phong trong lập mô hình kinh doanh sách điện tử với nhiều hoạt động đa dạng thu hút độc giả đọc trên máy như bán hoặc cho thuê ebook, đọc thử... Hay NXB Trẻ thành lập hẳn một thương hiệu Ybook với số lượng lớn sách được số hóa, có tiêu chuẩn cao.

Xuất bản phẩm điện tử có thể chia thành 2 loại. Một là các tác phẩm đã được xuất bản hợp pháp dưới hình thức khác nay được chuyển sang hình thức điện tử; và hai là được tạo lập bằng phương thức điện tử, chưa được xuất bản dưới hình thức khác và có quyết định xuất bản của NXB hoặc giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý. Nhưng, trong “con mắt” của các NXB Việt Nam hiện nay, xuất bản điện tử mới chỉ gói gọn trong việc số hóa các tác phẩm đã xuất bản mà thôi. Các nhà xuất bản như NXB Bách Khoa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật đã và đang từng bước số hóa nhiều đầu sách, song việc số hóa này chưa đồng bộ với các hoạt động khác về quảng bá, bán hàng nhằm đẩy mạnh hình thức ebook của các sách đã xuất bản.

Trập trùng khó khăn
Xu hướng tất yếu của tương lai
Các thiết bị chuyên dụng như Kindle, Boox Note, Bibox... sẽ giúp cho việc đọc sách điện tử được dễ dàng.

Trong các hội nghị về xuất bản điện tử, xuất bản 4.0 gần đây, đại diện các NXB đều khẳng định: Xuất bản điện tử là xu thế tất yếu của tương lai. Song ở Việt Nam xuất bản điện tử phải đối mặt với khó khăn trập trùng mà câu chuyện bản quyền là vấn đề đầu tiên phải nhắc đến. Theo ThS Phạm Ngọc Anh, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Sân khấu, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử đang trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp và NXB muốn phát triển xuất bản điện tử. Nhiều năm nay, các xuất bản phẩm điện tử lậu, không bản quyền đang bị cư dân mạng chia sẻ, phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng ở trong và ngoài nước. Sách giấy in lậu, in nhái đã là một vấn nạn khó giải quyết. Nếu ebook không bản quyền vẫn tiếp tục phát triển như hiện tại thì xuất bản điện tử của Việt Nam khó có thể có bước tiến mới.

Việc cấp giấy phép cho các xuất bản điện tử cũng gặp khó khi quy trình cấp phép vẫn còn tiêu tốn nhiều thời gian. Cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của xuất bản điện tử đòi hỏi đầu tư tập trung về nguồn lực tài chính, đào tạo nhân lực, xây dựng môi trường pháp lý, áp dụng công nghệ quản lý mới và đặc biệt cần có sự đổi mới tư duy ở mọi khâu trong xuất bản. Đã đến giai đoạn mà một xuất bản phẩm thu hút độc giả không chỉ còn nằm ở nội dung tác phẩm và danh tiếng của tác giả như trước đây, mà còn đặt ra yêu cầu buộc đội ngũ các NXB cần phải biết marketing, biết tiếp cận và đáp ứng người đọc trên các nền tảng công nghệ mới.

Sau năm 2020, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, rất có thể nhiều doanh nghiệp xuất bản nước ngoài với kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế mạnh mẽ sẽ tràn vào thị trường xuất bản Việt Nam. Nếu không có một chiến lược cụ thể và đồng bộ từ bây giờ để đón đầu một xu hướng tất yếu của tương lai, các đơn vị xuất bản Việt sẽ phải đối mặt với chất chồng khó khăn và rất có thể sẽ thua trên chính sân nhà.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng tất yếu của tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO