''Xin thôi chức'' và bản lĩnh làm cán bộ

hanoimoi| 29/06/2020 08:33

Một câu chuyện đang được dư luận quan tâm: Hai cán bộ đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi cùng có đơn xin nghỉ công tác trước thời hạn. Cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ và Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã gửi đơn đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi chức vụ, nghỉ hưu theo chế độ. Lý do được đưa ra là xuất phát từ nguyện vọng cá nhân và nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tổ chức vào thời gian tới.

Chuyện “xin thôi chức” của hai đảng viên này sẽ được hoan nghênh như rất nhiều đảng viên khác nếu quá trình công tác trước đó đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao. Và cũng có thể được trân trọng như hàng nghìn đảng viên khác thực hiện quy định của Đảng về độ tuổi tái cử đã thanh thản nghỉ ngơi theo diện “sắp xếp”, hy sinh quyền lợi cá nhân để tập thể chuẩn bị tốt nhất cho tổ chức đại hội Đảng các cấp.

Nhưng hai trường hợp này lại giống nhiều trường hợp cán bộ cao cấp khác trong gần 4 năm qua, chỉ “xin thôi chức” sau khi bị kỷ luật.

Ngày 4-6-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và căn cứ những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác của cá nhân, ngày 16-6-2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi bằng hình thức cảnh cáo.

Trước đây, vào tháng 7-2017, đồng chí Võ Kim Cự (khi ấy là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi lá đơn trình bày nguyện vọng cá nhân này được viết ra, đồng chí Võ Kim Cự đã bị Ban Bí thư cách hết các chức vụ khi đảm nhận vai trò đứng đầu UBND và Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong giai đoạn trước đó do liên quan đến sự cố môi trường Formosa.

Tháng 5-2018, đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh khi đang làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng (trước đó, đồng chí Thanh đã bị Ban Bí thư kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng).

Tháng 8-2019, đồng chí Hồ Văn Năm, khi đó là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (thay đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh), cũng gửi đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định. Điều đáng lưu ý là thời điểm lá đơn này được gửi đi chỉ ít ngày sau khi đồng chí Năm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật vì đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Có thể nói, việc “xin thôi chức” sau khi bị kỷ luật đang tạo ra những câu hỏi về mục đích và về cả trách nhiệm đảng viên.

Nhìn rộng hơn ở các cơ sở, địa phương - lý do xin thôi đảm nhận nhiệm vụ “vì hoàn cảnh gia đình”, “vì sức khỏe cá nhân”… càng không hiếm gặp và càng đáng để suy nghĩ.

Có cán bộ, khi được bổ nhiệm chức trách cao hơn thì hào hứng, cam kết, hứa hẹn. Đến khi nhận nhiệm vụ một thời gian, thấy khó khăn, lại gặp cấp trên “cho em xin thôi nhiệm vụ” vì lý do năng lực quản lý hạn chế (!?).

Có cán bộ, trước kỳ bầu cử cấp ủy thì hăng hái phấn đấu, thể hiện bản thân trước tập thể. Nhưng sau khi trúng cử, tiếp tục được cấp có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ lãnh đạo khác, thì lại đưa ra lý do “bản thân có bệnh phải chữa” để từ chối.

Có đảng viên, lúc đương chức thì nói và làm gìn giữ đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng khi cầm quyết định nghỉ hưu thì cũng cho mình trở thành quần chúng, tìm mọi lý do để né tránh nhiệm vụ đảng viên nơi sinh sống. Cá biệt có trường hợp còn nói và làm trái với các quy định của Đảng.

Nói khái quát, hành động “xin thôi chức” và “sau khi hết chức” nêu trên đã phần nào chứa đựng dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã phân tích: “Sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm…”. Và: “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.

Theo Điều lệ Đảng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam “là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”. Tuy không quy định cụ thể về ranh giới chung - riêng, về yêu cầu sức khỏe với nhiệm vụ…, song những yêu cầu về vai trò tiền phong, gương mẫu “suốt đời phấn đấu…” cũng đủ để mỗi đảng viên tự hiểu mình cần và nên làm gì để giữ gìn tư cách, danh dự người đảng viên.

Làm cán bộ có lúc thành công, có khi thất bại. Có khi được hiểu đúng, có lúc bị hiểu nhầm. Có việc được công nhận, có việc nhường công lao cho đồng chí, đồng đội, cho tập thể… Tất cả đều là sự bình thường, bởi có thế mới là cuộc sống. Nhưng bản lĩnh của người đảng viên, nhất là người làm cán bộ thì bất luận thế nào vẫn phải vững niềm tin vào tổ chức, vào tương lai sự nghiệp phát triển; không ngã lòng trước khó khăn. Quyền lực của Đảng là quyền lực tập thể, không riêng cá nhân nào. Bởi thế, chỉ có thể có bản lĩnh lãnh đạo nếu người cán bộ trung thực, trung thành với Đảng; tuân thủ nghiêm các quy định, kỷ cương tổ chức trong đại diện cho Đảng thực thi quyền lực theo nhiệm vụ, chức trách được giao.

Tổ chức Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước đã, đang và luôn tôn trọng nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên, việc đề xuất nguyện vọng cá nhân thế nào với tổ chức để thể hiện bản lĩnh của người đảng viên khi làm cán bộ - là điều mỗi đảng viên cần phải cân nhắc kỹ, bởi đây là việc làm ảnh hưởng tới danh dự cá nhân và uy tín của tổ chức Đảng.

Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị (ngày 30-5-2019) về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút…, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao”. Chỉ thị cũng nêu rõ, phải đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể khi xem xét, đánh giá cán bộ.

Thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ theo tinh thần chỉ thị này, cũng chính là góp phần ngăn chặn để lọt vào cấp ủy những cán bộ “vừa nhậm chức đã xin thôi” hoặc “vội xin thôi sau khi bị kỷ luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
''Xin thôi chức'' và bản lĩnh làm cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO